Ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang trong mùa lũ hàng năm: Góp phần giảm lũ cho hạ du và đảm bảo hiệu quả phát điện

Hồ chứa nước Thủy điện Hòa Bình
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 198/QĐ-TTg về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang trong mùa lũ hàng năm, đảm bảo an toàn công trình, chống lũ cho hạ du và hiệu quả phát điện. 

Theo đó, phải đảm bảo an toàn cho đồng bằng Bắc Bộ với các trận lũ tại Sơn Tây có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 300 năm, giữ mực nước sông Hồng tại Hà Nội không vượt quá cao trình 13,1 m; đảm bảo an toàn cho Thủ đô Hà Nội với các trận lũ tại Sơn Tây có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 500 năm, giữ mực nước sông Hồng tại Hà Nội không vượt quá cao trình 13,4m.

Ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho biết: Lệnh vận hành các hồ Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà điều tiết lũ nếu trái với các quy định trong Quy trình này, dẫn đến công trình đầu mối, hệ thống các công trình đê điều, thủy lợi, giao thông và dân sinh ở hạ du bị mất an toàn thì người ra lệnh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trong thời gian làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn chống lũ, việc vận hành các công trình xả đáy và xả mặt phải thực hiện theo quy trình vận hành công trình xả, nhằm đảm bảo ổn định cho hệ thống công trình đầu mối.

Để tránh thiệt hại đến công trình đầu mối, công trình đê điều, phương tiện giao thông thủy, sạt lở bờ sông và ảnh hưởng sản xuất của nhân dân ở hạ du, quy định việc vận hành xả lũ các hồ như sau: hồ Hòa Bình đóng, mở lần lượt 6 cửa xả đáy đầu tiên, mỗi cửa cách nhau 6 giờ, các cửa tiếp theo có thể đóng, mở nhanh hơn; hồ Tuyên Quang đóng, mở lần lượt 4 cửa xả đáy đầu tiên, mỗi cửa cách nhau 6 giờ, các cửa tiếp theo có thể đóng, mở nhanh hơn. Đối với thời kỳ xả hiệu chỉnh vào cuối mùa lũ, cho phép thời gian đóng, mở cửa xả đáy cuối cùng nhanh hơn, tùy theo lưu lượng nước đến hồ. Khi xả lũ đảm bảo an toàn công trình, được phép đóng, mở cấp tốc các cửa xả, thời gian đóng mở các cửa xả thực hiện theo quy định thao tác của thiết bị.

Cũng theo Quy trình này, các chỉ tiêu kỹ thuật cơ bản của hệ thống từng hồ chứa được quy định cụ  thể. Đối với hồ Sơn La: Cao trình mực nước dâng bình thường là 215 m và cao trình mực nước dâng gia cường là 217,83 m. Hồ Hòa Bình: Cao trình mực nước dâng bình thường là 117 m và cao trình mực nước dâng gia cường là 122 m. Hồ Tuyên Quang: Cao trình mực nước dâng bình thường là 120 m và cao trình mực nước dâng gia cường là 122,55 m. Hồ Thác Bà: Cao trình mực nước dâng bình thường là 58 m và cao trình mực nước dâng gia cường là 61 m.

Khi xuất hiện lũ lớn ngoài thời gian quy định nêu trên, việc vận hành các hồ Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang thực hiện theo sự chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương.

Quyết định cũng quy định rõ về cách thức vận hành liên hồ trong thời kỳ lũ sớm, thời kỳ lũ chính vụ, thời kỳ lũ muộn và việc vận hành đảm bảo an toàn công trình.

Ngoài ra, khi các hồ Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang đã sử dụng hết khả năng cắt lũ mà mực nước sông Hồng tại Hà Nội vẫn tiếp tục lên nhanh, hoặc xảy ra các trường hợp bất thường ngoài dự kiến đe doạ đến hạ du, thì Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

 

3 thời kỳ vận hành trong mùa lũ được quy định cụ thể trong Quyết định như sau: 

           Thời kỳ lũ sớm: từ 15/6 đến 19/7 

           Thời kỳ lũ chính vụ (từ 20/7 đến 21/8) 

           Thời kỳ lũ muộn (từ 22/8 đến 15/9).

 

 

(Theo Monre.gov.vn)