“Nếu hỗ trợ nông dân bị thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua theo đề nghị của Hội Nông dân Lâm Đồng sẽ tạo tiền lệ không tốt”, ông Nguyễn Trọng Oánh, Giám đốc Công ty Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi phát biểu tại cuộc họp vừa diễn ra giữa UBND tỉnh Lâm Đồng với các địa phương, ban ngành trong tỉnh, các Ban Quản lý thủy điện trên địa bàn để tìm giải pháp hợp lý trong vận hành các công trình thủy điện, tránh gây thiệt hại cho nông dân.
Ông Oánh cũng cho rằng đây là điều “phải hết sức cân nhắc và cần phải có ý kiến chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam”.
Thiệt hại là có thật
Theo báo cáo mới nhất của UBND huyện Đơn Dương, từ 31.10 đến 5.11, hồ thủy điện Đa Nhim đã thực hiện xả lũ với lưu lượng 504m3/giây, trong khi dòng thoát lũ phía hạ du bị bồi lắng và thu hẹp do cây mai dương phát triển dày đặc cản trở dòng chảy nên đã gây ngập trên 375ha rau màu của nông dân và làm hư hại nhiều công trình cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi trên địa bàn huyện Đơn Dương. Ước tổng thiệt hại trên 23 tỷ đồng, trong đó rau màu của nông dân bị thiệt hại lên đến trên 18 tỷ đồng.
Tại cuộc họp, ông Lý Văn Kiệt, Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương, nói: “Thiệt hại của nông dân trong đợt lũ vừa qua là có thật. Chúng tôi đề nghị Công ty Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi chia sẻ, hỗ trợ phần nào thiệt hại để nông dân phía hạ du sông Đa Nhim có điều kiện tái đầu tư vụ đông xuân tới”.
Về phía Hội Nông dân Lâm Đồng, đơn vị trước đó đã có văn bản gửi Công ty Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi kiến nghị hỗ trợ thiệt hại cho nông dân phía hạ du vì bị hư hại hoa màu do Thủy điện Đa Nhim xả lũ gây ra vẫn giữ quan điểm của mình. Tại cuộc họp, ông Đinh Công Lý, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng khẳng định: “Chúng tôi kiến nghị Công ty Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi hỗ trợ thiệt hại cho nông dân. Còn có hỗ trợ hay không là tùy phía doanh nghiệp”.
Ảnh minh họa
Phủ nhận việc xả lũ gây thiệt hại
Ông Nguyễn Trọng Oánh, Giám đốc Công ty Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi (đơn vị quản lý thủy điện Đa Nhim) vẫn tái khằng định: “Việc nông dân vùng hạ du hồ Đa Nhim bị ngập, thiệt hại hoa màu trong đợt lũ vừa qua nguyên nhân không phải do thủy điện Đa Nhim xả lũ. Thủy điện luôn thực hiện xả lũ theo đúng quy trình được duyệt”.
Thậm chí ông Oánh nói: “Chúng tôi đã góp phần cắt lũ trong đợt mưa lũ vừa qua, nếu không nhờ có hồ Thủy điện Đa Nhim chắc chắn mức độ thiệt hại sẽ còn hơn thế gấp nhiều lần”.
Riêng việc đề nghị hỗ trợ thiệt hại cho nông dân, ông Nguyễn Trọng Oánh nhấn mạnh: “Hỗ trợ cho nông dân bị thiệt hại lẽ ra là điều nên làm nhưng nếu hỗ trợ theo đề nghị của Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng thì chúng tôi phải cân nhắc. Bởi nếu thực hiện việc hỗ trợ theo đề nghị này sẽ tạo tiền lệ không chỉ đối với người dân ở lưu vực hạ du hồ Đa Nhim mà còn nhiều khu vực khác trong cả nước”.
Không còn phù hợp thực tế
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hoàng Sỹ Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lâm Đồng nhận định: “Thiết kế của hồ Thủy điện Đa Nhim đã không còn phù hợp với điều kiện thực tế. Cụ thể là công trình này không có chức năng điều tiết nước vào mùa khô đã khiến lưu vực vùng hạ du bị khô hạn nghiêm trọng. Ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế của người dân trên địa bàn”.
Riêng việc nông dân bị thiệt hại nặng nề vừa qua, ông Sơn nói: “Việc nông dân bị thiệt hại hoa màu phía hạ du hồ Đa Nhim vừa qua nếu phía Công ty Thủy điện tự mình có động thái hỗ trợ thì chúng tôi sẽ rất hoan nghênh”.
“UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã trích số tiền 700 triệu đồng từ quỹ dự phòng của địa phương để hỗ trợ cho nông dân hai huyện Đơn Dương, Đức Trọng bị thiệt hại trong đợt lũ vừa qua”, Ông Sơn cho biết.
Tuy nhiên, ông Hoàng Sỹ Sơn đã thẳng thắn đề nghị: “Công ty Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi cần phải nghiêm túc xem xét, tiến tới điều chỉnh công năng hoạt động của hồ Đa Nhim là phải thực hiện chức năng xả nước vào mùa khô để nông dân phía hạ du có điều kiện canh tác. Không thể để sự hạn chế này tồn tại mãi được”.
Ông Hoàng Sỹ Sơn cũng yêu cầu trong thời gian tới, các công trình thủy điện trên địa bàn, trong đó có công trình thủy điện Đa Nhim phải thực hiện nghiêm túc và đúng quy trình điều tiết nước cả mùa mưa lẫn mùa khô. Ông Sơn kiên quyết nói: “Dù có thiếu nước để phát điện cũng buộc phải thực hiện việc xả nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương. Nếu đơn vị nào thực hiện sai quy trình, gây thiệt hại tài sản của nhà nước và nhân dân thì đơn vị đó phải thực hiện việc bồi thường, thậm chí nếu cần thiết sẽ truy tố trách nhiệm hình sự ”.
(Theo Monre.gov.vn)