Sáng ngày 23/09/2021 tại trụ sở Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, ông Tống Ngọc Thanh – Tổng giám đốc, ông Nguyễn Ngọc Hà – Phó Tổng giám đốc và Ban Quy hoạch tài nguyên nước của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã tham dự họp trực tuyến báo cáo Hội đồng liên ngành thẩm định “Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Sê San đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Chủ trì buổi làm việc trực tuyến là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, cùng tham dự có Cục Quản lý tài nguyên nước; đại diện các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải, Văn hóa Thể thao và Du lịch; và đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai, UBND tỉnh Kon Tum và các chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Hà – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia cho biết, sông Sê San là sông liên quốc gia – một trong những phụ lưu lớn của dòng Mê Công, bắt nguồn trên lãnh thổ Việt Nam và chảy sang Campuchia gặp sông Srêpôk tại Stung treng cùng với dòng Sê Công (bắt nguồn từ CHDCND Lào) tạo thành lưu vực sông 3S trước khi nhập vào dòng chính Mê Công. Trên lãnh thổ Việt Nam, lưu vực sông Sê San có diện tích 11.450 km2 gồm 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai. Đây là vùng có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng đối với cả nước và khu vực Đông Dương, có nhiều tiềm năng ưu thế để phát triển kinh tế, hiện tại là một trong hai vùng sản xuất hàng hóa nông sản xuất khẩu lớn nhất của cả nước sau đồng bằng sông Cửu Long.
Lưu vực sông Sê San nằm ở khu vực phía Tây của dãy Trường Sơn, bề mặt địa hình dốc thoải dần từ Đông sang Tây, đón gió Tây nhưng ngăn chặn gió Đông Nam thổi vào. Đây là vùng có nguồn có lợi thế rất lớn về đất, cộng với sự đa dạng về tài nguyên, khí hậu, rừng, đem lại cho nơi đây những tiềm năng to lớn về nông nghiệp, lâm nghiệp và chăn nuôi. Ngoài thế mạnh bậc nhất về lâm nghiệp còn có nhiều tiềm năng kinh tế to lớn khác như các vùng chuyên canh cây đặc sản có giá trị xuất khẩu cao như cà phê, tiêu, cao su, điều… Đồng thời đây cũng là địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đa dạng về văn hóa và bản sắc dân tộc.
Mặc dù đã đạt được thành quả đáng kể trong phát triển kinh tế xã hội, các tỉnh trên lưu vực sông Sê San vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức về nguồn tài nguyên nước như: Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên và thị trường tiêu thụ; Thường xuyên thiếu nước vào mùa khô; việc phát triển cây cà phê ồ ạt dẫn tới việc khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt; làn sóng đô thị hóa, công nghiệp hóa và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn tạo ra nhu cầu mới về sử dụng nước, gia tăng mâu thuẫn trong sử dụng nước giữa các ngành, địa phương và giữa thượng hạ lưu, đồng thời cũng tạo ra những thách thức mới đối công tác quản lý tài nguyên nước;…
Theo ông Nguyễn Ngọc Hà hiện nay, hầu hết các ngành, địa phương trên lưu vực đã có quy hoạch khai thác, sử dụng nước như quy hoạch thủy lợi, quy hoạch thủy điện và quy hoạch tài nguyên nước của tỉnh. Tuy nhiên, các quy hoạch này mới chỉ tập trung vào việc đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng nước đáp ứng nhu cầu của từng ngành, địa phương mà chưa có đánh giá tổng thể về khả năng khai thác, sử dụng của từng nguồn nước trên lưu vực cũng như chưa xác định được chức năng của nguồn nước, các nguồn nước ưu tiên cho phát triển mang tính chiến lược trên lưu vực sông,… từ đó có giải pháp phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước mang tính tổng hợp. Mặt khác, việc quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực sông Sê San cần thực hiện các quy chế sử dụng nước theo quy định trong Hiệp định hợp tác Mê Công (1995). Việc hợp tác và phối hợp giữa Việt Nam và Campuchia trong quản lý các lưu vực sông này cũng đã và đang đặt ra nhu cầu cấp thiết, nhằm quản lý tốt hơn tài nguyên nước, bảo đảm phát triển bền vững không chỉ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam mà trên toàn lưu vực sông Mê Công.
