Bộ tiêu chí đánh giá, khoanh định các khu vực có thể lưu trữ nước ngọt trong từng tầng chứa nước tại Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất rộng lớn, màu mỡ và có vai trò quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, việc quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên nước ngọt tại khu vực này đang trở thành một thách thức lớn do tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng và hoạt động khai thác tài nguyên không bền vững. Để giải quyết vấn đề này, Trung Tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã thực hiện đề tài:" Nghiên cứu xây dựng công nghệ lưu giữ nước ngọt trong các tầng chứa nước ngầm vùng đồng bằng sông Cửu Long. Áp dụng thử nghiệm tại bán đảo Cà Mau".

Với mục tiêu xác lập được các tiêu chí đánh giá và khoanh định các khu vực lưu giữ nước ngọt trong các tầng chứa nước ngầm vùng đồng bằng sông Cửu Long; Khoanh định được các khu vực có thể lưu giữ nước ngọt trong các tầng chứa nước ngầm phục vụ khai thác, sử dụng bền vững ở vùng đồng bằng sông Cửu Long; Thí điểm xây dựng một mô hình công nghệ lưu giữ nước ngọt trong tầng chứa nước ngầm tại bán đảo Cà Mau. Đề tài đã xác lập được 10 tiêu chí đánh giá khoanh định các khu vực có thể lưu giữ nước ngọt trong 7 tầng chứa nước ngầm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bao gồm:

  1. Chiều sâu mực nước dưới đất
  2. Hệ số thấm của tầng chứa nước
  3. Chiều dày của tầng chứa nước
  4. Chất lượng nước dưới đất
  5. Lượng mưa
  6. Khoảng cách đến nguồn nước mặt
  7. Sử dụng đất
  8. Chiều dày lớp phủ
  9. Khoảng cách đến khu vực cấp nước
  10. Khoảng cách đến khu vực nguy cơ ô nhiễm

Bằng tổ hợp các phương pháp nghiên cứu, kế thừa và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại như phương pháp phân tích thứ bậc và phương pháp GIS, đề tài đã xác định được vị trí, phạm vi, diện tích các khu vực có thể lưu giữ nước ngọt trong 7 tầng chứa nước ở vùng ĐBSCL bằng các giải pháp công nghệ khác nhau. Cụ thể, phạm vi diện tích các khu vực có thể lưu giữ nước ngọt như sau:

  • Tầng chứa nước qh: khoảng 3.920 km²
  • Tầng chứa nước qp3: khoảng 3.422 km²
  • Tầng chứa nước qp2-3: khoảng 3.922 km²
  • Tầng chứa nước qp1: khoảng 2.171 km²
  • Tầng chứa nước n22: khoảng 2.107 km²
  • Tầng chứa nước n21: khoảng 3.497 km²
  • Tầng chứa nước n13: khoảng 8.810 km²

Kết quả triển khai thực tế công trình lưu giữ nước ngọt trong 3 tầng chứa nước (tầng chứa nước mặn: qp2-3 và tầng chứa nước nhạt: qp3, n21) tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang cho thấy khả năng lưu giữ nước ngọt trong các tầng chứa nước rất tốt, mỗi giếng khoan có thể hấp thụ nước (chảy trọng lực) với lưu lượng từ 500 đến 1.000 m³/ngày đêm. Kết quả nghiên cứu này có thể khẳng định vùng Đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn có thể thực hiện lưu giữ nước ngọt trong các tầng chứa nước ngầm, là một giải pháp thích hợp để giải quyết vấn đề thiếu nước sinh hoạt giai đoạn trước mắt và lâu dài, góp phần giảm thiểu tình trạng suy giảm mực nước và nguy cơ xâm nhập mặn ở ĐBSCL.

