Dòng sông sẽ suy yếu nghiêm trọng, thậm chí sẽ “chết” đi, nếu nó liên tục bị chích mất nước, giống như một cơ thể con người liên tục bị chích máu.
Ít được nói đến nhưng theo tôi quan trọng không kém và gắn kết với các đập, đó là tình trạng mất rừng trong lưu vực và vấn đề chuyển nước ra khỏi lưu vực.
Cái giá mất rừng
Rừng đầu nguồn bị tàn phá là một mối đe dọa nặng nề đối với dòng sông, nhất là ở vùng nhiệt đới. Ai cũng biết, mất rừng kéo theo xói mòn, rửa trôi mà hậu quả là nâng cao đáy các hồ đập, thay đổi địa mạo của lòng sông, chế độ thủy văn của sông và trong một số trường hợp, cả địa mạo của vùng.
Hồ Tonlé Sap là một ví dụ cụ thể. Do nạn phá rừng quanh hồ này trong những thập niên gần đây, đáy hồ mỗi năm được nâng lên từ 10 đến 12 cm, sức chứa của hồ giảm đi tương ứng. Chức năng trữ và điều tiết của hồ sẽ thay đổi khác với trước đây là điều sẽ xảy ra nếu không ngăn chặn được tình hình mất rừng hiện nay.
Để định lượng cụ thể tình trạng mất rừng, cần tính toán đầy đủ để được 1 MW thủy điện sẽ phải mất bao nhiêu ha rừng cho lòng hồ, cho nhà máy và hạ tầng cơ sở khác, và các hậu quả của sự mất mát này.
Một lãnh đạo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, cho biết chỉ với 25 công trình thủy điện đã và đang được triển khai, tỉnh đã mất hơn 15000ha rừng tự nhiên. Từ đó bài báo đưa ra con số để có 1MW điện phải mất ít nhất 10-16ha rừng tự nhiên [2].
Con số này là bao nhiêu đối với 9 tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng) nơi, theo số liệu của Bộ Công thương, đang có tới 393 dự án thủy điện với tổng công suất lắp máy khoảng 7381MW [3]. Tình trạng lũ lụt ở các tỉnh miền Trung trong những tuần gần đây có nguyên nhân của thời tiết, nhưng chắc chắn có nguyên nhân từ tình hình mất rừng.
Nói gắn kết là vì vậy. Để có đập phải mất rừng. Số đập dày đặc thì sẽ không còn rừng. Lòng hồ bị nâng đáy, công suất giảm so với thiết kế, lượng nước chảy về hồ nhanh gần như tức thì, tần suất xã lũ nhặt hơn, nhà dân và hạ tầng cơ sở bị phá hỏng.
Nếu đập nằm trên vùng bán sơn địa, ngoài mất rừng, còn mất nhiều diện tích đất nông nghiệp và nhiều hộ dân phải tái định cư.
Chuyển nước
Dòng sông sẽ suy yếu nghiêm trọng, thậm chí sẽ “chết” đi, nếu nó liên tục bị chích mất nước, giống như một cơ thể con người liên tục bị chích máu.
Những dự án chuyển nước từ lưu vực của một dòng sông sang lưu vực của một dòng sông khác, và kể cả trong cùng lưu vực, do vậy cần được tính toán, đánh giá các tác động kinh tế, xã hội, môi trường, và cụ thể những thay đổi đối với dòng sông, lưu vực, những mặt được – mất đối với các quốc gia có liên quan khi dòng sông chảy qua nhiều nước.
Từ thập niên 1980 – 1990, Thái Lan đã đề xuất hai dự án chuyển nước: dự án Kok – Ing – Yom – Nan ở vùng Bắc Thái Lan, và dự án Kong – Chi – Mun ở phía Đông Bắc Thái Lan.
Dự án Kok – Ing – Yom – Nan chuyển nước từ hai phụ lưu của sông Mekong, sông Kok và sông Ing, vào sông Yom và sông Nan, hai phụ lưu của sông Chao Praya, nhằm tăng thêm nguồn nước cho đập Sirikit và lượng nước tưới cho miền Trung Thái Lan. Đây là một dự án chuyển lưu vực và sẽ làm thất thoát nguồn nước sông Mekong.
Dự án Kong – Chi – Mun, không chuyển nước ra ngoài lưu vực, mà đưa nước từ sông Mekong vào các hồ chứa hiện có và mới sẽ xây thêm nhằm tưới cho 510000 rai đất nông nghiệp (tương đương 81600 ha) ở vùng Đông Bắc Thái Lan. Lượng nước mất đi và chất lượng nước trả lại cho dòng chính là những mối quan ngại đối với Lào và nhất là Campuchia và Việt Nam.
Chính vì hai dự án này mà Ủy ban lâm thời sông Mekong đã đi vào bế tắc và đã giải thể năm 1992.
