“Trái tim số” Trung tâm Dữ liệu vùng đồng bằng sông Cửu Long
03/01/2025
Trung tâm Dữ liệu vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xem như một trái tim số. Nơi đây, từng nhịp đập thông tin được tổng hợp và phân tích, cung cấp nền tảng vững chắc cho những quyết sách sáng suốt liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Đổi mới mang đến hy vọng mới!
Cuối năm 2024, Trung tâm Dữ liệu vùng ĐBSCL chính thức khánh thành sau hai năm xây dựng. Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên, Trung tâm dữ liệu vùng ĐBSCL là một trong những hành động cụ thể của Bộ TN&MT trong việc triển khai vận hành Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu cho phát triển Chính phủ điện tử. Đồng thời, tiếp tục triển khai xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành TN&MT, kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương.
Sở dĩ việc xây dựng một Trung tâm dữ liệu được đặt ra là bởi, trong bối cảnh ứng phó với BĐKH ở ĐBSCL, việc thay đổi tư duy là vô cùng cần thiết.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành Trung tâm Dữ liệu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH ra đời năm 2017 như một quyết sách lịch sử, thể hiện tầm nhìn thực tế của Đảng và Nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL. Nơi đây cần có sự thay đổi, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng. Theo đó, việc hình thành và phát triển một Trung tâm dữ liệu đặt ngay tại vùng ĐBSCL trong bối cảnh ứng phó với BĐKH là nhiệm vụ cấp thiết. Trung tâm dữ liệu vùng với nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, khả năng tiếp cận và mở rộng dữ liệu đa dạng hoàn toàn có thể đáp ứng thông tin kịp thời, chính xác cho việc hoạch định chính sách phát triển theo phương châm "thuận thiên" đã đề ra.
Ông Nguyễn Đức Phú – Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng – Bộ TN&MT cho biết, việc xây dựng Trung tâm Dữ liệu vùng ĐBSCL sẽ rất hữu ích trong việc tích hợp dữ liệu đa ngành, đa lĩnh vực, thiết kế và tạo lập cơ sở dữ liệu, hình thành các công cụ phần mềm xử lý, hỗ trợ ra quyết định. Cùng với đó, khả năng phối hợp, chia sẻ tới các cơ quan, bộ, ban, ngành và người dân là một phần cốt lõi mà Trung tâm có thể cung cấp dữ liệu qua các lớp dữ liệu chuyên đề.
Trung tâm dữ liệu vùng ĐBSCL còn hướng đến mục tiêu cung cấp thông tin hữu ích cho người dân. Qua đó giúp bà con chủ động trong sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất cây trồng. Đồng thời, cung cấp dữ liệu kịp thời, chính xác cho các nhà khoa học, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật, phát triển nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Từ cơ sở dữ liệu đa ngành…
Cơ sở dữ liệu của Trung tâm dữ liệu vùng ĐBSCL không phải chỉ dữ liệu của ngành TN&MT mà gồm nhiều dữ liệu liên quan. Đó là Dữ liệu lĩnh vực chuyên ngành TN&MT, Nông nghiệp, Thủy lợi, Quy hoạch…; thông tin dữ liệu nguồn mở (tổ chức trong và ngoài nước); dữ liệu mô hình, kết quả nghiên cứu khoa học,…
Nguồn dữ liệu liệu tích hợp sẽ được lưu vào Kho dữ liệu liên ngành vùng ĐBSCL, phục vụ lưu trữ và phân loại 16 lĩnh vực chuyên ngành riêng biệt, giúp cho việc phát triển các ứng dụng chuyên môn hiệu quả và linh động. 16 kho dữ liệu chuyên ngành gồm: Nền địa lý; Viễn thám; Tài nguyên nước; Khí tượng thủy văn; BĐKH; Môi trường; Đất đai; Địa chất; Biển hải đảo; Nước sạch và Thủy lợi; Phòng chống thiên tai; Trồng trọt và Chăn nuôi; Lâm nghiệp; Kinh tế xã hội; Quy hoạch và Thượng nguồn sông MeKong.
Đồng bằng sông Cửu Long
Nguồn dữ liệu này rất phong phú, có tính lịch sử và được cập nhật thường xuyên. Nhóm dữ liệu "Tài nguyên nước" giúp cho việc duy trì, cập nhật dữ liệu theo nguồn dữ liệu Quan trắc tài nguyên nước mặt, nước dưới đất từ Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia để phục vụ tạo lập các sản phẩm dữ liệu liên quan tới chia sẻ thông tin mạng lưới quan trắc toàn vùng; bản đồ quy hoạch tài nguyên nước,…
Nhóm dữ liệu "Đất đai” giúp tổng hợp dữ liệu hiện trạng về sử dụng đất tổng hợp từ năm 2000 đến năm 2020 được chia sẻ dưới dạng dịch vụ bản đồ, dữ liệu được tổng hợp từ nguồn quốc tế (Jaxa) và nguồn Bộ TN&MT phục vụ trực tiếp cho nhu cầu khai thác của các đơn vị.
