Theo báo cáo của Đoàn khảo sát trữ lượng nước của Bộ Tài nguyên & Môi trường trên địa bàn tỉnh mới đây cho thấy, mực nước ngầm qua khảo sát tại huyện Đắk Mil, Đắk Song và Chư Jút đang suy giảm nghiêm trọng, tầng nước ngầm giảm từ 3- 5m so với trước đây.
Cụ thể, tại các huyện Đắk Mil và Chư Jút từ những năm 2006 trở về trước có thể khai thác tối đa 0,6 triệu m3/ ngày, nhưng nay chỉ còn chưa đầy 0,4 triệu m3/ngày. Như vậy, trong vòng chưa đầy 6 năm, nhưng mực nước ngầm suy giảm xuống dưới 1/3 so với trước. Cũng theo nhận định của đoàn khảo sát thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do khí hậu biến đổi khiến mùa khô kéo dài, rút ngắn mùa mưa nên lượng nước bổ sung cho nguồn nước ngầm càng ít đi. Đồng thời, diện tích rừng tại địa bàn ngày càng bị thu hẹp, lớp phủ bề mặt của đất cũng giảm, cộng với việc ồ ạt tăng nhanh diện tích các loại cây trồng cần nhiều nước tưới như cây cà phê, hồ tiêu… nên xảy ra tình trạng khai thác nguồn nước ngầm quá mức. Trong khi đó, việc khoan giếng khai thác nước ngầm tại các hộ cá thể để lấy nước sinh hoạt và sản xuất cũng diễn ra tràn lan, không tuân thủ các quy định về thủ tục cấp giấy phép khoan thăm dò, khai thác sử dụng nước; bất cứ hộ cá thể nào có điều kiện tài chính đều có thể thuê máy khoan giếng để khai thác sử dụng. Ở những vùng có tầng nước mặt khan hiếm, khó khăn trong việc đào giếng bằng thủ công như ở Gia Nghĩa, Đắk Glong, Đắk Song, Đắk Mil, Chư Jút… thì việc khoan giếng khai thác nước ngầm trở nên phổ biến. Do việc khai thác thăm dò nước ngầm của các hộ cá thể không thông qua tư vấn, hướng dẫn của các đơn vị, cơ quan chuyên môn nên có rất nhiều giếng đã khoan sâu hàng trăm mét, nhưng vẫn không tìm thấy nguồn nước hoặc có nước, nhưng nguồn nước bị nhiễm phèn… Ông Trần Thanh Tựu ở thôn 8, xã Đắk Nia cho biết: “Vào mùa khô thì có nhiều hộ dân ở thôn 8 phải mua 70.000-80.000 đồng/1 khối nước nên bà con đã chung vốn thuê người khoan giếng, nhưng khoan sâu đến 90-120 m vẫn không tìm thấy nước. Do đó, bà con đã tiến hành khoan nhiều nơi khác nhau, nhưng mũi khoan chạm đến đâu cũng gặp đá nên đành chịu thua”. Việc các giếng khoan không gặp nước, nhưng người dân vẫn không có biện pháp xử lí bít lấp đúng cách, hoặc lấp qua loa khiến cho nguồn nước nhiễm bẩn hoặc làm thủng túi nước ngầm, gây tụt nguồn nước… Vì vậy, mức độ ô nhiễm về lâu dài chưa thể lường trước và vấn đề bảo vệ tầng nước ngầm đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.
Thực tế cho thấy, những tác động do suy thoái môi trường, khai thác không tuân thủ quy định đã khiến cho nguồn tài nguyên nước đang bị suy giảm mạnh, nguy cơ suy kiệt nguồn nước ngầm có thể xảy ra trong tương lai không xa. Trước tình hình trên, các cấp, ngành chuyên môn cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp trước mắt và lâu dài để bảo vệ mực nước ngầm như khuyến cáo người dân tiết kiệm khi sử dụng nước, chuyển đổi diện tích cây cà phê kém hiệu quả sang trồng cây có nhu cầu nước tưới ít hơn và đẩy mạnh việc trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc, bảo vệ vững chắc diện tích rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ… Đồng thời, các ngành, địa phương cũng chủ động hơn trong việc quy hoạch, khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm hợp lý, ưu tiên phục vụ cho nhu cầu dân sinh trên địa bàn.
Ngoài ra, để bảo vệ nguồn nước ngầm lâu dài, trước mắt phải có kế hoạch trồng rừng, tiến hành trồng mới diện tích đất rừng bị xâm hại nhằm duy trì độ che phủ rừng. Các ngành chức năng cần phải có biện pháp hiệu quả trong việc quản lý, chấn chỉnh các hoạt động khai thác sử dụng nước ngầm tại các khu dân cư, ở những khu vực nương rẫy… nhằm góp phần định hướng các hoạt động khai thác, sử dụng nước ngầm đi vào quy củ nhằm nâng cao chất lượng nước, đảm bảo sức khỏe cho mỗi gia đình, cộng đồng dân cư và tích cực bảo vệ nguồn tài nguyên nước ngầm trước những dự báo về nguy cơ suy kiệt hiện tại và về lâu dài.
(Theo Văn Tâm – baodaknong.org.vn)