Bên lề diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF) cuối tuần qua tại Bali (Indonesia), Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã ca ngợi Lào là nước có quan điểm cấp tiến khi tuyên bố không có kế hoạch trước mắt khởi động lại việc xây dựng đập thuỷ điện trên sông Mekong.
Mỹ thúc giục các bên ngưng xây đập thủy điện
Phát biểu trong cuộc họp với các nước thuộc Sáng kiến hạ vùng sông Mekong (Lower Mekong Initiative) ngày 23.7, Ngoại trưởng Mỹ nêu rõ: “Tôi muốn thúc giục tất cả các bên ngừng ngay bất kỳ dự định nào xây đập thủy điện mới, đến khi chúng ta có thể thực hiện được bản đánh giá tốt hơn về các tác động”.
Bà Hillary nói: “Đây là một vấn đề nghiêm trọng đối với tất cả các nước cùng chia sẻ dòng Mekong. Bởi vì nếu bất kỳ một nước nào trong số các bạn xây dựng đập, tất cả các bạn sẽ thấy hậu quả về suy thoái môi trường, những thay đổi về an ninh lương thực, và những ảnh hưởng đối với các cộng đồng”.
Cũng tại cuộc họp này, Lào đã tái khẳng định sẽ tiếp tục đình hoãn xây đập Xayaburi trong thời gian tới, Kurt Campbell, trợ lý của Ngoại trưởng Mỹ cho hay.
Dự án Xayaburi mà Lào từng muốn xúc tiến, có thể mở đường cho việc xây dựng mười con đập khác ở dòng chính hạ nguồn sông Mekong, điều mà các nhà hoạt động xã hội lo ngại sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng trăm triệu người sống ven sông. Phía thượng nguồn Mekong, Trung Quốc cũng đã và đang xây dựng tám con đập, gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho dòng sông.
Hồi tháng 5, Lào đã tuyên bố sẽ hoãn xây dựng đập Xayaburi có giá trị 3,5 tỉ USD cho đến khi hoàn thành nghiên cứu đánh giá của các chuyên gia. Trong khi thủy điện là một tài nguyên mà Lào trông mong sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của mình.
Mặc dù Lào nói con đập không ảnh hưởng đáng kể tới dòng chính Mekong nhưng các nhà bảo vệ môi trường và các nhà khoa học, các quan chức ở các nước hạ lưu đều chung nhận định nó sẽ gây nên thiệt hại không thể phục hồi được. Dự kiến, các đập thủy điện sẽ phá vỡ đường đi của cá, ngăn phù sa chảy xuống hạ lưu, và thậm chí phá hủy vựa lúa ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Mở rộng quy mô “Sáng kiến hạ vùng Mekong”
Ngoại trưởng Mỹ Hillary nhân dịp dự ARF cũng xúc tiến việc mở rộng quy mô của “Sáng kiến Mekong”, bà tuyên bố một nhóm công tác mới sẽ giúp hỗ trợ các nước thành viên, gọi là Bạn bè của hạ Mekong (Friends of the Lower Mekong).
Theo đó, nhóm công tác mới này sẽ đưa Nngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Liên minh châu Âu (EU) và các thể chế khác cùng hỗ trợ các nỗ lực ở hạ vùng Mekong.
Kế hoạch mở rộng này bao gồm tất cả, từ nghiên cứu Mekong kéo dài hai năm của các nhà khoa học Mỹ, đến chương trình chống thuốc giả, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa các bệnh viện, trường học, đường sá trong khu vực. Thêm vào đó là hội thảo tổ chức tại Lào trong năm nay, nỗ lực thiết kế và xây dựng bếp lò nhằm giảm ô nhiễm môi trường…
Bà Hillary nói: “Sáng kiến hạ vùng sông Mekong cho thấy cam kết của Mỹ về đảm bảo cuộc sống tốt cho người dân và thành công dài hạn cho đất nước các bạn. Chúng tôi ủng hộ nỗ lực của các bạn trong việc xây dựng nền móng vững chắc hơn cho sự thịnh vượng và phát triển. Chúng tôi trông đợi tiếp tục làm việc với các bạn như là đối tác và bạn bè của nhau trong những năm tới”.
Theo các nhà quan sát, việc Mỹ tuyên bố mở rộng quy mô Sáng kiến hạ vùng Mekong là một phần quan trọng trong kế hoạch thúc đẩy xây dựng lại quan hệ với các nước trong khu vực. Đặc biệt khi các nước nhỏ hơn như Campuchia và Lào hiện đang hưởng lợi nhiều từ đầu tư có sự hỗ trợ của Trung Quốc về xây đường sá mới, đường tàu hoả, đường cao tốc xuyên Lào…Nhờ đó, một số nước ở hạ vùng Mekong đang đứng về phía Trung Quốc trong một số vấn đề an ninh khu vực như tranh chấp ở biển Đông.
Bởi thế, việc mở rộng “Sáng kiến hạ vùng Mekong” được xem là nỗ lực của Mỹ nhằm lấy lại ảnh hưởng ở các nước thành viên, Ian Storey, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore nhận định.
Sáng kiến hạ vùng Mekong được Ngoại trưởng Hillary Clinton đưa ra hồi tháng 7/2009 tại Hội nghị ASEAN ở Bangkok. Theo đó, Mỹ và các đối tác trong khu vực là Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan sẽ xây dựng các đề án hợp tác trong lĩnh vực môi trường, y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng.