Bản tin thông báo, dự báo và cảnh báo tài nguyên nước dưới đất trên lưu vực sông Cửu Long mùa mưa năm 2022.

Bản tin thông báo, dự báo và cảnh báo tài nguyên nước dưới đất trên lưu vực sông Cửu Long được biên soạn hàng tháng, mùa, năm và chuyên đề nhằm cung cấp các thông tin về số lượng, chất lượng nước, đồng thời dự báo tổng lượng nước đến, lượng nước có thể khai thác sử dụng tại các tiểu vùng dự báo và đưa ra những cảnh báo về tài nguyên nước nhằm phục vụ công tác quản lý Nhà nước, công tác điều tra cơ bản và quy hoạch tài nguyên nước.

Lưu vực sông Cửu Long là một trong những lưu vực sông lớn ở Việt Nam, bao gồm 13 tỉnh thành là Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau có tổng diện tích tự nhiên khoảng 3,96 triệu ha.

– Đối với tài nguyên nước mặt, lượng mưa trung bình nhiều năm lưu vực sông Cửu Long dao động từ khoảng 1300-2400mm. Tổng lượng dòng chảy trung bình hàng năm trên lưu vực sông Cửu Long là khoảng 500km3, trong đó khoảng 23,0km3 được hình thành trong đồng bằng sông Cửu Long, 477km3 từ trung thượng lưu sông Mê Công chảy vào đồng bằng sông Cửu Long. Mùa mưa hàng năm thường xuất hiện vào các tháng V – X, lượng dòng chảy mùa lũ chiếm khoảng 70 – 85% tổng lượng dòng chảy năm. Mùa cạn từ tháng XI đến tháng IV năm sau, lượng dòng chảy mùa cạn chiếm khoảng 15 – 30% tổng lượng dòng chảy năm.

– Đối với tài nguyên nước dưới đất, lưu vực sông Cửu Long bao gồm 5 tầng chứa nước chính: tầng chứa nước Pleistocene thượng (qp3), tầng chứa nước Pleistocene trungthượng (qp2-3), tầng chứa nước Pleistocene hạ (qp1), tầng chứa nước Pliocene trung (n22), tầng chứa nước Pliocene hạ (n21). Trong lưu vực sông Cửu Long hiện này có 50 điểm quan trắc, 245 công trình quan trắc tài nguyên nước dưới đất được Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia xây dựng và đưa vào vận hành. Theo báo cáo thuộc dự án “Biên hội – thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:200.000 cho các tỉnh trên toàn quốc”, tổng tài nguyên nước dự báo cho các tầng chứa nước như sau: tầng chứa nước qp3 4.975.661m3/ngày, tầng chứa nước qp2-3 7.218.972m3/ngày, tầng chứa nước qp1 7.135.305m3/ngày, tầng chứa nước n22 10.128.854m3/ngày, tầng chứa nước n21 là 8.563.299m3/ngày.

  1. Tài Nguyên Nước Mặt

1.1. Phân vùng tính toán dự báo

Lưu vực sông Cửu Long trên địa phận Việt Nam có tổng diện tích là 39.945km2.Theo đặc điểm nguồn nước và định hướng quản lý tài nguyên nước trong Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì lưu vực sông Cửu Long được phân chia thành 3 vùng sinh thái ngọt, ngọt – lợ và mặn – lợ trong đó bao gồm 12 tiểu vùng là N1, N2, N3,N4, L1, L2, L3, L4, M1, M2, M3. Thông tin về các phân vùng quản lý tài nguyên nước được chọn làm các tiểu vùng dự báo như bảng dưới đây.

1.2. Dự báo tổng lượng nước đến

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, nhiệt độ trung bình trong mùa mưa tại vùng Nam Bộ được dự báo như sau: Tháng 5-6 năm 2022 nhiệt độ phổ biến xấp xỉ so với TBNN, từ tháng 7-10/2022 nhiệt độ phổ biến cao hơn 0,0-0,50C so với TBNN. Về lượng mưa: trong tháng 5/2022, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn 10-20% so với TBNN, từ tháng 6- 9/2022 tổng lượng mưa phổ biến thấp hơn từ 10-20% so với TBNN, tháng 10/2022 tổng lượng mưa phổ biến ở mức cao hơn 10-30% so với TBNN cùng thời kỳ.