Chính vì vậy, để giải quyết những tồn tại trong khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra trong điều kiện biến đổi khí hậu nhằm chủ động được nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của các ngành, địa phương trên lưu vực sông Sê San thì cần thiết phải có quy hoạch tổng hợp lưu vực sông.
Ông Nguyễn Ngọc Hà cũng cho biết, Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Sê San được thực hiện bởi các chuyên gia trong và ngoài nước thông qua dự án Quản lý tổng hợp tài nguyên nước Mê Công được hỗ trợ bởi Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia với vai trò là tư vấn phụ chỉ định hỗ trợ thủ tục trình duyệt kết quả thực hiện. Phạm vi của quy hoạch là toàn bộ lưu vực sông Sê San thuộc các tỉnh Gia Lai, Kon Tum với tổng diện tích 11.450 km2.
Đối tượng Quy hoạch bao gồm tài nguyên nước mặt các sông Sê San, Đắk Bla, Sa Thầy, Đăk Pơ Ne, Kon Keng, Đăk Po Kei, Ia Krom, Đắk Cấm, Đăk Pru, Đăk Rơ Long, Đăk Ne, Đăk Psi, Đăk Ta Kan, Ia Nhinh, Ia Krel, Đăk Rơ Mao, Ia Tri; tài nguyên nước dưới đất trong các tầng chứa nước: lỗ hổng bồi tích hiện đại (Q), khe nứt lỗ hổng phun trào Bazan Pleistocen giữa (βqp), lỗ hổng – khe nứt phun trào bazan tuổi từ Pliocen đến Pleistocen (β(n2-qp), lỗ hổng trong các trầm tích tuổi Pleistocen (qp), khe nứt lỗ hổng vỉa các thành tạo đầm hồ trầm tích Neogen (n).
Quy hoạch hướng đến mục tiêu điều hòa, phân bổ công bằng, hợp lý nguồn nước giữa các đối tượng sử dụng nước, các vùng, các tỉnh trên lưu vực sông có xét đến sự biến động nguồn nước do tác động của biến đổi khí hậu; bảo vệ được các hệ sinh thái phụ thuộc vào nước, kiểm soát được tình trạng gia tăng ô nhiễm nguồn nước ở các khu dân cư, khu đô thị lớn, khu công nghiệp tập trung; và phát triển tài nguyên nước, nâng cao hiệu quả kinh tế sử dụng nước và phòng, chống các tác hại do nước gây ra.
Lưu vực sông Sê San được chia thành 06 vùng Quy hoạch, gồm: vùng Thượng Đắk Bla diện tích 1.514 km2; vùng Hạ Đắk Bla diện tích 1.886 km2; vùng Thượng Sê San diện tích là 1.051 km2; vùng Trung Sê San diện tích 2.361km2; vùng Hạ Sê San có diện tích là 3.132 km2 gồm 04 huyện thành phố thuộc tỉnh Kon Tum và 04 huyện thuộc tỉnh Gia Lai; vùng Sa Thầy diện tích 1.504 km2.
Nội dung của quy hoạch xác định đến năm 2030, lượng nước có thể khai thác, sử dụng trên lưu vực sông Sê San không vượt quá 15,71 tỷ m3, trong đó: vùng Thượng Đắk Bla không vượt quá 1,65 tỷ m3; vùng Hạ Đắk Bla không vượt quá 1,85 tỷ m3; vùng Thượng Sê San không vượt quá 1,61 tỷ m3; vùng Trung Sê San không vượt quá 4,0 tỷ m3; vùng Hạ Sê San không vượt quá 5,0 tỷ m3; vùng Sa Thầy không vượt quá 1,52 tỷ m3. Đến năm 2050, không vượt quá 16,12 tỷ m3, trong đó: vùng Thượng Đắk Bla không vượt quá 1,68 tỷ m3; vùng Hạ Đắk Bla không vượt quá 1,94 tỷ m3; vùng Thượng Sê San không vượt quá 1,71 tỷ m3; vùng Trung Sê San không vượt quá 4,06 tỷ m3; vùng Hạ Sê San không vượt quá 5,1 tỷ m3; vùng Sa Thầy không vượt quá 1,56 tỷ m3.
