Bộ TN&MT: Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và triển khai Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực TNMT

Sáng ngày 11/9, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) đã tổ chức Hội nghị đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực TN&MT.

_MG_0084_resize_1

Đến dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Nguyễn Minh Quang, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT; đồng chí Nguyễn Thị Phương Hoa, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ TN&MT. Về các đại biểu, có đồng chí Danh Út, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường quốc doanh; các đồng chí đại diện Văn phòng Quốc hội, đại diện các Bộ, ngành Trung ương, Sở TN&MT, Chi cục quản lý đất đai các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ; cùng đông đảo các phóng viên báo chí đến dự và đưa tin.

Đẩy nhanh tiến độ rà soát, đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất theo Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cho biết: Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, cả nước đã cơ bản hoàn thành việc rà soát chức năng, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, sắp xếp chuyển đổi thành các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng; giải thể các doanh nghiệp thua lỗ kéo dài hoặc chủ yếu cho thuê đất; làm rõ về tình hình tài chính doanh nghiệp; một số doanh nghiệp thực hiện thí điểm cổ phần hóa đã đổi mới cơ chế quản lý, quản trị kinh doanh; tiến hành rà soát trên sổ sách và bản đồ, làm rõ một bước về đất và rừng, xác định diện tích đất cần giữ lại và diện tích bàn giao lại cho địa phương; đến nay đã cơ bản bàn giao diện tích đất ở, diện tích đất gắn với công trình công cộng; một số tỉnh đã thực hiện cắm mốc ranh giới, đo đạc bản đồ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nông, lâm trường. Tuy nhiên, kết quả rà soát, sắp xếp nông, lâm trường quốc doanh cũng còn một số hạn chế, bất cập. Nhiều doanh nghiệp mới thực hiện việc đổi tên, chưa có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản lý và quản trị doanh nghiệp; hoạt động của một số công ty còn nhiều khó khăn, chưa khắc phục được các vướng mắc, tồn tại cũ. Việc rà soát đất đai, xác định ranh giới đất các tổ chức giữ lại để quản lý, sử dụng và đất trả về địa phương cơ bản chưa được thực hiện trên thực địa; nhiều nông, lâm trường còn xảy ra tình trạng hoang hóa, lãng phí đất đai; tình hình tranh chấp, vi phạm pháp luật đất đai, buông lỏng quản lý đối với diện tích đất giao khoán, cho thuê, cho mượn vẫn còn phổ biến; chưa giải quyết dứt điểm những vướng mắc về đất đai đã kéo dài nhiều năm; hồ sơ kỹ thuật, pháp lý về đất đai chất lượng thấp, không chính xác, lỗi thời, không phản ánh đúng thực trạng; nhiều thủ tục hành chính, pháp lý chưa được thực hiện theo quy định.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, hiệu quả sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp, ngày 12/3/2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TW về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình hành động để triển khai Nghị quyết; đồng thời chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành hệ thống chính sách khá đồng bộ, thể chế hóa cụ thể và kịp thời các chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất của các nông, lâm trường để các địa phương và các công ty nông, lâm nghiệp triển khai thực hiện. Đến nay, các Bộ đã cơ bản hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền.

_MG_0244

Bộ trưởng nhấn mạnh, theo yêu cầu của Bộ Chính trị và của Chính phủ, đến cuối năm 2015 phải phấn đấu hoàn thành việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất đối với diện tích đất đã giao các nông, lâm trường quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ triển khai ở các địa phương còn chậm; trong đó có nguyên nhân khó khăn về kinh phí để triển khai thực hiện việc đo đạc, cắm mốc ranh giới, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận; chưa kiên quyết giải quyết dứt điểm những vướng mắc về đất đai đã kéo dài nhiều năm.

