“Đánh thức” những dòng sông xứ Quảng
05/12/2024
Với một tầm nhìn mới phát triển bền vững, tỉnh Quảng Nam đang có định hướng “hồi sinh” những dòng sông một cách hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, tạo an cư lạc nghiệp cho người dân và bảo vệ đa dạng sinh học.
Động lực để phát triển
Tỉnh Quảng Nam có 3 sông lớn là sông Vu Gia, sông Thu Bồn và sông Tam Kỳ. Ngoài ra, phần hạ lưu sông Thu Bồn và sông Tam Kỳ được nối với nhau bởi sông Trường Giang. Sông Trường Giang có chiều dài khoảng 60km, chạy dọc bờ biển nối liền 2 hệ thống sông Thu Bồn và Tam Kỳ. Đầu phía Bắc sông Trường Giang hợp lưu với sông Thu Bồn đổ ra biển tại cửa Đại (Hội An), đầu phía Nam nhập lưu với sông Tam Kỳ đổ ra biển qua cửa Lở và cửa An Hòa (Núi Thành).
Từ xưa đến nay, các dòng sông ở xứ Quảng chính là nơi giao lưu, tiếp biến văn hóa, là tuyến đường thủy quan trọng kết nối giữa các vùng, miền trong và ngoài tỉnh. Hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn, sông Trường Giang cùng các chi lưu của nó đã tạo nên những cánh đồng phù sa màu mỡ, đem lại những vựa lúa, biền dâu tươi tốt, xóm làng theo đó cũng ngày thêm đông đúc, trù phú.
Các dòng sông ở Quảng Nam có vai trò quan trọng, là động lực phát triển kinh tế của địa phương
Chạy suốt chiều dài các dòng sông là những làng nghề nổi tiếng không chỉ góp phần vào sự thịnh vượng về kinh tế mà còn đắp bồi nên những giá trị văn hóa đặc sắc của xứ Quảng, và cho đến hôm nay nó vẫn là tài nguyên quý giá cho ngành du lịch dịch vụ phát triển bền vững.
Hiện nay, trên lưu vực hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn có nhiều thủy điện bậc thang, với năng lực phát điện gần 1.200 kw mỗi năm, đồng thời góp phần điều tiết nước cho vùng hạ du, là nguồn cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất chủ yếu cho hàng vạn người dân khu vực Quảng Nam, Đà Nẵng.
Xác định lợi thế địa kinh tế – văn hóa – chính trị để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, Quảng Nam đã quy hoạch các dòng sông theo mô hình cấu trúc không gian “2 vùng – 2 cụm động lực – 3 hành lang phát triển” được định hướng trong Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trên tinh thần nội dung quy định của Luật, Bộ TN&MT có trách nhiệm thực hiện việc lập Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đối với Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia đã hoàn thành, hiện nay tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đang phối hợp với Bộ TN&MT thực hiện Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Phát triển hài hòa giữa kinh tế, môi trường
Theo ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, các dòng sông lớn trên địa bàn tỉnh như Vu Gia, Thu Bồn, Trường Giang, Cổ Cò, Tam Kỳ… có liên hệ hữu cơ, mật thiết về đa dạng sinh học với nhau. Tuy nhiên, thời gian qua, việc quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị đa dạng sinh học tại các con sông này chưa được chú trọng, đồng thời chưa có cơ chế, chính sách phù hợp trong công tác bảo vệ đa dạng sinh học.
Địa phương sẽ tiến hành đánh giá tất cả các mặt về kinh tế, tài nguyên, văn hóa, môi trường, tự nhiên, sẽ định hướng phát triển theo hướng hài hòa lợi ích trước mắt và bảo tồn lâu dài. Trong đó sẽ lưu ý vấn đề xác lập từng khu vực nào cần phải bảo tồn nghiêm ngặt, khu vực nào được khai thác, sử dụng và khai thác đến mức nào, chủ thể tham gia khai thác…
Với một tầm nhìn mới phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, theo định hướng chung của tỉnh Quảng Nam, trong thời gian đến, địa phương xem xét rà soát, tổ chức lại các hoạt động kinh tế – xã hội ở lưu vực các con sông này, nhằm có giải pháp để bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, sinh thái, đa dạng động thực vật ở các vùng cửa sông, cửa biển.
Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hoạt động khai thác, đánh bắt, hủy hoại môi trường… có nguy cơ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học tại các con sông này.
Sau sông Cổ Cò, tỉnh Quảng Nam tiếp tục triển khai khơi thông dòng Trường Giang. Đây từng là tuyến đường thủy quan trọng chạy dọc ven biển của tỉnh Quảng Nam, nhưng trải qua bao biến thiên, dòng sông này đã bị bồi lấp, gây ngập úng cho một số vùng đô thị. Theo Dự án Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam sẽ thực hiện nạo vét sông Trường Giang với tổng chiều dài tuyến luồng khoảng 60 km, từ ngã ba An Lạc (Cửa Đại) đến Cửa Lở (vịnh An Hòa).
Ngoài ra, Dự án sẽ xây dựng mới 6 cầu vượt sông Trường Giang, gồm cầu Bình Dương, Hưng Mỹ, Bình Nam, Tỉnh Thủy, Tam Thanh (Quốc lộ 40B) và cầu Tam Tiến. Đồng thời, xây dựng kè bảo vệ tại các điểm xung yếu thường xảy ra xói lở; xây dựng tổ hợp công trình kênh, cống, đập hỗ trợ thoát lũ khu vực Tam Kỳ…
Định hướng sông Trường Giang sẽ được quy hoạch tổng thể một cách khoa học, đảm bảo hạ tầng đồng bộ và tạo sức lan tỏa lớn. Về tương lai lâu dài, sông Trường Giang sẽ trở thành trục xương sống để phát triển khu vực, mở ra nhiều cơ hội phát triển. Tỉnh đưa ra nhiều hình thức chuyển đổi nghề, tạo điều kiện chuyển đổi nghề của người dân để tham gia phục vụ sự phát triển chung.
“Việc khơi thông sông Cổ Cò và sông Trường Giang là cơ hội phát triển các ngành kinh tế dịch vụ có tiềm năng phát triển ven sông và phát huy hết chức năng cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp, giao thông…
Sông Trường Giang sẽ là con sông đa dạng hệ sinh thái bậc nhất trong số các con sông của tỉnh, mỗi lưu vực sẽ phục hồi hệ thực vật riêng và phân khu phát triển kinh tế, du lịch cũng khác nhau, duy trì sự sống của hệ sinh thái thủy sinh, đảm bảo sự bảo tồn và phát triển đa dạnh sinh học lưu vực sông.”- ông Hồ Quang Bửu cho biết thêm.
Theo: https://baotainguyenmoitruong.vn/