Trả lời:
Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” – Đô thị Cà Mau do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia chủ trì thực hiện nhằm đánh giá nguồn nước dưới đất ở vùng dô thị, đề xuất các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ, phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất cho đô thị Cà Mau.
Đối tượng nghiên cứu của đề tài cụ thể là:
+ Tầng chứa nước Pleistocen giữa-trên (qp2-3): có diện phân bố nước nhạt lớn, chiếm 46% diện tích thành phố Cà Mau; lưu lượng khai thác của tầng hiện nay khoảng 16.758m3/ngày; tốc độ hạ thấp mực nước (giai đoạn 2004-2015) là 0,46m/năm.
+ Tầng chứa nước Pliocen giữa (n22): nước nhạt phân bố trên toàn vùng thành phố Cà Mau; lưu lượng khai thác của tầng hiện nay khoảng 67.962m3/ngày; tốc độ hạ thấp mực nước (giai đoạn 2004-2015) là 0,79m/năm.
+ Tầng chứa nước Pliocen dưới (n21): có diện phân bố nước nhạt lớn, chiếm 97% diện tích thành phố Cà Mau; lưu lượng khai thác của tầng hiện nay khoảng 2.830m3/ngày; tốc độ hạ thấp mực nước (giai đoạn 2004-2011) là 1,0m/năm.
Riêng đối với tầng chứa nước qp1 do có diện phân bố nước nhạt nhỏ (chiếm 25% diện tích thành phố Cà Mau), thành phần cát hạt mịn, chiều dày biến đổi lớn nên hầu như không có công trình khai thác trong tầng này. Do đó, đề án không đưa tầng chứa nước qp1 vào đối tượng cần bảo vệ.
Phạm vi nghiên cứu:
Như đã trình bày ở trên, đối tượng được lựa chọn để bảo vệ là các tầng chứa nước qp2-3, n22, n21. Đây là các tầng chứa nước đang được khai thác chủ yếu và có tốc độ hạ thấp lớn (>0,3m/năm), trong đó tầng khai thác chính n22 có ranh mặn ở phía nam vùng nghiên cứu (vị trí gần nhất cách thành phố Cà Mau khoảng 2km). Ranh mặn tầng chứa nước n21 ở phía bắc và phía nam cách thành phố Cà Mau khoảng 3-5km. Vùng xung quanh thành phố Cà Mau không có nhà máy khai thác nước tập trung, công suất lớn. Do đó, theo tiêu chí trên đề án mở rộng phạm vi nghiên cứu về phía nam đến ranh mặn tầng chứa nước n22 và n21, mở rộng về phía bắc đến ranh mặn tầng chứa nước n21.
Bản đồ phạm vi nghiên cứu đô thị Cà Mau.
Như vậy, phạm vi đề án thực hiện trên diện tích 407,0 km2, bao gồm toàn bộ diện tích thành phố Cà Mau (249,23km2) và phần diện tích 157,77 km2 là khu vực tiếp giáp với thành phố Cà Mau, khu tiếp giáp này thuộc các xã Tân Trung, Tạ An Khương của huyện Đầm Dơi; các xã Lương Thế Trân, Thạnh Phú, Phú Hưng, Tân Hưng của huyện Cái Nước và các xã Tân Lộc, Tân Lộc Đông của huyện Thới Bình.