_MG_0084_resize_1

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc hỗ trợ 647 tỷ đồng cho 33 địa phương có nguồn thu ngân sách thấp để thực hiện việc đo đạc, lập bản đồ địa chính và cấp giấy chứng nhận; trong đó đợt I Chính phủ sẽ cấp 150 tỷ đồng. Các địa phương cần chủ động bố trí kinh phí thu từ ngân sách địa phương để triển khai thực hiện, số kinh phí còn lại sẽ được bổ sung trong năm 2016.

“Để đảm bảo cơ bản hoàn thành mục tiêu đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất vào năm 2015, tôi đề nghị các đồng chí, từ thực tế ở địa phương, làm rõ thêm thực trạng quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường; các vấn đề còn tồn tại, vướng mắc và nguyên nhân; trao đổi kinh nghiệm, cùng nhau bàn các giải pháp để giải quyết, tháo gỡ các khó khăn; đồng thời tham gia ý kiến về chủ trương thanh tra việc sử dụng, quản lý đất đai tại các nông, lâm trường ở một số địa bàn trọng điểm nhằm xử lý các vi phạm”, Bộ trưởng chỉ đạo.

_MG_0119

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, ông Lê Văn Lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, Bộ TN&MT đã phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu, trình ban hành hoặc xây dựng và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản chính sách, quy phạm pháp luật về quản lý sử dụng đất của các nông, lâm trường có nội dung phù hợp với tình hình thực tiễn trong từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội; tạo nên một khung pháp lý đầy đủ, toàn diện, thống nhất góp phần nâng cao hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng đất, ổn định kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới.

Đến nay đã có 447 nông, lâm trường đã được đo vẽ bản đồ các loại như bản đồ giải thửa, bản đồ địa chính với diện tích 5,94 triệu ha (chiếm 74% diện tích đang quản lý, sử dụng); việc rà soát lập và điều chỉnh quy hoạch, phương án sử dụng đất của các nông lâm trường đã bước đầu được thực hiện; có 642 nông, lâm trường đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích 7,6 triệu ha; có 369 nông, lâm trường đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với 3,66 triệu ha…

Phát biểu tại Hội nghị, ông Danh Út, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường quốc doanh đã đánh giá cao vai trò của Bộ TN&MT trong việc tham mưu với Chính phủ tổ chức thực hiện các chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ về tổ chức sắp xếp lại các nông lâm trường quốc doanh, bước đầu đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý sử dụng đất của nông lâm trường. Nổi bật là đã kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý sử dụng đất đai; tăng thu ngân sách trong thực hiện nghĩa vụ tài chính của các nông lâm trường, trong 10 năm đã thu được 1.800 tỷ đồng; sau khi được tổ chức, rà soát lại đã tăng thu thêm cho ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc cũng cho biết, năm 2015 Quốc hội có hai cuộc giám sát tối cao, trong đó giám sát tối cao về quản lý sử dụng đất đai các nông lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014 được Quốc hội và Thường vụ Quốc hội giao, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban thực hiện giám sát từ đầu năm, đến nay đã cơ bản hoàn thành.

Nhấn mạnh về lịch sử trải qua 60 năm hoạt động của nông, lâm trường thời gian qua, theo ông Danh Út: “bên cạnh kết quả tích cực thì vẫn còn những tồn tại không nhỏ. Thứ nhất, công tác chế độ thông tin báo cáo chậm, không đảm bảo. Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hết tháng 12/1015 phải cơ bản sắp xếp xong nông, lâm trường, nhưng đến giờ phút này, các tỉnh, thành vẫn chưa báo cáo được để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thứ hai, sau 10 năm thực hiện đổi mới nông, lâm trường, nhưng trong thực tế, hầu như vẫn chỉ đổi tên là chính, còn vấn đề quản lý, đo đạc, đo vẽ còn xem nhẹ,… Cho nên đến giờ phút này, chúng ta mới cấp giấy chứng nhận được khoảng 56% diện tích đất nông lâm trường mà thôi. Đó chính là các nông lâm trường chưa thực hiện nghiêm Luật Đất đai”. Vì vậy, trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị Bộ TN&MT hỗ trợ các địa phương tập trung đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đảm bảo trong năm 2015 có thể hoàn thành. “Cái khó nhất là kinh phí đo đạc cũng đã được tháo gỡ. Nhưng đối với các địa phương, chúng tôi kiến nghị chính quyền địa phương phải đẩy mạnh việc trích 10% từ tiền thuê đất, từ tiền thuế đất để ngành TN&MT có kinh phí thực hiện việc đo đạc…” – ông Danh Út nhấn mạnh.