Trên cơ sở nghiên cứu tổng quan các giải pháp công nghệ lưu giữ nước ngọt trong các tầng chứa nước trên thế giới, trong nước và các cơ sở điều kiện thực tiễn về nguồn nước, đặc điểm, cấu trúc các tầng chứa nước ở vùng nghiên cứu, đề tài đã xác lập được các giải pháp công nghệ lưu giữ nước phù hợp với điều kiện của từng tầng chứa nước. Theo đó, giải pháp công nghệ sử dụng hào, rãnh thu nước và sử dụng bể thấm hay bồn thấm có thể áp dụng đối với tầng chứa nước qh; giải pháp công nghệ sử dụng giếng khoan hấp thụ nước có thể áp dụng đối với các tầng chứa nước phân bố sâu như qp3, qp2-3, qp1, n22, n21, n13.

Đề tài đã nghiên cứu và xác lập được bộ tiêu chí đánh giá, khoanh định các khu vực có thể lưu giữ nước ngọt trong từng tầng chứa nước ngầm vùng ĐBSCL gồm 10 tiêu chí thuộc 4 nhóm tiêu chí:

  1. Nhóm tiêu chí tầng chứa nước (gồm các tiêu chí: Chiều sâu mực nước dưới đất; Hệ số thấm của tầng chứa nước; Chiều dày của tầng chứa nước; Chất lượng nước dưới đất)
  2. Nhóm tiêu chí nguồn nước (gồm các tiêu chí: Lượng mưa; Khoảng cách đến nguồn nước mặt)
  3. Nhóm tiêu chí bề mặt (gồm các tiêu chí: Sử dụng đất; Chiều dày lớp phủ)
  4. Nhóm tiêu chí quản lý (gồm các tiêu chí: Khoảng cách đến khu vực cấp nước; Khoảng cách đến khu vực nguy cơ ô nhiễm)

Trên cơ sở các tiêu chí đánh giá đã xác lập, căn cứ vào tài liệu, số liệu thực tế ở vùng ĐBSCL, đề tài đã áp dụng phương pháp phân tích thứ bậc (Analytical Hierarchy Process) với việc ứng dụng công nghệ GIS (Geographic Information System) để thành lập bản đồ tiềm năng lưu giữ nước ngọt trong các tầng chứa nước. Kết quả nghiên cứu, thành lập bản đồ đã xác định được vị trí, phạm vi, diện tích các khu vực có thể lưu giữ nước ngọt trong 7 tầng chứa nước ở vùng ĐBSCL bằng các giải pháp công nghệ khác nhau.

Kết quả nổi bật nêu trên đã được thể hiện vào trong báo cáo “Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 174/QĐ-TTg ngày 06/3/2023 và đã được công bố, bàn giao cho các ngành, địa phương liên quan để phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước.

Kết quả triển khai thực tế công trình lưu giữ nước ngọt trong 3 tầng chứa nước (tầng chứa nước mặn: qp2-3 và tầng chứa nước nhạt: qp3, n21) tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang cho thấy khả năng lưu giữ nước ngọt trong các tầng chứa nước rất tốt, mỗi giếng khoan có thể hấp thụ nước (chảy trọng lực) với lưu lượng từ 500 đến 1.000 m³/ngày đêm. Kết quả nghiên cứu này có thể khẳng định vùng Đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn có thể thực hiện lưu giữ nước ngọt trong các tầng chứa nước ngầm. Đây là một giải pháp thích hợp để giải quyết vấn đề thiếu nước sinh hoạt giai đoạn trước mắt và lâu dài, góp phần giảm thiểu tình trạng suy giảm mực nước và nguy cơ xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL. Những kết quả nghiên cứu khoa học và triển khai thực tiễn của đề tài, cùng với kết quả điều tra cơ bản tài nguyên nước trong hơn 40 năm qua ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy khả năng lưu giữ nước ngọt trong các tầng chứa nước ngầm (bao gồm cả tầng chứa nước mặn) ở Đồng bằng sông Cửu Long với trữ lượng lớn là hoàn toàn khả thi và hiệu quả.