Mặc dù chưa có trạm quan trắc để đánh giá cụ thể mức độ suy giảm mực nước ngầm trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Lắk, nhưng về tổng quan có thể thấy mực nước ngầm tại các vùng chuyên canh cà phê, vùng khai thác nước sinh hoạt tập trung, mực nước ngầm đang suy giảm nghiêm trọng.
Dân tăng, nước giảm
Việc khai thác nguồn nước ngầm hiện nay chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất công nghiệp, sinh hoạt, tưới cây công nghiệp…Tình trạng khai thác nước ngầm đã và đang có những biểu hiện suy thoái cả chất và lượng khá rõ, thậm chí một số nơi ở mức báo động. TP. Buôn Ma Thuột với 27 lỗ khoan, 3 điểm lộ thiên được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1995 để cung cấp nước cho toàn thành phố. Trong vòng 10 năm đầu, mức nước rất dồi dào, khai thác được 52,000 m3/ngày. Thế nhưng, đến nay mức nước khai thác đã suy giảm nhanh chóng, chỉ còn 37,876 m3/ngày. Mức độ suy giảm về lưu lượng qua các năm từ khi xây dựng cho đến nay ở các cụm giếng khoan còn 19,412/25,000 m3/ngày, giảm 22,4%. Tại các điểm lộ thiên còn 10,264/27,000 m3/ngày, giảm 62%. Các vùng Thắng Lợi, Hòa Thắng, Hòa Thuận, Tân An mức nước suy giảm từ 7 – 11m. Hiện nay, TP. Buôn Ma Thuột khai thác khoảng gần 11.680.000m3/năm, đó là chưa tính một lượng nước khá lớn khai thác nhỏ lẻ rải rác khắp trên địa bàn thành phố chưa thống kê được. Theo chiều hướng phát triển hiện nay thì dân số TP. Buôn Ma Thuột vào năm 2020 tăng lên đến 50 vạn người, theo đó nhu cầu về nước sinh hoạt sẽ là 65.000 m3/ngày. Trong khi đó, lượng nước khai thác sử dụng hiện tại trên toàn tỉnh đã lên tới trên 50.000 m3/ngày.
Không riêng gì TP. Buôn Ma Thuột mà ngay cả các huyện, hiện tượng mực nước suy giảm cũng gióng lên hồi chuông báo động. Năm 1999, khu vực Krông Pắk có 1 điểm lộ thiên được xây dựng công suất khai thác theo thiết kế là 2,000 m3/ngày nhưng nay chỉ còn khai thác được 1,300 m3/ngày, giảm 35%. Khu vực Ea Kar có 1 giếng đào được xây dựng năm 2000 và 1 lỗ khoan xây dựng năm 2004 với công suất khai thác theo thiết kế là 700 m3/ngày, giờ cũng chỉ khai thác được một nửa. Ở vùng này mực nước tĩnh của giếng khoan từ khi xây dựng là 8m nhưng đến nay đã lên đến 22m. Ngay cả khu vực Cư Mgar có 10 giếng khoan xây dựng từ năm 2000-2008 với công suất khai thác theo thiết kế 2,500 m3/ngày đêm. Vậy mà hiện nay cũng chỉ còn khai thác được 1,300 m3/ngày.
Không sớm quy hoạch, nước sẽ cạn
Ông Lê Ngọc Đỉnh, Đoàn trưởng Đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước 704 thuộc Liên đoàn Quy hoạch Điều tra Tài nguyên Nước miền Trung cho biết, việc khai thác tài nguyên nước ngầm trên địa bàn tỉnh đã vượt mức an toàn. Thông số đánh giá việc khai thác, sử dụng nước ngầm ở mức cho phép trên địa bàn Đắk Lắk đưa ra từ những năm 2000 là khoảng 4 – 4,2 triệu m3/ngày, nay đã tăng lên rất nhiều. Nhất là vào mùa khô, lượng nước không còn đủ cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt của người dân nên mấy năm trở lại đây buộc phải cắt nước luân phiên. Lý giải việc nước ngầm ngày một suy giảm, ông Đỉnh cho rằng: “Công tác quản lý khai thác nước rất khó khăn bởi nhu cầu sử dụng nước của người dân ngày một lớn, nhất là để phục vụ tưới cà phê. Bên cạnh đó, ngoài lượng mưa hàng năm có xu hướng ít đi, do mùa khô kéo dài, thì tình trạng mất rừng đã làm cho mực nước ngầm tụt giảm trung bình từ 3 đến 5m, có nơi 7 đến 8m”.
Việc ngăn chặn để nước ngầm không suy giảm với tốc độ nhanh như hiện nay đang trở thành bài toán khó. Bởi theo ông Đỉnh, muốn quản lý được nguồn nước phải điều tra, đánh giá được hiện trạng, phải thực hiện quy hoạch cụ thể. Đoàn cũng đã đề xuất với tỉnh nhưng do nguồn vốn còn khó khăn nên chưa thể thực hiện. “Vào năm 2006, đã có đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” trong đó có TP. Buôn Ma Thuột, tháng 2 vừa rồi Thủ tướng Chính phủ đã ký duyệt và bắt đầu triển khai. Tuy nhiên, muốn không cạn kiệt nguồn nước ngầm, không chỉ có các cơ quan chức năng vào cuộc mà quan trọng là người dân phải nâng cao ý thức trong việc sử dụng nguồn tài nguyên này”, ông Đỉnh nhấn mạnh.
Đắk Lắk là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất cả nước (hơn 190.000ha), dân số đông (hơn 1.800.000 người) nên nhu cầu sử dụng nước tưới và nước sinh hoạt là vô cùng lớn.
(Theo monre.gov.vn)