Quy hoạch thuỷ lợi, thuỷ điện miền Trung: Ý nghĩa lớn, đầu tư nhỏ

tt916Quy hoạch, khai thác, quản lý nguồn tài nguyên nước trên hệ thống lưu vực sông suối miền Trung lâu nay rơi vào thực trạng mạnh ai nấy làm.

Chưa có cơ quan quản lý về lưu vực, quy hoạch không được chú trọng, chỉ mang tính đối phó, xây dựng theo kiểu có lợi cho riêng ngành, doanh nghiệp, địa phương riêng lẻ… Những bất cập này được các nhà khoa học nêu ra tại Hội thảo “Phản biện quy hoạch thuỷ lợi, thuỷ điện miền Trung” do Hội Tưới tiêu – thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật VN tổ chức tại Đà Nẵng sáng 8.9.

Quy hoạch lách luật

Theo nghiên cứu quy hoạch hệ thống hồ thuỷ lợi, thuỷ điện của miền Trung của Liên hiệp các Hội KHKT VN, hiện tại các tỉnh miền Trung có hơn 6.000 công trình hồ chứa, đập dâng lớn nhỏ, 22 nhà máy thuỷ điện có công suất từ 20 – 220MW, chủ yếu là trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và sông Ba. Tuy nhiên việc quy hoạch thuỷ lợi, thuỷ điện còn nhiều tồn tại. Đó là quy hoạch còn vì lợi nhuận mà tính toán có lợi cho riêng từng ngành, ít có sự phối hợp chia sẻ thông tin, việc đánh giá môi trường chiến lược trong các dự án thiết kế chưa được chú trọng, thiếu sự phối hợp giữa đơn vị lập quy hoạch với địa phương.

Trong khi đó, các công trình thuỷ lợi ít được duy tu bảo dưỡng, nhiều công trình xây dựng trước năm 1975 không phù hợp với nhu cầu hiện tại, các công trình chống lũ chưa đảm bảo tiêu chuẩn thiết kế. Quy trình vận hành các hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện khu vực miền Trung còn nhiều tồn tại. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều thiệt hại cho vùng hạ du trong mùa mưa bão. Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam đề xuất Chính phủ rà soát lại quy hoạch thuỷ lợi thuỷ điện, sớm thành lập tổ chức quản lý tài nguyên nước…

Theo kỹ sư Huỳnh Vạn Thắng – Phó GĐ Sở NNPTNT TP.Đà Nẵng: “Quy hoạch hệ thống thuỷ lợi thuỷ điện tại miền Trung nói riêng và cả nước nói chung xưa nay mang tính đối phó, thậm chí là lừa đảo. Bởi việc xây dựng báo cáo quy hoạch chỉ tính toán về lợi ích kinh tế, lợi nhuận của DN mà không tính đến lợi ích tổng thể. Các báo cáo tác động môi trường giả tạo theo kiểu lập 1 đường, thực hiện 1 nẻo”. Ông Thắng ví von: “Các quy hoạch hệ thống thuỷ điện bậc thang ở sông Vu Gia – Thu Bồn giống như kiểu quy hoạch các khu đô thị lớn hiện nay. Lúc đầu, trương bảng là xây dựng công viên, tượng đài… sau đấy lại “lén” phân lô, bán nền”.

Thuỷ điện nhỏ, gây hại lớn

Theo TS Đỗ  Nam – Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh TT-Huế – hầu hết các thuỷ điện, thuỷ lợi lớn có sự đầu tư, giám sát và trách nhiệm liên bộ, do Thủ tướng phê duyệt nên quy hoạch tương đối đạt. Song chính các thuỷ lợi, thuỷ điện nhỏ do sự phân cấp phê duyệt về cấp tỉnh, thậm chí huyện nên quy hoạch gần như đối phó, vô trách nhiệm. Chính vì thế, hệ thống thuỷ điện, thuỷ lợi vừa và nhỏ là gây hại nhiều nhất.

Thực tế đáng lo ngại là hệ thống thuỷ điện nhỏ lại rất nhiều ở các địa phương hiện nay. Tại hội thảo, các đại biểu cũng đề nghị Quốc hội nên xem xét, sửa đổi cụm từ “thuỷ điện” phải tương đương thuỷ lợi – tức khai thác nguồn lợi từ nước để Luật Tài nguyên nước điều chỉnh. Chính vì đứng ngoài điều chỉnh của Luật Tài nguyên nên mới xảy ra việc các nhà đầu tư thuỷ điện tuỳ tiện chuyển đổi lưu vực sông như thuỷ điện Đắk Mi 4 (chuyển từ thượng nguồn Vu Gia sang Thu Bồn); thuỷ điện sông Ba chuyển từ sông Ba sang sông Kôn… gây thảm hoạ môi trường cho hạ du mà không bị xử lý.

Cũng chính vì không có cơ quan quản lý tài nguyên nước, quản lý lưu vực nên việc quy hoạch bị chia nhỏ, manh mún, thiếu thông tin và sự liên kết liên ngành. Cụ thể như xây dựng giao thông, làm thuỷ điện, thuỷ lợi, mạnh ai nấy quy hoạch theo kiểu có lợi cho riêng ngành mình. Đây chính là một trong những nguyên nhân lớn làm cho tình hình thiệt hại lũ lụt ở miền Trung thêm khốc liệt trong những năm gần đây.

 
 

 

 

(Theo Thanh Hải – laodong.com.vn)