Một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học-Công nghệ Môi trường Liên bang Thụy Sĩ (EAWAG) cho thấy tác động của thủy điện đối với khí hậu nóng lên không như chúng ta nghĩ.
Các nhà khoa học đã phát hiện một số lượng lớn khí mêtan (CH4), một loại khí gây hiệu ứng nhà kính, được thải ra từ một con đập gần thành phố Berne, Thụy Sĩ.
Trung bình mỗi mét khối nước ở đập chứa nước Wohlen thải ra hơn 150 miligram khí mêtan. Các nhà khoa học giải thích: “Đó là tỷ lệ khí thải cao chưa từng thấy trong một hồ chứa nước ở độ cao trung bình.”
Các nhà nghiên cứu đánh giá rằng mỗi năm hồ chứa nước trên thải ra 150 tấn khí mêtan, tức bằng lượng khí cácbon điôxít (CO2) của 25.000km đường giao thông thải ra.
Bà Tonya Del Sontro, một nhà hóa học tham gia nghiên cứu hồ Wohlen, nhấn mạnh các cấp độ trên cho thấy “thủy năng không trung tính với cácbon như chúng ta nghĩ ngày nay.”
Khí mêtan sinh ra từ sự phân hủy chất hữu cơ động vật hay thực vật không có khí õy. Trong trường hợp trên, khí mêtan tăng lên theo nhiệt độ của nước và khi lượng nước của các con đập thuộc vùng nhiệt đới ở trong khoảng 17 độ C, tỷ lệ khí mêtan thải ra cao gấp hai lần tỷ lệ đo được tại hồ Wohlen.
Khi hấp thụ một phần tia hồng ngoại phát ra từ Trái Đất, khí mêtan bị cản trở thoát lên không trung và góp phần làm Trái Đất nóng lên. Khí mêtan gây hiệu ứng nhà kính thải ra ít hơn khí CO2 song chúng lại mạnh hơn 25 lần.
Trong trường hợp hồ Wohlen, một lượng lớn chất hữu cơ do sông Aar đưa tới đã đọng lại dưới đáy hồ và được vi khuẩn phân hủy. Tuy nhiên, toàn bộ lượng khí thải của hồ Wohlen và nhà máy thủy điện sông Aar vẫn chỉ bằng 1/40 lượng khí CO2 do một nhà máy nhiệt điện có công suất tương đương thải ra.
Các nhà khoa học cho biết họ sẽ nghiên cứu các đập thủy điện khác tại Thụy Sĩ để xác định xem trường hợp hồ Wohlen có là một ngoại lệ không. Trong trường hợp ngược lại, Thụy Sĩ sẽ có thể phải điều chỉnh tăng lượng khí mêtan gây hiệu ứng nhà kính của nước này trong nghị định thư Kyoto./.