Khai thác nước dưới đất bền vững

Không phải vô tận như ta vẫn nghĩ, nguồn tài nguyên nước dưới đất (hay nước ngầm) đang đứng trước nguy cơ suy kiệt, mà nguyên nhân chủ yếu là do bị khai thác quá mức. Khai thác gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên nước dưới đất là một câu chuyện dài, cần được quan tâm hơn nữa.

Nước dưới đất là một dạng nước được phân bổ hoàn toàn dưới bề mặt đất, đá. Đây là nguồn nước được tích trữ trong các không gian rỗng của đất, hay trong những khe nứt của các lớp đất đá trầm tích.

Theo Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia, tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh được phân chia thành 3 tầng chứa nước chính, gồm tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Đệ tứ không phân chia (q); tầng chứa nước khe nứt lỗ hổng phun trào Bazan Pliocen-Pleistocen dưới β(n2-qp) và tầng chứa nước khe nứt trong các đá trầm tích lục nguyên Neogen (n).

Tổng tài nguyên nước dự báo cho các tầng chứa nước như sau: Tầng chứa nước (q) là 143.371m3/ngày; tầng chứa nước β(n2-qp) là 286.080m3/ngày; tầng chứa nước (n) là 141.914m3/ngày.

Nguồn nước dưới đất có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống, sản xuất của người dân. Ảnh: T.H

Nguồn nước dưới đất được khai thác để cấp nước cho nhiều mục đích khác nhau, trong đó chủ yếu cấp nước sinh hoạt (đô thị, nông thôn), sản xuất (tưới lúa, cà phê, cây công nghiệp…), và phục vụ cho một số mục đích khác.

Bên cạnh đó, nước dưới đất còn có vai trò góp phần ổn định dòng chảy của  sông, suối; giúp cố định các lớp đất đá bên trên, tránh các hiện tượng sạt lở, sụt lún.

Trong những năm qua, công tác quản lý tài nguyên nước nói chung và quản lý nước dưới đất nói riêng đã được tăng cường đáng kể. UBND tỉnh ban hành các văn bản quy định về quản lý, khai thác sử dụng, bảo vệ nguồn nước mặt, nước dưới đất, và được các sở ngành liên quan, các địa phương triển khai thực hiện khá nghiêm túc.

Tại Kế hoạch số 4340/KH-UBND ngày 6/12/2021 về điều tra cơ bản tài nguyên nước đối với nguồn nước nội tỉnh Kon Tum đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh yêu cầu trong giai đoạn 2021 – 2025 điều tra, khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; tổng hợp lập bản đồ và danh mục các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất để công bố và thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất.

Điều tra, đánh giá tổng hợp tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:50.000 đến 1:25.000 đối với nguồn nước nội tỉnh ở những vùng, khu vực nước dưới đất có tiềm năng lớn, là đối tượng khai thác chủ yếu để cấp nước cho sinh hoạt, các nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, các đô thị, khu dân cư tập trung, khu vực khan hiếm nước, thiếu nước sinh hoạt.

Tháng 5/2022, UBND tỉnh có văn bản số 1650/UBND-NNTN chỉ đạo tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất. Trong đó giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố điều tra, xác định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.

Thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về các hoạt động thăm dò, khai thác nước dưới đất, hành nghề khoan nước dưới đất; khoan khảo sát địa chất công trình, thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản; xử lý nền móng công trình, tháo khô mỏ và các hoạt động khoan, đào khác trên địa bàn tỉnh. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những vi phạm theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

Điều đáng lo ngại là, không phải vô tận như ta vẫn nghĩ, nguồn tài nguyên nước dưới đất (hay nước ngầm) đứng nguy cơ suy kiệt. Nguyên nhân chủ yếu là bị khai thác quá mức.

Trong bản tin tháng 2/2023, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia đã đưa ra cảnh báo nguồn nước ngầm tỉnh Kon Tum đang có những dấu hiệu cạn kiệt. Mực nước của các tầng chứa nước đều đang bị hạ thấp đáng kể.

Điển hình như tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Đệ tứ không phân chia (q), mực nước trung bình tháng 1/2023 hạ so với tháng 12/2022, giá trị hạ thấp nhất là 0,85m tại xã Mô Rai, huyện Sa Thầy.

Hay ở tầng chứa nước khe nứt lỗ hổng phun trào Bazan Pliocen-Pleistocen dưới β(n2-qp), kết quả quan trắc tại xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) cho thấy, mực nước trung bình tháng 1/2023 hạ 0,22m so với tháng 12/2022.

Ở tầng chứa nước khe nứt trong các đá trầm tích lục nguyên Neogen (n), mực nước trung bình tháng 1/2023 có xu thế hạ so với tháng 12/2022. Giá trị hạ thấp nhất là 0,64m tại xã Đăk Năng,  thành phố Kon Tum.

Tăng cường quản lý, giám sát các công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất. Ảnh: TH

Bên cạnh đó, sự nhiễm bẩn nguồn nước ngầm có thể thấy được qua hoạt động khoan giếng ở một số xã ở thành phố Kon Tum, các huyện Đăk Hà, Sa Thầy, cho thấy dấu hiệu nước ngầm đang bị ô nhiễm, thường là nhiễm vi sinh và một số chỉ tiêu vi lượng vượt mức cho phép.

Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia khuyến cáo, để đảm bảo khai thác ổn định, cần theo dõi chặt chẽ các diễn biến mực nước dưới đất các tầng chứa nước, từ đó có phương án bảo vệ, quản lý, khai thác hiệu quả.

Quản lý, giám sát chặt chẽ các công trình thăm dò, khai thác nước dưới đất, từ khâu thiết kế, lập đề án thăm dò, thi công đề án, lắp đặt công trình khai thác và trong quá trình khai thác, sử dụng nước. Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ quan trắc, giám sát mực nước, lưu lượng khai thác, phân tích chất lượng nước và báo cáo định kỳ quá trình khai thác.

Ở các vùng có nhiều công trình khai thác nước dưới đất thực hiện rà soát, xử lý trám lấp các giếng không sử dụng; khoanh định các vùng hạn chế/cấm khai thác; lập quy hoạch khai thác sử dụng, bảo vệ nước dưới đất và từng bước xây dựng mạng quan trắc nước dưới đất địa phương, khu vực.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết, sẽ tham mưu UBND tỉnh xem xét đầy đủ vấn đề bảo vệ nước dưới đất khi quy hoạch phát triển  khu công nghiệp, khu đô thị. Xây dựng phương án giảm thiểu hoặc nghiên cứu giải pháp cấp nước khác thay thế ở các vùng có hiện tượng suy giảm mực nước, chất lượng nước.

Sớm đầu tư, hoàn thiện hệ thống cấp nước ở các đô thị để hạn chế việc xây dựng các công trình khai thác nước dưới đất quy mô nhỏ lẻ.

Nguồn tin: baokontum.com.vn