Trữ lượng động tự nhiên là lưu lượng dòng ngầm được đảm bảo bằng sự cung cấp, được tính cho vùng nước nhạt bằng 2 phương pháp: tính theo lượng ngấm của nước mưa và phương pháp cân bằng có kết quả như sau.
Phương pháp tính theo lượng ngấm của nước mưa.
Trong điều kiện không có tài liệu quan trắc ở các lỗ khoan, lượng ngấm từ nước mưa tính gần đúng theo công thức sau
Trong đó:
Qkt: Trữ lượng khai thác tiềm năng, m3/ngày
Qđ : Trữ lượng động tự nhiên, m3/ngày
Wn : Lượng mưa trung bình năm, m
F: Diện tích nước nhạt của tầng chứa nước, m2
a : Hệ số ngấm của nước mưa.
Hệ số ngấm của nước mưa xác định theo kinh nghiệm đối với tầng chứa nước q là 0,15 và đối với tầng chứa nước o-s là 0,08. Trữ lượng động tự nhiên nước dưới đối với tầng q xác định được là 3.216 m3/ng, tầng o-s là 3.429 m3/ng, cả 2 tầng là 6.645 m3/ngày, đó cũng là trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất.
Phương pháp cân bằng
Khi kỹ thuật phát triển, có thể tích trữ toàn bộ lượng mưa rơi trên lãnh thổ vào lòng đất để sử dụng. Khi đó, đại lượng cung cấp cho nước dưới đất được tính bằng lượng mưa trừ lượng bốc hơi. Để phù hợp với các mục đích sử dụng nước cho ăn uống sinh hoạt, lượng mưa năm cần tính với tần suất 95%. Theo kết quả tính toán trên đây, lượng mưa năm có tần suất 95% là 1.110 mm. Lượng bốc hơi trung bình ở vùng Cô Tô là 925 mm/năm. Lượng mưa thấm cung cấp cho nước dưới đất tính được là 175 mm /năm, trữ lượng khai thác tiềm năng trên diện tích 13,5 km2 của 2 tầng chứa nước q và o-s trên đảo Cô Tô xác định là 6.472 m3/ng .
Hai phương pháp trên cho kết quả gần nhau, tuy nhiên để thiên về phía an toàn sử dụng kết quả thấp hơn. Theo đó, 6.472 m3/ng được chọn là trữ lượng động tự nhiên, đồng thời là trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất. Mô đun trữ lượng tiềm năng tính được là 479 m3/ng.km2, thuộc loại có khả năng khai thác trung bình.
Trữ lượng có thể khai thác nước dưới đất là lưu lượng ổn định có thể khai thác ở một tầng chứa nước xác định bằng cách tính toán nhờ các công trình khai thác được bố trí hợp lý về mặt kinh tế-kỹ thuật trong một thời gian nhất định mà không làm thay đổi chất lượng, không làm cạn kiệt tầng chứa nước và tác động không đáng kể đến môi trường. Theo kinh nghiệm thực tế ở nước ta, trữ lượng có thể khai thác thường bằng khoảng từ 20 đến 60% trữ lượng khai thác tiềm năng. Đối với vùng đảo Cô Tô lấy bằng 30%. Như vậy trữ lượng có thể khai thác là 1.941 m3/ng
Trữ lượng khai thác nước dưới đất là lượng nước có thể lấy lên được từ các công trình được bố hợp lý về kinh tế – kỹ thuật có lưu lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu trong suốt thời kì khai thác, không gây tranh chấp nguồn nước, không tác động xấu tới môi trường. Trữ lượng khai thác được xác định từ kết quả điều tra, đánh giá và thăm dò nước dưới đất bằng các công trình cụ thể. Đảo chỉ có 2 công trình điều tra, đánh giá nước dưới đất năm 1999 và 2013 cho phép xếp trữ lượng vào cấp C1 theo lưu lượng thực bơm ổn định vào mùa khô, có chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn cho phép ở 12 lỗ khoan là 1.144 m3/ng.
