Họp trực tuyến Hội đồng thẩm định Báo cáo kết quả thực hiện Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các khu đô thị lớn” – Giai đoạn II, đô thị Bắc Ninh

Sáng ngày 15/09/2021 tại trụ sở Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã diễn ra cuộc họp trực tuyến Hội đồng thẩm định Báo cáo kết quả thực hiện Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các khu đô thị lớn” – Giai đoạn II, đô thị Bắc Ninh. Chủ trì cuộc họp là Phó Tổng giám đốc Triệu Đức Huy, cùng tham dự đại diện Ban Điều tra tài nguyên nước, Ban Kế hoạch – Tài chính, Ban Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trung tâm Chất lượng và Bảo vệ tài nguyên nước và các chuyên gia địa chất thủy văn.

                            Phó Tổng giám đốc Triệu Đức Huy chủ trì cuộc họp trực tuyến.

Báo cáo tại cuộc họp, Chủ nhiệm đề án Nguyễn Văn Giang cho biết, Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn – giai đoạn II” – đô thị Bắc Ninh được phê duyệt theo Quyết định số 3071/QĐ-BTNMT ngày 02 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt nội dung và dự toán Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” – Giai đoạn II; và được điều chỉnh theo Quyết định số 199/QĐ-BTNMT ngày 01 tháng 02 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt điều chỉnh nội dung và dự toán Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” – Giai đoạn II. Do Trung tâm Chất lượng và Bảo vệ tài nguyên nước thi công trong năm 2021. Qua 01 năm triển khai đã hoàn thành khối lượng được phê duyệt, lập báo cáo tổng kết theo quy định.. Tóm tắt kết quả đạt được như sau:

Đã đánh giá được các đặc điểm của tài nguyên nước liên quan đến đề xuất các giải pháp bảo vệ nước dưới đất đô thị Bắc Ninh:

– Cấu trúc ĐCTV: đô thị Bắc Ninh có 3 tầng chứa nước lỗ hổng cần bảo vệ là qh, qp, t3. Kết quả nghiên cứu đã xác định được diện phân bố, thành phần thạch học, mức độ chứa nước, phân bố nước mặn/nhạt, đặc tính thủy lực, diễn biến mực nước và khả năng khai thác sử dụng của các tầng chứa nước.

– Trữ lượng nước dưới đất: được xác định dưới sự hỗ trợ của mô hình dòng chảy nước dưới đất, kết quả tính toán các loại trữ lượng như sau: tiềm năng tài nguyên nước dưới đất là nhạt 729.450 m3/ngày, trữ lượng có thể khai thác nước nhạt 279.959 m3/ngày.

– Chất lượng nước dưới đất: được đánh giá theo QCVN 09-MT:2015/BTNMT cho thấy nước nhạt các tầng chứa nước cần bảo vệ là tầng qh, qp, t3 có chất lượng khá tốt có thể sử dụng cho nhiều mục đích, tuy nhiên cần xử lý một số chỉ tiêu vượt QCVN09 phân bố dạng điểm.

– Đánh giá được hiện trạng khai thác nước dưới đất với tổng lưu lượng khai thác là 73.417 m3/ngày, nhu cầu khai thác sử dụng nước đến năm 2030 và năm 2050.

– Đánh giá khả năng tự bảo vệ của các tầng chứa nước: các tầng chứa nước tầng qh và tầng qp được đánh giá bằng phương pháp DRASTIC và phương pháp UNESCO kết quả đã phân tích, đánh giá và phân thành 3 vùng khả năng tự bảo vệ: cao, trung bình, thấp.

 

– Đánh giá được tác động của việc khai thác nước dưới đất đến các tầng chứa nước:

+ Tác động làm suy giảm mực nước dưới đất: tầng chứa nước qh không khai thác hoặc có lượng khai thác nhỏ, do đó chưa có dấu hiệu cạn kiệt nước dưới đất; tầng chứa qp khai thác tương đối nhiều trong vùng với phần lớn là các giếng khai thác quy mô tập trung nên đã có nguy cơ cạn kiệt ở khu vực phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh và xã Long Châu, huyện Yên Phong.

+ Tác động xâm nhập mặn các tầng chứa nước: tầng chứa nước qh và t3 không bị nhiễm mặn; tầng chứa nước qp bị mặn ở phía Đông Bắc vùng nghiên cứu.

+ Tác động làm gia tăng quá trình sụt lún nền đất: chưa ghi nhận được hiện tượng sụt, lún nền đất xảy ra trong quá trình khai thác nước dưới đất.

Đã đề xuất được các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ, phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, nhiễm mặn và sụt lún do khai thác nước dưới đất cho đô thị Bắc Ninh:

– Khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất: khoanh được các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất cho 3 tầng chứa nước nhạt là qh, qp, t3.

– Xây dựng phương án khai thác sử dụng nước dưới đất hợp lý: Điều chỉnh tăng công suất các giếng khai thác tại TrCN Quế Võ như giấy phép Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Điều chỉnh giảm công suất khai thác tại TrCN KCN Tiên Sơn, TrCN thị trấn Lim. Dừng khai thác các công trình trong phạm vi các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.

– Khoanh vùng bảo vệ miền cấp cho tầng chứa nước: Khoanh được miền cấp cho tầng chứa nước qh (106,3km2) và qp (26,3km2).

– Khoanh định đới phòng hộ, bảo vệ các công trình khai thác sử dụng nước dưới đất: khoanh được 3 đới bảo hộ vệ sinh cho 28 công trình khai thác nước dưới đất có quy mô lưu lượng ≥10 m3/ngày:

– Đề xuất mạng lưới quan trắc, giám sát các tầng chứa nước cần bảo vệ: đã thiết kế hoàn chỉnh mạng lưới quan trắc, giám sát tài nguyên nước theo các mục tiêu quan trắc đông thái nước dưới đất, giám sát sự cạn kiệt và xâm nhập mặn của các tầng chứa nước, bao gồm 37 điểm/41 công trình quan trắc.

– Phân vùng khả năng bổ sung nhân tạo cho các tầng chứa nước, xác định thứ tự ưu tiên và đề xuất sơ đồ bổ sung nhân tạo tại vị trí ứu tiên: Kết quả phân vùng khả năng bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất cho thấy tầng chứa nước qp có khả năng bổ sung nhân tạo bằng phương pháp ép nước từ trung bình đến cao.

Kết quả đạt được của đề án đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu đề ra là đánh giá nguồn nước dưới đất ở đô thị Bắc Ninh, đề xuất các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ, phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn nước dưới đất cho đô thị Bắc Ninh.

Tại cuộc họp, các thành viên hội đồng cho rằng cơ bản đề án rất tốt nội dung phong phú, cấu trúc rõ ràng, bố cục hợp lý, lựa chọn 3 vấn đề cần được bảo vệ phù hợp với đô thị Bắc Ninh. Tuy nhiên để tiếp tục hoàn thiện thì cần xem xét, rà soát, bổ sung, đánh giá lại một số nội dung, phương pháp thực hiện đề án, đưa ra luận chứng rõ ràng để chứng minh mức độ tin cậy; thu thập thêm số liệu từ các dự án trước đây để so sánh đánh giá sự thay đổi.

Kết luận tại cuộc họp, Phó Tổng giám đốc Triệu Đức Huy cảm ơn thành viên hội đồng và đề nghị trên cơ sở các ý kiến góp ý tại cuộc họp, Trung tâm Chất lượng và Bảo vệ tài nguyên nước cùng tập thể tác giả tiếp thu triệt để, cùng phối hợp với ban chuyên môn bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm.

                                             Toàn cảnh cuộc họp trực tuyến.