Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) vừa công bố, sự thiếu hụt nước vốn đã rất nghiêm trọng ở nhiều nước sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng, bởi dân số trái đất sẽ tăng từ 7 tỷ người năm 2011 lên tới ít nhất 9 tỷ người vào năm 2050.
Điều đáng nói là trong bối cảnh nghèo… nước thì việc sử dụng nguồn tài nguyên cơ bản vẫn đang được “cho không, biếu không” này lại vẫn rất lãng phí. Trong khi không thể không sử dụng một lượng lớn nước cho thủy điện, thì một lượng lớn nước khác cũng lại không thể không sử dụng phục vụ canh tác nông nghiệp. Cái vòng luẩn quẩn nảy sinh từ đây: việc dùng nước trong sản xuất điện cũng như làm mát các nhà máy nhiệt điện và điện hạt nhân (nếu có) đang khiến nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và tiêu thụ ở các đô thị bị ảnh hưởng. Ngược lại, nhu cầu nước cho lĩnh vực nông nghiệp có thể cũng ảnh hưởng đến nguồn cung điện. Năm 2008, trên 2,2 tỷ m³ nước từ 3 nhà máy thủy điện lớn ở Việt Nam đã được chuyển sang cho sản xuất nông nghiệp, gây thiếu hụt 430 triệu KWh điện.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng làm gia tăng sự khan hiếm nước, do mô hình và cường độ mưa thay đổi. Riêng ở châu Phi, sản lượng nông nghiệp vào cuối thế kỷ này có thể giảm từ 15%-30%. Càng tập trung nâng cao sản lượng và sử dụng đất ngày càng nhiều cho nông nghiệp, nguồn nước ngọt trên mặt đất và hệ sinh thái ven biển càng bị hủy diệt nhanh chóng!
Nhìn thấy trước thảm họa này, nhiều giải pháp đã được các nhà khoa học đưa ra. Theo đó, cây trồng nên được lựa chọn phù hợp hơn với lượng mưa khan hiếm hoặc thất thường, kỹ thuật tưới tiêu tốt hơn sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng nước và tăng cường hồ chứa nước ở các quốc gia có khí hậu nóng giúp nông dân sử dụng trong thời gian không có mưa… Chính phủ, nông dân, cư dân đô thị và các chuyên gia phải liên kết với nhau để xem xét cân bằng nhu cầu sử dụng nước cho nhiều mục đích khác nhau với bảo vệ môi trường.
Tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, công tác quản lý tài nguyên nước trong tình hình mới sẽ được đẩy mạnh theo hướng làm thay đổi nhận thức xã hội về tài nguyên nước, tiến tới áp dụng triệt để và công bằng nguyên tắc sử dụng nước phải trả tiền. Đồng thời, cần chú trọng việc trồng rừng, bảo vệ rừng, tái tạo nguồn nước. Ông cũng đã đồng ý với kiến nghị thành lập Viện Nghiên cứu khoa học tài nguyên nước và nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế nhằm điều tiết nguồn nước xuyên biên giới, vận hành hồ chứa, công trình thủy điện.
Nguy cơ khát nước của nhân loại đã và đang trở thành một thách thức ngày càng lớn. Cơn khát ấy chỉ có thể giải được bằng nỗ lực chung quyết liệt và bền bỉ không của riêng ai…
(Theo Anh Thư – sggp.org.vn)