Đồng bào các dân tộc và chiến sĩ ở các vùng sâu, vùng xa thuộc 8 tỉnh Nam Bộ đang hồ hởi với niềm vui được dùng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày-mong nuớc từ bao đời nay của họ đã thành hiện thực. Chính quyền các cấp, các ngành những nơi này có cơ sở để hoạch định chiến lược phát triển Kinh tế- Xã hội- An Ninh- Quốc phòng, làm khởi sắc nhiều vùng nông thôn xa xôi và biên ải của Tổ quốc. Trong niềm vui đó có đóng góp đáng kể của CBCNV Liên đoàn Quy hoạch Điều tra tài nguyên nước (QH & ĐTTNN) miền Nam (thuộc Trung tâm QH & ĐTTNN) với sự thành công của đề án “ Điều tra nguồn nước dưới đất (NDĐ) vùng sâu Nam Bộ- Pha 3”.
Trong câu chuyện với phóng viên báo Tài nguyên & Môi trường, ông Phạm Văn Giắng, Liên đoàn trưởng Liên đoàn QH & ĐTTNN miền Nam cho biết: Để phát huy những kết quả đạt được ở pha 1 và pha 2 đề án “Điều tra nguồn NDĐ vùng sâu Nam Bộ”,dưới sự chỉ đạo của Bộ TN &MT, Cục ĐC&KS VN, Trung tâm QH & ĐTTNN, Liên đoàn QH & ĐT TNN Miền Nam đã triển khai thi công đề án “Điều tra nguồn NDĐ vùng sâu Nam Bộ – Pha 3” nhằm tiếp tục điều tra nguồn NDĐ, xác định khu vực và tầng chứa nước có triển vọng, đưa vào khai thác, cấp nước phục vụ dân sinh. Tham gia lập đề án có các kĩ sư, thạc sĩ: Nguyễn Trung Dĩnh (chủ nhiệm), Nguyễn Quốc Dũng, Bùi Tiến Bình, Nguyễn Mạnh Hà, Bùi Lai Hà, Nguyễn Uy Vũ…Đề án được triển khai tại 30 vùng với tổng diện tích 510 km2 thuộc 8 tỉnh đồng bằng Nam Bộ: Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Kiên Giang.
Sau gần 6 năm thực hiện, đến nay, đề án “Điều tra nguồn nước dưới đất vùng sâu Nam Bộ – pha 3” đã hoàn thành toàn bộ mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Về cơ bản, phương pháp, khối lượng các dạng công tác điều tra được tiến hành phù hợp với nội dung được Bộ TN&MT phê duyệt, chất lượng thi công đáp ứng được yêu cầu các quy phạm hiện hành. Quá trình thi công đã có sự phối hợp, hợp tác hiệu quả giữa chính quyền địa phương các vùng điều tra với Liên đoàn QH&ĐT tài nguyên nước miền Nam và các đơn vị tham gia đề án.
Kết quả nổi bật của Đề án Điều tra nguồn nước dưới đất (NDĐ) vùng sâu Nam Bộ- Pha 3” được đánh giá như thế nào, thưa ông?
Liên đoàn trưởng Phạm Văn Giắng: Đề án mang tính khoa học và thực tiễn sâu sắc.
Về mặt khoa học, đề án đã làm sáng tỏ đặc điểm địa chất thủy văn (ĐCTV) của 30 vùng điều tra, phân chia chi tiết ranh giới địa chất, địa tầng ĐCTV theo kết quả nghiên cứu mới nhất; xác định bề dày và vị trí của các tầng chứa nước lỗ hổng, bề dày của các trầm tích bở rời và các đới phong hóa, nứt nẻ trong đá cứng có triển vọng chứa nước,ranh giới nước nhạt, nước mặn theo diện và theo chiều sâu tại các vùng điều tra, cũng như sự biến đổi đặc điểm thủy hoá của các tầng chứa nước. Đã tạo lập một hệ thống thông tin về tài nguyên nước bao gồm: 30 sơ đồ ĐCTV tỷ lệ 1:25.000 và các mặt cắt ĐCTV của các vùng điều tra, làm cơ sở phục vụ quy họach, quản lý tài nguyên NDĐ. Đây là nguồn tài liệu vô cùng quí giá đối với công tác điều tra cơ bản về tài nguyên NDĐ ở Nam Bộ. Ngòai ra Đề án đã có những phát hiện mới quan trọng: Phát hiện được nước dưới đất nhạt trong tầng chứa nước qp2-3 tại vùng Hưng Điền (Tân Hưng, Đồng Tháp); trong tầng chứa nước n22 tại vùng Mỹ Thạnh Tây, Đức Huệ, Thuỷ Tây (Thạnh Hoá, Long An); tầng chứa nước n21 tại vùng thị trấn Lấp Vò (huyện Lấp Vò), vùng Thanh Mỹ (Tháp Mười, Đồng Tháp), vùng Mỹ Phước (Tân Phước, Tiền Giang), nơi mà các nghiên cứu trước đây cho là không có nước nhạt, những phát hiện mới là cơ sở quan trọng phục vụ việc mở rộng quy mô khai thác sử dụng NDĐ. Đề án cũng phát hiện cả 6 tầng chứa nước đều bị mặn hoàn toàn tại Tân Hồng, Đồng Tháp và kiến nghị chính quyền nhanh chóng chuyển hướng tìm nguồn nước khác phục vụ cung cầp cho nhân dân địa phương.