Nhóm dữ liệu "Quy hoạch" hỗ trợ việc chia sẻ bản đồ quy hoạch về thuỷ lợi; giao thông; thoát nước và xử lý nước; công nghiệp; du lịch; y tế văn hoá giáo dục; thương mại; nông lâm nghiệp, thủy hải sản; toàn vùng đến năm 2030 định hướng đến năm 2050…
Đây là nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng, từ đây phục vụ việc đánh giá, phân tích, hỗ trợ ra quyết định cho các ngành liên quan, như giám sát ô nhiễm nguồn nước; tính toán khả năng cấp nước; dự báo xâm nhập mặn; tính toán thiệt hại do thiên tai; dự báo mực nước…
Đặc biệt, trung tâm với việc triển khai nền tảng mô phỏng thủy động lực, đã giải quyết được bài toán hỗ trợ phát hiện lũ do mưa, lũ quét, mô hình lũ thiên tai; tích hợp thiết kế vận hành hệ thống thoát nước; xây dựng quy hoạch đô thị bền vững; dự báo lũ và dòng chảy ven biển, dòng chảy sông ngòi,…
Điểm nhấn cho công cụ thực hiện phân tích và xử lý dữ liệu chuyên ngành trong Trung tâm dữ liệu vùng ĐBSCL chính nhờ sử dụng Nền tảng phân tích và khai phá dữ liệu ứng dụng trí tuệ nhân tạo/ học máy (AI/ML). Nền tảng này cho phép xây dựng cộng đồng những người làm nghiên cứu và ứng dụng AI cùng tham gia để giải quyết các vấn đề, bài toán liên quan đến BĐKH như: dự báo thời tiết, chất lượng không khí toàn vùng; xây dựng và thử nghiệm xử lý ảnh cho việc số hóa các giản đồ đo nắng, mưa, ẩm, nhiệt, áp…
Ngoài ra, năng lực công nghệ của Trung tâm có thể kể đến là thiết bị Máy bay không người lái (UAV) được sử dụng trong Đo đạc và Lập Bản đồ Địa hình, ứng dụng trong Quản lý Đất đai và Quy hoạch, hỗ trợ xây dựng công trình. Với Ứng dụng UAV trong nông nghiệp, giúp thu thập thông tin về địa hình và đất đai, từ đó, phân tích tình trạng đất canh tác, quản lý hệ thống thủy lợi và tối ưu hóa các giải pháp nông nghiệp; ứng dụng trong nghiên cứu và bảo tồn môi trường giúp cung cấp dữ liệu để đánh giá, giám sát tài nguyên rừng, sông suối, và các khu vực cần bảo tồn, đồng thời hỗ trợ khảo sát thảm họa tự nhiên.
… đến phục vụ đa mục tiêu
Ông Nguyễn Đức Phú cho biết, việc khai thác và chia sẻ dữ liệu sẽ dành cho nhiều đối tượng. Các đơn vị quản lý Nhà nước sẽ tiếp cận và sử dụng hệ thống thông qua Quy trình tiếp nhận – bổ sung – chia sẻ dữ liệu các bên. Khi các đơn vị có nhu cầu kết nối, chia sẻ, 2 bên sẽ làm việc trực tiếp và xác định phạm vi kết nối (không giới hạn tuỳ theo nhu cầu của đơn vị và khả năng cung cấp của Trung tâm). Trung tâm sẽ cấp tài khoản cho các đơn vị (theo phân quyền bộ dữ liệu cho phép sử dụng tới đơn vị có nhu cầu khai thác).
Đối với người dân (đại diện cho nhóm người dùng phổ thông) sẽ khai thác dữ liệu thông qua các kênh trực tuyến như, Cổng thông tin; trang chia sẻ dữ liệu của Trung tâm và các bản tin trực tuyến. Thông tin này sẽ được cung cấp dưới dạng bộ dữ liệu chia sẻ miễn phí bao gồm các báo cáo vụ mùa, tình trạng ngập lụt, hoặc người nông dân có thể xem dự báo mực nước mưa để áp dụng vào sản xuất,…
“Trái tim số” Trung tâm Dữ liệu vùng ĐBSCL đã đập những nhịp đập đầu tiên, mở ra một tương lai đầy hy vọng, nơi mỗi quyết định chính sách đều có cơ sở từ khối dữ liệu chính xác và khoa học, góp phần xây dựng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững và thịnh vượng.
Theo: baotainguyenmoitruong.vn