Bản tin thông báo, dự báo và cảnh báo tài nguyên nước tỉnh Quảng Nam được biên
soạn hàng tháng, mùa, năm nhằm cung cấp các thông tin về số lượng, chất lượng nước, đồng thời dự báo tổng lượng nước đến, lượng nước có thể khai thác sử dụng tại các tiểu vùng dự báo và đưa ra những cảnh báo về tài nguyên nước nhằm phục vụ công tác quản lý Nhà nước, công tác điều tra cơ bản và quy hoạch tài nguyên nước.
Quảng Nam là một tỉnh thuộc lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn có diện tích tự nhiên là 10.438km2. Trong phạm vi tỉnh hiện nay có 23 công trình quan trắc tài nguyên nước dưới đất và 01 trạm quan trắc tài nguyên nước mặt Phú Ninh được Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia quản lý và vận hành.
– Đối với tài nguyên nước mặt: Tổng lượng mưa năm bình quân từ 2.000 – 3.500mm, trong đó lượng mưa mùa mưa chiếm khoảng 75% tổng lượng mưa cả năm; mùa khô lượng mưa chiếm 25% tổng lượng mưa năm. Tổng lượng dòng chảy trung bình toàn tỉnh khoảng 24 tỉ m3/năm, tương ứng với Q0 =760m3/s và M0 = 73,4l/s.km2.
– Đối với tài nguyên nước dưới đất: Tài nguyên nước dưới đất trong tỉnh được phân chia thành 2 tầng chứa nước chính là tầng chứa nước Holocene (qh) và tầng chứa nước Pleistocene (qp). Theo báo cáo thuộc dự án “Biên hội – thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:200.000 cho các tỉnh trên toàn quốc”, tổng tài nguyên nước dự báo cho các tầng chứa nước chính như sau: Tầng chứa nước Holocen (qh) 618.911 m3/ngày, tầng chứa nước Pleistocen (qp) 135.807 m3/ngày.
- Tài nguyên nước mặt.
* Tổng lượng nước:
Mực nước trung bình tháng 7 năm 2022 trên sông Yên Thuận tại trạm Phú Ninh là 3138cm, giảm 11cm so với tháng trước, giảm 15cm so với tháng cùng kỳ năm trước và giảm 8cm so với tháng 7 trung bình nhiều năm. Giá trị mực nước lớn nhất là 3150cm (ngày 1/7/2022), giá trị mực nước nhỏ nhất là 3132cm (ngày 30/7/2022).
Trong tháng 7 năm 2022, tại trạm Phú Ninh có lưu lượng trung bình tháng là 9,80m3/s, giảm 5,05m3/s so với tháng trước, giảm 7,70m3/s so với tháng cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 7 năm 2022, tổng lượng nước trên sông Yên Thuận chảy qua mặt cắt ngang tại trạm Phú Ninh vào khoảng 26,1 triệu m3, giảm 12,2 triệu m3 so với tháng trước.
* Chất lượng nước:
Kết quả phân tích chất lượng nước sông và kết quả tính toán chất lượng nước sông
theo chỉ số WQI cũng cho thấy chất lượng nước sông Yên Thuận có thể sử dụng tốt cho
mục đích cấp nước sinh hoạt.
- Tài nguyên nước dưới đất.
* Tầng chứa nước Holocene (qh)
Trong phạm vi tỉnh mực nước trung bình tháng 7 hạ so với tháng 6. Giá trị hạ thấp nhất là 0,38m tại xã Bình Minh, huyện Thăng Bình (QT12-QD) và giá trị dâng cao nhất là 1,63m tại xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc (QT5a-QD).
Mực nước trung bình tháng nông nhất là -0,99m tại TT. Hà Lam, huyện Thăng Bình (QT13a-QD) và sâu nhất là -5,14m tại xã Bình Minh, huyện Thăng Bình (QT12-QD).
* Tầng chứa nước Pleistocene (qp)
Trong phạm vi tỉnh, mực nước trung bình tháng 7 hạ so với tháng 6. Giá trị hạ thấp nhất là 0,35m tại xã Điện Hòa, Tx.Điện Bàn (QT4a-QD).
Mực nước trung bình tháng nông nhất là -1,71m tại xã Bình Quý, huyện Thăng Bình (QT14-QD) và sâu nhất là -5,16m tại xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc (QT5b-QD).
* Dự báo mực nước dưới đất
Trong tháng 8 và tháng 9, tại các tầng chứa nước qh và qp mực nước đều có xu thế dâng.
- Đề xuất, kiến nghị
* Đối với tài nguyên nước mặt
Tổng lượng tài nguyên nước mặt trong tháng 7 năm 2022 tại trạm Phú Ninh giảm so với tháng trước, đề nghị các cơ quan quản lý, các ngành sử dụng nguồn nước mặt có phương án, kế hoạch khai thác hợp lý.
Chất lượng nguồn nước mặt tại trạm Phú Ninh vẫn rất tốt, đề nghị tiếp tục theo dõi và bảo vệ nguồn nước như hiện tại.
* Đối với tài nguyên nước dưới đất
Theo Nghị định 167/2018/NĐ-CP về Quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất, trong tỉnh Quảng Nam thời điểm hiện tại chưa có công trình nào có độ sâu mực nước cần phải cảnh báo; tuy nhiên cần tiếp tục theo dõi diễn biến mực nước để kịp thời có kế hoạch khai thác hợp lý.