Về mặt thực tiễn, Đề án đã kết hợp chuyển đổi thành công 29 lỗ khoan điều tra nguồn NDĐ thành 29 lỗ khoan khoan khai thác, bàn giao cho chính quyền địa phương và các đồn biên phòng đưa vào khai thác sử dụng với tổng lưu lượng 15.370m3/ngày, tương ứng với khả năng phục vụ cho 256.162 người, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nước sạch cho nhân dân và bộ đội tại 29 vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới thuộc 23 huyện của 8 tỉnh Nam Bộ. Các kết quả này của đề án, đã được các cấp chính quyền địa phương và đơn vị bộ đội nồng nhiệt đón nhận và đã gửi thư cảm ơn Bộ TN&MT, Cục ĐC&KS Việt Nam, Trung tâm QH&ĐT tài nguyên nước, Liên đoàn QH& ĐTTNN miền Nam về sự giúp đỡ quý giá trên và mong muốn được hỗ trợ nhiều hơn nữa.
Đề án đã chứng minh tính đúng đắn, hiệu quả trong việc điều tra nguồn NDĐ kết hợp với việc nhanh chóng đưa các kết quả điều tra vào phục vụ thiết thực nhân dân và bộ đội ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới góp phần phát triển KT, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng.
Quá trình thi công đề án, anh em đã vượt lên nhiều khó khăn, thách thức về kỹ thuật cũng như cuộc sống đời thường để hoàn thành nhiệm vụ, thưa ông?
Liên đoàn trưởng Phạm Văn Giắng: Đúng vậy! Đặc thù của đề án là điều tra nguồn NDĐ vùng sâu Nam bộ nên việc thi công các dạng công tác như khảo sát thực địa, khoan ĐCTV, đo địa vật lý, bơm nước thí nghiệm… đều diễn ra tại những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, căn cứ địa cách mạng, đặc biệt là vùng biên giới Tây Nam, giáp Campuchia… gặp rất nhiều khó khăn và nguy hiểm. Công tác khảo sát ngoài thực địa kéo dài hàng tháng, anh em kỹ thuật phải làm việc xa nhà, xa cơ quan thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần. Những khi khảo sát vùng biên giới, núi cao hiểm trở, gặp mưa lũ không về được, anh em phải nhịn đói, ngủ rừng; có người ban ngày đi thực địa, đêm về bị sốt rét cao vẫn phải đi bộ hàng chục km mới tới bệnh xá, khi khỏi bệnh lại lao vào công việc. Nhiều vùng khảo sát không có đường giao thông, việc đi lại, vận chuyển máy móc vào vị trí thi công các lỗ khoan thường phải dùng sức người hoặc bằng phà qua sông. Quá trình thi công phải làm liên tục 3 ca, không ít công trình làm vào ban đêm gặp mưa to, gió lớn, anh em vẫn phải “ bám” tháp khoan cao hàng chục mét rất nhọc nhằn, nguy hiểm. Họ phải nhắc nhau, đặt công tác an toàn lao động lên hàng đầu; vì thế trong suốt quá trình thi công đề án vẫn đảm bảo an toàn lao động. Nhận thức của bà con các dân tộc vùng điều tra khảo sát còn hạn chế, những khi cùng ăn uống, sinh hoạ với bà con, anh em thường tranh thủ trò chuyện, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên nước dưới đất cho đồng bào.
Nhân đây, ông có thể cho biết kết quả tổng quan của đề án “ Điều tra nguồn NDĐ vùng sâu Nam Bộ của các pha 1, pha 2 và pha 3?
Liên đoàn trưởng Phạm Văn Giắng: Nước dưới đất ở Nam Bộ có tiềm năng rất lớn, tuy nhiên việc điều tra đánh giá tài nguyên nước dưới đất chưa đáp ứng kịp thời, mức độ chi tiết chưa đủ làm cơ sở phục vụ quy họach, quản lý khai thác, sử dụng, bảo vệ và phát triển tài nguyên nước dưới đất. Qua 3 pha thực hiện, đề án đã bổ sung đáng kể các thông tin tại các vùng còn trống, chưa từng được điều tra, tạo lập một hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên nước dưới đất tại 98 vùng điều tra, làm cơ sở tin cậy phục vụ cho việc lập quy họach, quản lý quản lý khai thác, sử dụng, bảo vệ và phát triển tài nguyên nước dưới đất ở Nam Bộ. Bên cạnh đó đề án đã nhanh chóng chuyển giao 92 lỗ khoan khai thác với tổng lưu lượng 102.466m3/ngày có thể phục vụ cho gần 1.200.000 người, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống, phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng tại các vùng sâu vùng xa và biên giới.
Xin cám ơn ông!
(Theo Monre.gov.vn)