Gây lo ngại lớn là dự án đồ sộ chuyển nước Nam – Bắc trên lãnh thổ Trung Quốc với ba tuyến chuyển Đông, Trung và Tây, dự kiến bổ sung 44,8 tỉ m3/năm nước từ sông Trường Giang sang sông Hoàng Hà, sau đó đưa đến Bắc Kinh, Thiên Tân.
Tuyến phía Đông đã được triển khai. Tuyến phía Tây bắt đầu triển khai năm 2010. Còn tuyến phía Tây? và trong 17 tỉ m3/năm từ tuyến này, có chuyển nước từ sông Mekong và sông Salween hay không? Thông tin có được rất ít và không rõ ràng.
Trong quy hoạch ban đầu vào cuối thập niên 1950 dự án định chuyển nước từ năm con sông Nu (Salween), Lancang (Mekong), Tongtian, Yalong, Dadu sang sông Hoàng Hà. Việc chuyển nước như vậy sẽ gây nhiều hậu quả về môi trường và về kinh tế xã hội to lớn cho các nước ở hạ lưu là Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Sau đó phương án này không được công khai nhắc đến có thể vì liên quan đến các nước ở hạ lưu. Tuyến phía Tây được thể hiện rất đơn sơ trong hình dưới đây.
Có bao nhiêu đập đã, đang và sẽ được xây dựng trên sông Lancang (Mekong thượng nguồn)? Theo bản đồ của Ủy hội sông Mekong, có 7. Có tài liệu nói đến con số 14. Theo tài liệu đọc được trên mạng meltdownintibet.com thì số đập trên sông Lancang cao hơn nhiều và hầu hết đều đã và đang được xây dựng.
Có cơ sở để nghĩ rằng các thông tin về các đập trong bản đồ trên đây là xác thực, vì: (1) nó đúng với lô-gíc tích nước để chuyển nước; (2) còn có một bản đồ tiếng Trung trùng hợp với bản đồ này.
Như vậy: (1) thách thức từ các đập thủy điện đối với hạ lưu vực sông Mekong không phải chỉ đến từ 7 con đập. Nó còn sang một cấp độ khác vì nguồn nước có cơ bị thất thoát; (2) vấn đề chuyển nước sông Mekong trong dự án chuyển nước Nam-Bắc của Trung Quốc vẫn là thời sự, và đương nhiên là mối quan ngại hàng đầu đối với các quốc gia ở hạ lưu; (3) số đập và việc chuyển nước Mekong cần được làm sáng tỏ.
Phải chăng sự gần kề giữa sông Lancang và sông Jingsa-Yangtsé cùng lúc với mực nước dâng tích lại từ các đập xây dựng trên sông Lancang đã luôn âm ỉ nuôi dưỡng việc thực hiện ý tưởng chỉ đạo từ ban đầu đưa nước sông Lancang (và sông Nu) vào dự án chuyên nước Bắc Nam?
Sáu đề xuất và kiến nghị
1. Quy hoạch tổng thể phát triển vùng (hay lưu vực sông), các quy hoạch phát triển ngành (nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, du lịch, …) và tiểu vùng (hay quốc gia trong lưu vực) cần phải hài hòa với nhau. Hãy để dòng sông “sống” với vùng (lưu vực), với con người và phục vụ con người.
2. Ngăn chặn nạn phá rừng, nhất là rừng đầu nguồn là một nhiệm vụ bức xúc của các quốc gia trong lưu vực.
3. Lancang-Mekong là một con sông quốc tế. Các dự án chuyển nước phải được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và đầy đủ. Vấn đề xây dựng đập cũng vậy. Các báo cáo tác động môi trường cho toàn bộ lưu vực, trong thời gian dài là bắt buộc. Tốt nhất là đặt trong một quy hoạch tổng thể lưu vực sông.
4. Khai thác tài nguyên nước tại một quốc gia trong lưu vực phải đi đôi với trách nhiệm đối với tất cả các thay đổi trong toàn lưu vực do việc khai thác này gây ra. Quyền lợi của một nước trong lưu vực không thể tách rời quyền lợi của tất cả các nước khác cùng chia sẻ lưu vực.
Hợp tác để cùng phát triển bền vững giữa tất cả các nước trong lưu vực là cách ứng xử đúng đắn nhất.
5. Các số liệu khí tượng thủy văn trong lưu vực sông Lancang – Mekong phải được chia sẻ giữa các nước trong lưu vực. Chế độ vận hành của các đập cũng vậy. Những thông tin này là cần thiết cho việc quản lý các rủi ro trong toàn lưu vực.
6. Ủy ban quốc gia của Việt Nam trong Ủy hội sông Mekong, gắn trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của đất nước, theo nguyên tắc Hợp tác để cùng phát triển bền vững, với nhiệm vụ báo cáo với Chính phủ và qua Chính phủ, báo cáo với Quốc hội, mặt khác thông cho rộng rãi các nhà khoa học các thông tin liên quan đến tài nguyên nước và việc sử dụng nó trong lưu vực sông Mekong, để được thêm sư hậu thuẩn cho tiếng nói của mình tại diễn đàn quốc tế.
|
(Theo GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Trân)