Trong năm qua, việc tiến hành điều tra khảo sát lưu vực sông Lô – Gâm đã mang lại những kết quả đáng chú ý. Nhằm hiểu rõ hơn về hệ thống sông này và ảnh hưởng của nó đến môi trường và con người, nhiều nỗ lực đã được đổ vào quá trình nghiên cứu chi tiết và thu thập dữ liệu. Kết quả của nỗ lực này không chỉ cung cấp thông tin quan trọng mà còn đóng góp vào việc đề xuất các biện pháp bảo vệ và quản lý hiệu quả cho lưu vực sông Lô – Gâm.
Bộ sản phẩm điều tra đánh giá tài nguyên nước thượng nguồn lưu vực sông Lô tỉnh Hà Giang đã tổng hợp toàn bộ các tài liệu thu thập cũng như các tài liệu trong quá trình điều tra thực địa để làm sáng tỏ bức tranh chất lượng nước cho khu vực này.Các sản phẩm này còn góp phần để hoàn thiện bộ sản phẩm của toàn dự án cũng như các sản phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Dự án đã sử dụng dữ liệu thu thập, dữ liệu điều tra, dữ liệu đo đạc lưu lượng mùa kiệt, dữ liệu các trạm khí tượng thủy văn để tính toán đánh giá tài nguyên nước trên vùng thượng nguồn sông Lô. Dự án đã đánh giá được vùng nghiên cứu có tổng lượng tài nguyên nước mưa là 11.327 triệu m³/năm. Dự án đã đánh giá được tài nguyên nước mặt tại các vị trí ranh giới quốc gia, ranh giới tỉnh, vị trí nhập lưu vào dòng chính.
Dòng chính sông Lô về phía thượng nguồn chảy từ Trung Quốc vào Việt Nam đi qua tỉnh Hà Giang với 3,522 tỷ m3/năm. Tiếp đó sau nhập lưu sông sông Miện đi thêm một khoảng nữa tại trạm thủy văn Đạo Đức thì tổng lượng tài nguyên nước là 4,73 tỷ m3/năm. Dòng chính sông Lô trước khi ra khỏi tỉnh Hà Giang có tổng lượng là 6,628 tỷ m3/năm. Đối với tài nguyên nước dưới đất đã dánh giá được trữ lượng khai thác tiềm năng của các tầng chứa nước trên toàn khu vực thượng nguồn sông Lô tỉnh Hà Giang, tổng trữ lượng khai thác tiềm năng trên toàn vùng là 1.391.516 m3/ngày; phức hệ Sông Chảy với diện tích lớn nhất có trữ lượng khai thác tiềm năng lớn nhất là 484.336 m3/ngày; phức hệ Khánh Thiện có trữ lượng khai thác tiềm năng nhỏ nhất, chỉ với 95 m3/ngày. Theo đơn vị hành chính cho thấy huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang có trữ lượng khai thác tiềm năng lớn nhất là 459.127 m3/ngày. Khu vực thượng nguồn sông Lô tỉnh Hà Giang, tầng chứa nước khe nứt – karst trong các trầm tích lục nguyên hệ tầng Hà Giang ( 2) và tầng chứa nước khe nứt, khe nứt – karst không liên tục trong các trầm tích carbonat xen lục nguyên hệ Devon, thống dưới (d1) có triển vọng khai thác phục vụ cấp nước tập trung quy mô lớn, đã có những lỗ khoan thăm dò đạt lưu lượng lớn và chất lượng nước tốt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.
Chất lượng nước mặt trên các sông suối thuộc khu vực thượng nguồn lưu vực sông Lô có chất lượng đã có phần bị ô nhiễm. Riêng chất lượng nước trên sông Con có nhiều sự biến động về PH và DO, vì vậy cần có xử lý khi cấp nước cho sinh hoạt. Chất lượng dòng nhánh sông Lô và dòng chính sông Lô có dấu hiệu ô nhiễm tại đoạn sông chảy qua khu vực thành phố Hà Giang. Cụ thể 5 mẫu trên sông Lô cho giá trị các thông số đều nằm dưới ngưỡng A2 QCVN 08-MT:2015/BTNMT. 04 mẫu trên sông Miện cho thấy 02 mẫu phía hạ lưu sông Miện (SMH2 và SMH18) có giá trị Nitơrit (NO-2) có giá trị vượt quá giới hạn A2 và B1 QCVN 08-MT:2015/BTNMT, nguyên nhân có thể do ảnh hưởng bởi hoạt động xả thải của xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang qua các hệ thống suối nhỏ sau đó chảy vào sông Miện. Các suối nhánh chất lượng nước tốt giá trị các thông số đều nằm dưới ngưỡng A2 QCVN 08- MT:2015/BTNMT. Số liệu từ mạng quan trắc địa phương và dự án sức chịu tải cho thấy sự gia tăng hàm lượng TSS từ năm 2016-2020, sự ô nhiễm bởi hàm lượng NH4+ và hàm lượng Phot-pho vượt quy chuẩn tại một số thời điểm năm 2022. Chất lượng nước dưới đất được so với QCVN 09-MT:2015/BTNMT và QCVN 02:2009/BYT cho thấy chất lượng nước dưới đất trong các tầng chứa nước có chất lượng tốt, đáp ứng các yêu cầu sử dụng và sinh hoạt.
Dự án đã đánh giá được khả năng khai thác nguồn nước trong phạm vi lưu vực thượng nguồn sông Lô tỉnh Hà Giang. Các nguồn nước trong khu vực khá dồi dào so với nhu cầu hiện tại nhưng đã căng thẳng về mùa kiệt. Hiện nay đây vẫn là khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước, nguyên nhân là do khu vực có địa hình dốc, nước nhanh chóng tập trung vào các dòng chính, trên các khe suối (nơi tập trung nhiều công trình khai thác nước do tính thuận tiện để dân nước) nước chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn khi có mưa, sau đó dòng chảy gần như không có và phụ thuộc hoàn toàn vào các mạch lộ của nguồn nước ngầm. Do đó để khai thác tập trung nguồn nước này cần phải được đánh giá chi tiết cho mỗi khu vực cụ thể. Nguồn nước này phù hợp với các công trình khai thác nhỏ lẻ hoặc tập trung phân tán, đặc biệt là các nguồn lộ lưu lượng lớn.
Toàn bộ sản phẩm cũng đã tạo dựng một cơ sở dữ liệu bao gồm các báo cáo, phụ lục và bản đồ làm cơ sở cho công tác tổng kết toàn dự án.