Các nhà khoa học cho biết, trận động đất tấn công Christchurch – thành phố lớn thứ hai của New Zealand dường như đã mang tới “cú hích cuối cùng”, làm sụp đổ một phần sông băng khổng lồ ở nước này.
Tạp chí National Geographic đưa tin, cơn địa chấn mạnh, 6,3 độ Richter đã làm vỡ tách một phiến băng có kích thước gấp 20 lần một sân bóng đá, theo chiều thẳng đứng khỏi sông băng dài nhất của New Zealand. Phiến băng khổng lồ nằm ở mặt trước sông băng Tasman đã đổ sụp xuống hồ Tasman sau khi trận động đất có tâm chấn cách đó 200km xảy ra chiều 22/2.
Các du khách chứng kiến một phiến băng khổng lồ nứt tách khỏi sông băng Tasman
và đổ sụp xuống hồ ngày 22/2. (Ảnh: NZPA)
Theo các nhà khoa học, khi đổ sụp, phiến băng khổng lồ đã tạo thành những đợt sóng cao tới 3,5 mét trong hồ Tasman. “Chúng tôi đã nghe thấy một tiếng nứt vỡ lớn như bắn đạn súng trường“, một du khách Mỹ có tham gia chuyến tham quan sông băng vào thời điểm đó kể trên tờ New Zealand Herald. Martin Truffer, một chuyên gia về sông băng thuộc Viện Địa vật lý, Đại học Alaska (Mỹ), nhận định, sự kiện như trên rất hiếm gặp nhưng không phải là chưa có tiền lệ. Các mảng băng thuộc sông băng Hubbard ở Alaska cũng từng bị nứt vỡ vào năm 1958, tiếp sau một trận động đất lớn ở vùng đông nam bang này. Tuy nhiên, các sự kiện như vậy không hoàn toàn xảy ra một cách ngẫu nhiên. “Phải có một trận động đất ở khu vực có sông băng sẵn sàng nứt tách một tảng băng lớn …”, ông Truffer nhấn mạnh. Ngoài ra, các sông băng như Tasman, vốn tọa lạc trên hồ, có xu hướng ít bị nứt vỡ ở các đầu hơn so với những sông băng trên đại dương. Điều này khiến các sông băng trên hồ như vậy nhiều khả năng bị mất các phiến băng lớn hơn là các tảng băng nhỏ. “Một khối lớn có lẽ đã sẵn sàng nứt vỡ, và trận động đất chỉ mang tới cho nó cú hích cuối cùng“, ông Truffer nói thêm. Theo tờ New Zealand Herald, ngay cả trước trận động đất tại Christchurch, các hướng dẫn viên du lịch cũng đã nhận được cảnh báo không dẫn khách tiếp cận quá gần sông băng do mưa lớn trong vài tuần vừa qua. Ông Truffer lý giải, mưa có thể đã làm tăng mực nước hồ, khiến các phiến băng lớn dễ dàng nứt tách sông băng hơn. Hơn thế nữa, có thể một đầu của sông băng trôi nổi, không neo đậu vào lòng hồ.
|
Theo Vietnamnet |