Dựa theo nhận định trên kết hợp với số liệu mưa dự báo từ vệ tinh NMME, dự báo trong mùa mưa năm 2022, tổng lượng nước mặt dự báo sinh ra từ mưa trên phạm vi diện tích lưu vực sông Cửu Long vào khoảng 18,3 – 26,5 tỷ m3.

  1. Tài Nguyên Nước Dưới Đất

1.1 Thông báo tình hình mực nước

Tầng chứa nước Pleistocene thượng (qp3): Trong mùa khô 11/2021 – 4/2022: mực nước nông nhất là -1,25m tại xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang (Q10401Z) và sâu nhất -13,28m tại Phường 3, TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng (Q59801Z). Mực nước suy giảm lớn nhất so với cùng kỳ 1 năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm trước lần lượt là 1,01m; 2,67m; 4,58m, 5,32m tại huyện Vĩnh Châu, TP Sóc Trăng – tỉnh Sóc Trăng, huyện Thạnh Hóa – tỉnh Long An. Diễn biến mực nước dưới đất trung bình mùa khô 11/2021 – 4/2022so với cùng thời điểm 1 năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm trước.

Tầng chứa nước Pleistocene trung-thượng (qp2-3): Trong mùa khô 11/2021 – 4/2022: mực nước nông nhất là -3,75m tại xã Phú Xuân, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang (Q611030) và sâu nhất là -20,63m tại Phường 5,TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau (Q188020). Mực nước suy giảm lớn nhất so với cùng kỳ 1 năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm trước lần lượt là 1,85m; 3,95m, 6,30m, 5,82m tại huyện Vĩnh Châu, TP Sóc Trăng – tỉnh Sóc Trăng và huyện Châu Thành – tỉnh Kiên Giang. Diễn biến mực nước dưới đất mùa khô 11/2021 – 4/2022so với cùng thời điểm 1 năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm trước.

Tầng chứa nước Pleistocene hạ (qp1): Trong mùa khô 11/2021 – 4/2022: mực nước nông nhất là -3,01m tại TT Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An (Q02204T) và sâu nhất là -26,19m tại Phường 5, Tp Cà Mau, tỉnh Cà Mau (Q188030).Mực nước suy giảm lớn nhất so với cùng kỳ 1 năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm trước lần lượt là 1,89m; 5,27m, 5,64m, 8,90m tại huyện Vĩnh Châu, TP Sóc Trăng – tỉnh Sóc Trăng. Diễn biến mực nước dưới đất mùa khô 11/2021 – 4/2022so với cùng thời điểm 1năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm trước.

Tầng chứa nước Pliocene trung (n22): Trong mùa khô 11/2021 – 4/2022: mực nước nông nhất là -3,12m tại xã Phú Xuân, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang (Q611050) và sâu nhất là -24,63m tại Phường 9, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau (Q17704TM1). Mực nước suy giảm lớn nhất so với cùng kỳ 1 năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm trước lần lượt là 1,21m; 5,76m, 10,52m, 13,75m tại TP Sóc Trăng – tỉnh Sóc Trăng và huyện Thạnh Hóa – tỉnh Long An. Diễn biến mực nước dưới mùa khô 11/2021 – 4/2022so với cùng thời điểm 1 năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm trước

Tầng chứa nước Pliocene hạ (n21):Trong mùa khô 11/2021 – 4/2022: mực nước nông nhất là -7,18m tại xã Đông Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang (Q621060) và sâu nhất là -23,63m tại Phường 9, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau (Q17704ZM1). Mực nước suy giảm lớn nhất so với cùng kỳ 1 năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm trước lần lượt là 1,21m; 2,88m, 8,15m, 8,11m tại TP. Sóc Trăng – tỉnh Sóc Trăng, huyện Trà Cú – tỉnh Trà Vinh. Diễn biến mực nước dưới đất mùa khô 11/2021 – 4/2022so với cùng thời điểm 1 năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm trước

 

Xem chi tiết tại đây