_MG_0170

Nhiều chuyển biến tích cực trong cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, thực hiện một trong 3 khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, trong thời gian vừa qua, Bộ TN&MT đã luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về TN&MT. Nhiều đạo luật, nghị định cơ bản về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ đã được Quốc hội, Chính phủ ban hành trong thời gian gần đây như: Luật Khoáng sản 2010, Luật Tài nguyên nước 2012, Luật Đất đai 2013, Luật Bảo vệ môi trường 2014, Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015, Nghị định số 45/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 về hoạt động đo đạc và bản đồ,… Các văn bản nêu trên đã tạo nên hành lang pháp lý khá đầy đủ, đồng bộ, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TN&MT.

“Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, các TTHC trong các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ luôn được rà soát, đơn giản hóa theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC của xã hội nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước. Kết quả cải cách hành chính (CCHC) đã có nhiều chuyển biến tích cực được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao”, Bộ trưởng khẳng định.

_MG_0139

Báo cáo tóm tắt về công tác CCHC của ngành TN&MT, ông Tạ Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ nêu rõ, theo đánh giá của Bộ Nội vụ, Bộ TN&MT là một trong 7 Bộ, cơ quan ngang Bộ có kết quả Chỉ số CCHC tăng đều qua các năm. Trong đó,BộTN&MT có kết quả Chỉ số CCHC tăng lớn nhất qua 3 năm (tăng 8,94 điểm). Chỉ số CCHC năm 2014 của Bộ TN&MT đứng thứ 8/19 Bộ, cơ quan ngang Bộ với kết quả đạt 78,69%, tăng 6 bậc so với năm 2013 (đứng thứ 14/19) và tăng 8 bậc so với năm 2012 (đứng thứ 16/19). Trong đó, điểm tự đánh giá đạt 51,80% (đứng thứ 4/19) và điểm điều tra xã hội học đạt 26,89% (đứng thứ 12/19). Kết quả đạt được khẳng định vai trò và sự chỉ đạo quyết liệt của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ; sự tham gia tích cực của Đảng ủy Bộ trong chỉ đạo, điều hành và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trong công tác CCHC.

_MG_0122

Triển khai Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện cải cách TTHC trong lĩnh vực TN&MT; tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong năm 2015 và những năm tiếp theo, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo và triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đồng thời quy định rõ trách nhiệm cụ thể của các Bộ, ngành, địa phương. 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính được nêu tại Chỉ thị bao gồm: (1) Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13/CT-TTg về việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách TTHC; (2) Thực hiện một số nhiệm vụ cải cách TTHC trọng tâm, ưu tiên trong lĩnh vực TN&MT và trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương; (3) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật và cải cách TTHC trong lĩnh vực TN&MT; (4) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước và giải quyết TTHC trong lĩnh vực TN&MT.

_MG_0080

Cần nỗ lực và sự vào cuộc quyết liệt của toàn ngành tài nguyên và môi trường

Tại Hội nghị, đại biểu các Bộ, ngành, Sở TN&MT tỉnh, thành phố đã tập trung thảo luận làm rõ thêm thực trạng, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đồng thời đóng góp, đề xuất một số ý kiến nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất của các nông, lâm trường; quán triệt triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cải cách TTHC trong lĩnh vực TN&MT, đồng thời đề xuất tháo gỡ một số khó khăn trong CCHC, cải cách TTHC, đặc biệt đối với lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản,…