Đến năm 2030, tổng nhu cầu khai thác, sử dụng nước trên toàn lưu vực sông Sê San khoảng 1,04 tỷ m3, trong đó: vùng Thượng Đắk Bla khoảng 0,07 tỷ m3; vùng Hạ Đắk Bla khoảng 0,33 tỷ m3; vùng Thượng Sê San khoảng 0,05 tỷ m3; vùng Trung Sê San khoảng 0,23 triệu m3; vùng Hạ Sê San khoảng 0,3 tỷ m3. Đến năm 2050 tổng nhu cầu khai thác, sử dụng nước trên toàn lưu vực sông Sê San khoảng 1,58 tỷ m3, trong đó: vùng Thượng Đắk Bla khoảng 0,1 tỷ m3; vùng Hạ Đắk khoảng 0,5 tỷ m3; vùng Thượng Sê San khoảng 0,08 tỷ m3; vùng Trung Sê khoảng 0,36 tỷ m3; vùng Hạ Sê San khoảng 0,46 tỷ m3; vùng Sa Thầy khoảng 0,06 tỷ m3.
Theo đó, chức năng chính của các nguồn nước thuộc đối tượng Quy hoạch được xác định như sau: Nguồn nước sông Đắk Bla được sử dụng để cấp nước cho các mục đích như cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, thủy điện và du lịch – dịch vụ; nguồn nước sông Sê San được sử dụng để cấp nước cho các mục đích như cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, thủy điện và du lịch – dịch vụ; nguồn nước sông Sa Thầy sử dụng để cấp nước cho mục đích như cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, du lịch – dịch vụ; nguồn nước các sông Măng Ke, Đăk Pơ Ne, Kon Keng, Đăk Po Kei, Đắk Cấm, Ia Nhinh, Ia Krel, Đăk Ne sử dụng để cấp nước cho mục đích sản xuất nông nghiệp; nguồn nước trên các sông Đăk Ta Kan sử dụng để cấp nước cho mục đích như cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và du lịch – dịch vụ; nguồn nước trên các sông Ia Krom, Ia Tri sử dụng để cấp nước cho mục đích cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp; nguồn nước trên các sông Đăk Psi sử dụng để cấp nước cho mục đích cấp sản xuất nông nghiệp và du lịch – dịch vụ; nguồn nước trên các sông Đăk Pru, Đăk Rơ Long, sử dụng để cấp nước cho mục sinh hoạt và du lịch – dịch vụ; nguồn nước dưới đất trên toàn lưu vực sông Sê San được sử dụng cấp nước cho các mục đích như cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và sản xuất công nghiệp trong trường hợp thiếu nước.
Bên cạnh đó, nội dung Quy hoạch cũng tính toán giá trị dòng chảy tối thiểu; nguồn nước dự phòng cấp nước cho sinh hoạt; lượng nước phân bổ cho các đối tượng khai thác, sử dụng (trong điều kiện bình thường; trong trường hợp thiếu nước; và trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng); công trình điều tiết, khai thác, sử dụng nước và phát triển tài nguyên nước; bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn; bảo vệ chất lượng nước; phòng, chống sạt, lở bở, bãi sông, chống sụt, lún đất do khai thác nước dưới đất; mạng giám sát tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nước và chất lượng nước.
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đều đánh giá tính cấp thiết của việc thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Sê San đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc thực hiện Quy hoạch sẽ góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương thuộc lưu vực; đồng thời, quy hoạch này cũng là cơ sở, định hướng để triển khai các quy hoạch khác trên địa bàn các tỉnh Kon Tum và Gia Lai.
Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm định đã có những góp ý chi tiết, cụ thể về thành phần hồ sơ và nội dung để hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Sê San thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội đồng cũng nhất trí thông qua Quy hoạch sau khi đơn vị thực hiện tiếp thu, chỉnh sửa các góp ý của các thành viên hội đồng trước khi trình phê duyệt.
Kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến phát biểu của các thành viên Hội đồng thẩm định. “Các ý kiến góp ý đã thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu nhằm xây dựng bản Quy hoạch đảm bảo chất lượng và phù hợp với các quy hoạch cấp cao hơn, cũng như các quy hoạch của các ngành có liên quan” .
Để hoàn thiện dự thảo Quy hoạch, Thứ trưởng đề nghị, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia rà soát, tiếp thu các ý kiến của các thành viên hội đồng để nghiên cứu, tổng hợp vào hồ sơ Dự thảo; đồng thời, tiếp tục phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước đẩy nhanh tiến độ, sớm trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Sê San thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.