Theo Hãng Truyền thông Quốc gia Úc ABC, từ đầu thế kỷ 21, Úc đã tiết kiệm được 20 – 30% lượng nước sinh hoạt. Ở Brisbane, cư dân giảm được hơn 40% lượng nước dùng trong vòng sáu năm qua.
Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng gần như tất cả các thành phố của Úc sẽ bị thiếu nước trong tương lai do thay đổi khí hậu, hạn hán và ô nhiễm làm hạn chế nguồn tài nguyên nước.
Tại Diễn đàn Tương lai Sydney hồi năm 2004, Tiến sĩ khoa học và nhà hoạt động môi trường nổi tiếng Tim Flannery từng cảnh báo: “Thành phố lớn nhất và đông dân nhất nước Úc là Sydney sẽ phải đối phó với nạn thiếu nước ngọt trầm trọng, dự báo là thiếu đến 60% nhu cầu cần thiết”.
Khi đó, Tiến sỹ Flannery cũng đưa ra trường hợp của thành phố Perth miền Tây Úc và nói Perth “có thể sẽ là ‘thành phố chết’ đầu tiên trên thế giới trong thế kỷ thứ 21”.
Kể từ năm 1976 sự thay đổi thời tiết bắt đầu diễn ra khiến Perth giảm dần lượng nước mưa. Còn nhìn rộng ra cả vùng Tây Nam của Tiểu bang Tây Úc thì mất 20% lượng nước mưa hàng năm.
Giá nước ở nhiều thành phố Úc sẽ tăng cao nhằm bù đắp cho chi phí đầu tư hệ thống cấp nước và tìm kiếm nguồn nước.
Kế hoạch của Chính phủ
Nhận thức nước là một trong những tài nguyên cơ bản rất quan trọng cho nhu cầu an sinh và phong cách sống của người dân, Úc có hẳn một chính sách riêng cho việc dùng nước sinh hoạt.
Việc phân phối và sử dụng nước được lập kế hoạch cẩn thận để đảm bảo sự tồn tại của các con sông và nước ngầm dành cho các thế hệ mai sau. Đồng thời chính quyền Úc đảm bảo việc sử dụng nước được phân phối một cách công bằng, hợp lý và hiệu quả nhất trên toàn lãnh thổ.
Tùy vào thời điểm khan hiếm nước mà Úc có những mức độ hạn chế, tiết kiệm nước để yêu cầu dân chúng thực thi.
Cụ thể ở Úc có 8 mức độ quy định sử dụng nước được áp dụng. Ví dụ ở mức độ hạn chế 5, mỗi người chỉ được sử dụng 140 lít nước/ngày. Vùng Kingaroy ở Queensland là nơi thường xuyên áp dụng chế độ tiết kiệm nước ở mức rất cao trong phạm vi từ mức độ 5 đến mức độ 7.
Trong mức độ tiết kiệm nước còn có các quy định như chia số nhà chẵn, lẻ và chia thời gian cố định trong ngày để tưới cây, bơm nước; quy định không dùng nước máy để rửa xe; gia đình nào dùng hơn 800 lít nước/ngày phải nộp giấy thẩm định nước dùng vào các sinh hoạt gì để cơ quan cấp nước kiểm tra và tìm cách giúp hộ đó tiết kiệm nước…
Chính quyền luôn khuyến khích người dân dùng ít hơn mức qui định, sử dụng vòi tắm có những lỗ nhỏ; tắm khoảng 4 phút/lần; dùng nước mưa hoặc nước đã qua sử dụng để tưới cây…
Chính phủ thực hiện chính sách tuyên truyền để người dân hiểu và có ý thức tiết kiệm nước. Đi tới những nơi công cộng, hay ở bất kỳ đâu bạn cũng có thể nhìn thấy những dòng cổ động như ‘Nước là tương lai của chúng ta’ (Our water, Our future), hoặc ‘Chỉ nên sử dụng một nửa lượng nước nếu có thể được’ (Use half flush if able let it go).
Chính phủ Úc còn phối hợp với các công ty cấp nước hỗ trợ người dân tiết kiệm nước bằng các hình thức khác nhau như: cho người dân đổi những vòi hoa sen loại phun nhiều nước bằng loại vùi phun nước trung bình; hỗ trợ kinh phí mua loại bồn cầu vệ sinh loại có nút xả nước tiết kiệm…
Chị Mai một người dân vùng St Albans, bang Victoria nói “Nhà tôi có tới 5 cái vòi hoa sen đã cũ mèm, thế mà mang đổi được 5 cái mới tinh, trị giá tới vài trăm đồng. Dùng vòi mới vừa thích vừa giúp tiết kiệm nước”.
Ủy ban quản trị nước ở các bang của Úc tạo điều kiện dễ dàng cho người dân trong việc nhận bồi hoàn chi phí phần lớn mà họ bỏ ra cho việc mua sắm trang thiết bị tiết kiệm nước, bồn trữ nước mua, hệ thống dùng nước tái sinh trong nhà.
Ý thức người dân
Ý thức người dân là yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của bất kỳ việc gì và ý thức trong việc tiết kiệm nước ở Úc cũng không ngoại lệ.
Ở Úc, mọi người đều biết tới hệ thống lọc nước biển để sử dụng thành nước ăn và sinh hoạt hàng ngày. Thế nhưng, hệ thống có hiện đại tới đâu thì nước mặn đã lọc vẫn có những vị khác nước ngọt rất dễ dàng nhận ra. Có lẽ vì thế mà người Úc, dù giàu hay nghèo đều có ý thức tiết kiệm nước rất cao. Ngay cả khi họ là triệu phú và có thừa khả năng để thanh toán tiền nước.
Ông Smith, Chủ hãng kinh doanh địa ốc Biggin Scott ở Melbourne, nói: “Tôi rất thích bơi tại nhà nhưng gần đây do thiếu nước nên tôi đành phải tới khu bơi lội High Point. Mặc dù tôi thấy không tiện lợi lắm nhưng tôi vẫn thực hiện vì tôi hiểu trách nhiệm phải góp phần để dành nước cho các thế hệ mai sau”.
Ý thức của người Úc bản địa là vậy. Và việc tiết kiệm nước của người dân Úc là điều khiến những người nước ngoài lần đầu tới Úc thường… bất ngờ.
Trí – một du học sinh Việt Nam lần đầu tới Úc kể: “Vừa chân ướt chân ráo từ Việt Nam qua, cậu bị bà chủ nhà căn dặn không được tắm quá một lần/ngày, không quá 5 phút/lần”. Trong khi đó thời tiết mùa hè ở Melbourne nhiệt độ thường xấp xỉ 30 độ và có khi lên tới 40 độ.
Ban đầu Trí nghĩ bà chủ nhà khắt khe. Nhưng sau một tháng ở Úc thì cậu hiểu là người Úc thường chỉ dành 4 hoặc 5 phút để tắm và họ có hẳn một “đồng hồ cát” được phát bởi công ty nước để đo thời gian tắm.
Sau này Trí còn học thêm được nhiều điều như nên xả bồn cầu bằng nút tiết kiệm, gắn miếng nút chặn lavabo khi rửa tay hoặc rửa rau…
Nhiều du học sinh Việt Nam mới tới Úc vẫn giữ thói quen xài nước ‘xả ga’ như vặn vòi nước mạnh hết cỡ khi rửa tay. Về sau này thì họ hiểu dần các nguyên tắc sử dụng nước tiết kiệm của người Úc và tâm đắc: “Qua Úc mới biết người Úc quý nước sạch như thế nào”.
(Theo BV)