Hình ảnh một số đại biểu phát biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị:

_MG_0184

_MG_0189

_MG_0207

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh: “Để cơ bản hoàn thành việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất của các nông, lâm trường trong năm 2015 và triển khai thực hiện tốt việc CCHC trong lĩnh vực TN&MT, đề nghị Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc các Sở TN&MT tập trung triển khai tốt mục tiêu, nhiệm vụ được nêu ra tại Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị. Các Sở TN&MT tăng cường tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn khẩn trương lập và trình duyệt các đề án, phương án sắp xếp; thiết kế kỹ thuật dự toán, tổ chức thực hiện các dự án xác định ranh giới, cắm mốc giới; lập phương án sử dụng đất; đo đạc bản đồ địa chính, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xác định giá đất; thực hiện các thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với các công ty nông, lâm nghiệp thuộc diện sắp xếp theo Nghị định 118/2004/NĐ-CP. Xây dựng Phương án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ đất đai của các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, các tổ chức khác được giao quản lý sử dụng đất nông, lâm nghiệp; đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh đã bàn giao cho các địa phương quản lý và tổ chức sử dụng.

Bên cạnh đó, cũng cần thực hiện phối hợp nhiều giải pháp kỹ thuật công nghệ (đo đạc thực địa, kết hợp với bay chụp, ảnh viễn thám; khai thác tối đa các tài liệu hiện có để chỉnh lý theo hiện trạng; ứng dụng công nghệ thông tin ,..); tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với đất đai của các nông trường, lâm trường, công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng, các tổ chức khác được giao quản lý, sử dụng đất nông, lâm nghiệp; đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh giao lại cho các địa phương quản lý, tổ chức sử dụng kiên quyết xử lý dứt điểm các vi phạm”.

Về đẩy mạnh CCHC và triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg, Bộ trưởng yêu cầu Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành, trình ban hành Kế hoạch triển khai các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cải cách TTHC trong lĩnh vực TN&MT; trong đó cần phân công cụ thể nhiệm vụ cho các đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp và thời gian hoàn thành để các đơn vị triển khai thực hiện. Thủ trưởng các đơn vị trực tiếp chỉ đạo công tác CCHC của đơn vị, phân công trách nhiệm đối với cấp phó và bố trí cán bộ theo dõi, phụ trách công tác CCHC của đơn vị. Chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giải quyết TTHC trong lĩnh vực TN&MT; tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Đối với các Sở TN&MT, Bộ trưởng đề nghị cần đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham mưu cho UBND cấp tỉnh, trước mắt bảo đảm trong năm 2015, phải hoàn thành việc công bố TTHC về đất đai theo quy định của pháp luật về kiểm soát TTHC và kiện toàn xong Văn phòng đăng ký đất đai một cấp, Trung tâm Phát triển quỹ đất một cấp theo quy định của Luật Đất đai và Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết TTHC về TN&MT, tạo bước chuyển mạnh trong nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC tại địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, môi trường nhằm giảm đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến giải quyết TTHC; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật về TN&MT, gắn với thực hiện TTHC trong lĩnh vực TN&MT; tổ chức tiếp nhận, công khai địa chỉ tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin phản ánh của người dân, doanh nghiệp về các trường hợp thực hiện TTHC không đúng quy định pháp luật; xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết TTHC.

Để triển khai tốt các nhiệm vụ nêu trên, “cần có sự phối hợp, tích cực của các Bộ, ngành, địa phương và sự vào cuộc quyết liệt của toàn ngành tài nguyên và môi trường”, Bộ trưởng khẳng định.

* Được biết, chiều cùng ngày Tổng cục Quản đất đai cũng làm việc cụ thể với lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh, thành phố để nghe phản ánh về khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; và việc tổ chức thi hành Luật Đất đai.

* Bộ TN&MT tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính, nhằm củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính, đồng thời trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

(Theo monre.gov.vn)