Định hướng khai thác sử dụng tài nguyên nước
Giải pháp khai thác sử dụng. Vùng đảo Cô Tô, diện tích nhỏ hẹp, các nguồn nước trên mặt rất khan hiếm: không có hồ tự nhiên, các dòng chảy trên mặt chỉ tồn tại tạm thời. Những năm vừa qua đã xây dựng kiên cố các hồ chứa nhân tạo có dung tích từ 2.400 đến 40.000 m3 nhằm tích trữ nước mưa để cung cấp cho các nhu cầu ăn uống sinh hoạt và phục vụ nông nghiệp. Tuy nhiên thực tế khai thác cho thấy nhiều hồ bị cạn về mùa khô, đã làm giảm công suất khai thác, cho thấy giải pháp cung cấp nước tập trung bằng nguồn nước trên mặt không bền.
Kết quả điều tra, đánh giá nước dưới đất cho thấy việc lựa chọn các nguồn nước dưới đất có tính bền vững hơn: Tầng chứa nước o-s có thể xây dựng các công trình cấp nước mini có công suất từ 50 đến 200 m3/ng phục vụ cho các tụ điểm dân cư. Khu vực thị trấn có nhu cầu lớn nhất, với 3 lỗ khoan CT7, CT8 và CT9 hiện có ở đây có thể xây dựng công trình cấp nước tập trung với công suất 435 m3/ng có thể đáp ứng được nhu cầu nước hiện tại.
Giải pháp bảo vệ các nguồn nước. Huyện đảo Cô Tô đang trên đà phát triển. Dân cư tập trung ngày một đông đúc, kinh tế các ngành và du lịch sẽ phát triển mạnh mẽ. Vấn đề bảo vệ môi trường nói chung phải được quan tâm thích đáng. Nếu môi trường được bảo vệ tốt thì nước dưới đất cũng được bảo vệ tốt. Các giải pháp bảo vệ môi trường cũng đồng thời là các giải pháp bảo vệ nước dưới đất. Mặt khác cần điều tra phân vùng lãnh thổ theo mức độ tự bảo vệ nước dưới đất, trên cơ sở đó quy hoạch việc phân bố nghĩa trang, các bải thải, điểm xả thải…Bảo vệ nguồn nước dưới đất còn được định hướng theo các giải pháp phòng, chống nhiễm mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Giải pháp phát triển tài nguyên nước. Để nâng cao trữ lượng khai thác nước dưới đất, một mặt tiếp tục xây dựng các trạm cấp nước mini ở các vị trí có triển vọng đã phát hiện, mặt khác tiếp tục điều tra đánh giá để phát hiện thêm các điểm có triển vọng và điều tra đánh giá với mục tiêu xây dựng trạm cấp nước có công suất lớn hơn đến khoảng trên dưới 500 m3/ng trên cơ sở khai thác nhóm 3 – 4 giếng khoan. Để phục vụ các nhu cầu lớn hơn nữa cần điều tra đánh giá bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất bằng cách thu gom nước mưa lưu trữ vào lòng đất để nước có chất lượng tốt và khai thác với công xuất lớn hơn. Thực hiện điều này bằng cách xây dựng các tường chắn ven biển, tường chắn dạng bậc thang trên các sườn và thung lũng để tích trữ nước mưa vừa lấy nguồn bổ sung cho nước dưới đất vừa để phục vụ các mục đích khác.
Thu gom nước mưa vào mùa mưa, tích trữ vào lòng đất để sử dụng là biện pháp hữu hiệu, có tính khả thi cao được áp dụng ở nhiều quốc gia khan hiếm nước có trình độ khoa học-công nghệ tiên tiến trên thế giới. Bổ sung nhân tạo -lưu trữ nước mưa với lòng đất cần được thực hiện với phương trâm: “ không để cho nước mưa, dù chỉ một giọt chảy ra biển”.
Lời kết
Quần đảo Cô Tô
Đảo Cô Tô tuy rất khan hiếm nguồn nước, song với kết quả điều tra đánh giá này sẽ mở ra phương hướng thích hợp có thể đáp ứng không những nhu cầu hiện tại mà cả trong tương lai.
Người viết bài này hy vọng, Cô Tô rồi đây sẽ hết khát, tạo đà cho kinh tế phát triển với mũi nhọn là ngành du lịch. Hy vọng các bãi biển sẽ luôn luôn tấp nập đông vui, thung lũng Tình Yêu thơ mộng sẽ là vườn ươm tuyệt vời, luôn luôn đầy ắp các cặp đôi, để các mầm non nảy lộc đâm chồi trên khắp mọi miền đất nước ta.
(PGS.TS. Nguyễn Văn Đản)