Hàng trăm hộ dân sống dọc tuyến sông Đồng Nai – sông Sài Gòn thuộc địa phận quận 9, huyện Nhà Bè, Cần Giờ… mấy tháng nay rất khổ sở vì không có nước ngọt sinh hoạt. Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn người dân ở đây lấy nước từ sông Đồng Nai – sông Sài Gòn lên sử dụng cho việc giặt quần áo, rửa chén… còn nước uống và nấu nướng phải đi mua với giá rất cao. Hiện nay sông Đồng Nai – Sông Sài Gòn nhiễm mặn rất nặng, nguồn nước không sử dụng được nên cuộc sống người dân nơi đây đang bị xáo trộn. Việc xâm mặn cũng ảnh hưởng đến nước giếng khoan. Người dân cho biết, nước giếng cũng không sử dụng được. Lúc thì nhiễm phèn, lúc thì quá mặn. Ông Tô Văn Tài, tổ trưởng tổ 10 khu phố Ngân Ngoài, phường Long Phước, quận 9 than: “Nước sông và nước giếng không sử dụng được nên chúng tôi phải bỏ tiền ra mua nước máy với giá rất cao – 100.000đ đến 120.000đ/m3. Có hộ mỗi ngày tốn hàng trăm nghìn tiền mua nước”. Lý giải việc dân ở đây không nước sinh hoạt, bà Cao Thùy Nhịn, Phó Chủ tịch UBND phường Long Phước cho biết: “Hiện toàn phường có trên 600 hộ dân vẫn chưa có nước máy sinh hoạt. Phần lớn các hộ dùng nước sông, giếng. UBND phường đã kiến nghị lên quận và Công ty Cấp nước Thủ Đức cũng đã nhiều lần xuống khảo sát nhưng đến nay vẫn “bặt vô âm tín””.
Tình trạng thiếu nước sạch vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi. Như tại khu vực cầu Rạch Tôm (huyện Nhà Bè), bà con rất vất vả với việc sáng sớm còng lưng đẩy xe đi mua nước. Anh Nguyễn Nam Hải (tại đây) bức xúc: “Nhà tôi có vô đồng hồ nước nhưng không hiểu sao mấy ngày qua nước rất yếu, thậm chí không có, chúng tôi phải thức thật sớm để hứng nước. Ngày nào nước không có chúng tôi phải thuê xe chở bồn đi mua nước, mất thời gian và rất tốn kém…”.
MẶN TẤN CÔNG
Theo Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn, tình hình xâm nhập mặn trên sông Đồng Nai và sông Sài Gòn đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng tăng cao trong mùa khô năm 2011. Hiện nay, tại trạm bơm nước thô Nhà máy nước BOT Bình An, độ mặn > 250mg/l chiếm khoảng 50% thời gian trong ngày, có những thời điểm trong ngày độ mặn đạt tới mức 1.000mg/l, vượt quá tiêu chuẩn cho phép và vượt quá khả năng xử lý của Nhà máy nước BOT Bình An. Vì vậy, nhiều thời điểm nhà máy nước BOT Bình An buộc phải tạm thời ngưng hoạt động khi độ mặn nước sông tăng quá cao. Do công nghệ hiện tại của nhà máy nước BOT Bình An không có khả năng xử lý độ mặn.
Theo thạc sĩ Nguyễn Minh Giám – Phó giám đốc Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, hiện nay mặn cũng đã “tấn công” sâu vào đất liền. Trong tháng 3-2011, kết quả đo trên sông Đồng Nai (đoạn tại Cát Lái cách biển 58km), độ mặn lên đến 10,7 phần nghìn (trong khi mức cho phép chỉ 0,4 phần nghìn); trên sông Sài Gòn, đo tại trạm Phú An là 8,0 phần nghìn… Xâm nhập mặn lấn sâu vào đất liền tăng khả năng thiếu nước sạch cho sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp. Theo Đài khí tượng Thủy văn khu vực dự kiến, giữa tháng 4-2011 là cao điểm của mùa khô, độ mặn sẽ tiếp tục tăng. Nguyên nhân mặn về sớm và sâu là do lưu lượng nước thượng nguồn sông Mê Kông và đầu nguồn sông Cửu Long về ít, gió mùa đông bắc phát triển mạnh. Còn nguyên nhân độ mặn nước sông Đồng Nai và sông Sài Gòn tăng cao là do triều cường và mực nước của hồ Dầu Tiếng, Thủy điện Trị An suy giảm mạnh. Cao trình tích nước của hồ Thủy điện Trị An có điểm là 53m so với cùng kỳ năm 2010 là 58,8m – giảm đi khoảng 2,2 tỷ m3 nước. Do đó, Công ty Thủy điện Trị An phải giảm lưu lượng nước xả (lưu lượng xả tối đa là 170m3/s, và hiện tại là 130m3/s) để đảm bảo lượng nước xả trong suốt mùa khô năm 2011, vì vậy lượng nước xả từ hồ Trị An không đủ lớn để đẩy lùi lưỡi mặn do thủy triều đẩy lên. Theo báo cáo của Công ty Thủy điện Trị An, mực nước xả dự kiến trong mùa khô năm 2011 của công ty sẽ giảm hơn so với lượng nước xả của các năm trước khoảng 50 – 100m3/s. Riêng hồ Dầu Tiếng, theo ông Vũ Đức Hùng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa, tính đến 16 giờ ngày 29-3, mực nước trong hồ là 19,29m, cách mực nước chết (17m). Trong khi đó phải đảm bảo việc tưới tiêu hoa màu, vì thế việc xả nước đẩy mặn sẽ hết sức tiết kiệm. Trước đó, đơn vị này cũng đã xả 6 đợt với gần 4 triệu mét khối nước giúp Nhà máy Nước Tân Hiệp không phải ngừng bơm nước quá lâu do độ mặn vượt ngưỡng đến mức báo động hồi giữa tháng 3.
Bên cạnh diễn biến phức tạp của độ mặn nước sông tại các điểm thu nước Hóa An và Hòa Phú thì sự biến đổi chất lượng nước là rõ rệt, ngày càng ô nhiễm.
Theo Tổng công ty cấp nước Sài Gòn, trong những tháng mùa khô sắp tới khi độ mặn, ô nhiễm tại các trạm bơm nước thô tiếp tục tăng cao, ngoài khả năng đáp ứng xả nước đẩy mặn của các hồ, các nhà máy nước sẽ giảm sản lượng vài giờ trong ngày để đảm bảo chất lượng nước ra đạt tiêu chuẩn về chất lượng nước theo quy chuẩn của Việt Nam QCVN 01: 2009/BYT. Đó là biện pháp trước mắt. Về biện pháp lâu dài, để đánh giá đầy đủ và có khả năng dự báo mức độ tác động do nhiễm mặn hay ô nhiễm từ nguồn dân cư, nước thải công nghiệp và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn đang phối hợp cùng với các viện nghiên cứu, các tổ chức hỗ trợ chuyên ngành xây dựng các chương trình về bảo vệ chất lượng nước nguồn và hệ thống công trình xử lý nước. Nghiên cứu sử dụng các công nghệ mới, có khả năng áp dụng vào quy trình xử lý hiện hữu như sử dụng chất Oxy hóa mạnh hơn: O3, KMnO4, tia UV… để loại bỏ các chất ô nhiễm đến giới hạn cho phép. Nghiên cứu ứng dụng hiệu quả công nghệ xử lý nước mặn…
(Theo DANH NGỌC HIẾU – congan.com.vn)