1) Khai thác quá mức nguồn nước: Tốc độ đô thị hóa cao luôn đi kèm với nhu cầu ngày càng gia tăng về nước và các dịch vụ vệ sinh. Để đáp ứng các nhu cầu này, đô thị ngày càng “vươn” tới những nguồn nước “sâu” hơn và “xa” hơn, gây ra tình trạng khai thác quá mức – thậm chí cạn kiệt – các nguồn nước tại chỗ cũng như các vùng liền kề. 2) Ô nhiễm nguồn nước và hệ sinh thái thủy sinh: Cùng với sự gia tăng nhu cầu nước và vệ sinh, các đô thị cũng sản sinh những lượng lớn nước thải, chất thải mỗi ngày. Ở nhiều đô thị việc thiếu các hệ thống xử lý chất thải, nước thải và thoát nước đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng các nguồn nước và hệ sinh thái thủy sinh liên quan.
3) Nghèo đói và sinh kế: Những người dân nghèo ở thành thị chính là những đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất của quá trình đô thị hóa. Họ thường không được sử dụng nước từ các hệ thống cấp nước tập trung mà lệ thuộc vào các nguồn cung cấp nước khác, thông thường với giá đắt đỏ hơn gấp nhiều lần.
4) Sức khỏe và bệnh tật: Thiếu nước sạch, điều kiện vệ sinh kém, ô nhiễm nguồn nước, môi trường và hệ sinh thái thủy sinh dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng về sức khỏe, đặc biệt là đối với cộng đồng nghèo ở đô thị. Những căn bệnh như tả, tiêu chảy, và sốt rét đã trở thành một phần của mô hình dịch bệnh của đô thị.
5) Lũ lụt và hạn hán: Lũ lụt chiếm một nửa số vụ thiên tai trên toàn thế giới và 84% các thảm họa tử vong. Lũ lụt có thể gây ô nhiễm nguồn nước cấp và khi xảy ra tại các đô thị có dịch vụ nước và vệ sinh kém sẽ dẫn đến tình trạng bệnh tật gia tăng. Hạn hán là mối đe dọa lớn thứ hai trên thế giới. Hạn hán có tác động lâu dài, ảnh hưởng tới an ninh lương thực và an ninh nước.
6) Khan hiếm nước: Khan hiếm nước là hiện tượng xảy ra có thể do yếu tố tự nhiên hoặc con người. Hiện tượng này có thể trầm trọng hơn ở các khu vực hạ nguồn do hậu quả của việc khai thác nước ở thượng nguồn (đặc biệt với các sông và tầng chứa nước xuyên biên giới).
7) Biến đổi khí hậu: Biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ tiếp tục có những ảnh hưởng lớn đến tài nguyên nước và công tác quản lý tài nguyên nước ở nhiều khu vực. Biến đổi khí hậu có thể tác động nghiêm trọng đến các khu vực đô thị, như gia tăng nguy cơ lũ lụt, suy thoái nguồn cấp nước và nhập cư vào đô thị từ các vùng ven biển.
8) Rò rỉ và thất thoát nước: Ở các nước đang pháp triển, hệ thống hạ tầng cũ kỹ, lạc hậu và hệ thống quản lý thiếu hiệu quả dẫn đến tỷ lệ rò rỉ và thất thoát nước khá lớn. Tỷ lệ tới 50% không phải là hiếm ở các hệ thống cấp nước đô thị.
9) Mối giao thoa giữa đô thị và nông thôn: Trong quá trình đô thị hóa, tại không gian chuyển tiếp giữa đô thị và nông thôn, xảy ra tình trạng cạnh tranh và mâu thuẫn về tài nguyên (đặc biệt là các nguồn nước) giữa các chủ thể (nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, sinh hoạt…). Thêm vào đó, không gian chuyển tiếp này cũng có thể phải trở thành “sân sau” để tiếp nhận chất thải đô thị, gây ra nhiều tác động tiêu cực tới hệ sinh thái và sức khỏe con người.
(Theo DWRM)