Tìm nguồn nước sạch cho vùng Vị Thanh – Long Mỹ, Hậu Giang

vv176Là một tỉnh mới tách từ thành phố Cần Thơ, công tác điều tra đánh giá tài nguyên nước nói chung và nước dưới đất nói riêng của tỉnh Hậu Giang, nhất là vùng Vị Thanh – Long Mỹ chưa được thực hiện. Nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt của cư dân ở đây vì thế rất thiếu thốn. Năm 2007, đáp ứng yêu cầu của UBND tỉnh Hậu Giang, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (nay là Tổng cục Địa chất & Khoáng sản) đã giao choLiên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Nam thực hiện đề án “Lập bản đồ ĐCTV – ĐCCT tỷ lệ 1:50.000 vùng Vị Thanh – Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang”, góp phần đẩy mạnh công cuộc phát triển KT- XH ở một vùng đất miền Tây Nam Bộ.

Ông Phạm Văn Giắng, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch & Điều tra tài nguyên nước (QH & ĐTTNN) miền Nam cho biết: Đề án có nhiệm vụ làm sáng tỏ điều kiện địa chất thủy văn (ĐCTV), đánh giá trữ lượng, chất lượng các tầng chứa nước để thăm dò, khai thác phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân trong vùng; đồng thời, đánh giá điều kiện địa chất công trình (ĐCCT) phục vụ quy hoạch phát triển thành phố Vị Thanh. Vùng nghiên cứu bao gồm toàn bộ diện tích thành phố Vị Thanh, huyện Vị Thủy, Long Mỹ, Phụng Hiệp (Hậu Giang), một phần huyện Gò Quao, Giồng Riềng (Kiên Giang) một phần huyện Phước Long (Bạc Liêu)

Đề án được tiến hành từ năm 2009, kết thúc năm 2012. Liên đoàn đã tiến hành giải đoán ảnh hàng không và ảnh vệ tinh trên diện tích 1441km2, đo vẽ ĐCTV trên diện tích 144 km2; ĐCCT trên diện tích 149 km2; đo sâu điện 478 điểm; địa chấn 196 điểm; địa vật lý lỗ khoan 2986,5 m/11lỗ khoan; khoan lấy mẫu 301 7m/11 lỗ khoan, khoan phá mẫu 80 m/1lỗ khoan; khoan ĐCCT 400m/12 lỗ khoan; bơm nước thí nghiệm 17 lỗ khoan; lấy và phân tích các mẫu đất, mẫu nước.

Quá trình thi công đề án, anh em trong Liên đoàn gặp không ít khó khăn, nhất là công tác vận chuyển máy móc, thiết bị bằng phà (có thiết bị trọng tải hơn 20 tấn) đến vị trí thi công. Các điểm khoan đều phải san lấp mặt bằng do bề mặt địa hình thấp, mùa mưa thường bị ngập nước tới 2-3 tháng. Để bảo đảm tiến độ, anh em kỹ thuật và công nhân thường phải làm cả ca đêm và các ngày nghỉ lễ. Bù vào đó, Liên đoàn luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền địa phương từ các thủ tục hành chính, lựa chọn địa điểm thi công, vị trí cặp bến phà đến việc thỏa thuận với bà con về đền bù hoa mầu, tạo mặt bằng thuận lợi cho thi công.

Phát hiện 7 tầng chứa nước triển vọng

Sau gần 4 năm triển khai, Đề án Lập bản đồ ĐCTV, ĐCCT tỷ lệ 1:50.000 vùng Vị Thanh – Long Mỹ đã hoàn thành mục tiêu và nhiệm vụ đề ra. Tất cả các dạng công tác được thực hiện theo đề án đã phê duyệt, bảo đảm các quy phạm, kỹ thuật hiện hành.

Đề án đã tạo lập được một cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước dưới đất (gồm 25 bản đồ, báo cáo và phụ lục đi kèm) làm cơ sở phục vụ cho công tác lập quy hoạch tài nguyên nước dưới đất (TNNDĐ) vùng Vị Thanh – Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Đã phát hiện đuợc 7 tầng chứa nước có triển vọng là: qh; qp3; qp2-3; qp1; n22; n21 và n13, trong đó có 4 tầng chứa nước qp3; qp2-3; n21 và n13, có triển vọng khai thác nước dưới đất với quy mô lớn. Dự án đã đánh giá trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất nhạt (cấp C2) là 783.488 m3/ngày và trữ lượng khai thác nước dưới đất nhạt triển vọng (cấp C1) là 52.219 m3/ngày. Trữ lượng khai thác nước dưới đất nhạt của từng tầng chứa nước được đánh giá lần lượt là 10.163 m3/ngày; 77.932; 244.492; 56.861; 1035,6; 267.500 và 127.577 m3/ngày.

Đề án còn có những phát hiện mới quan trọng về diện tích phân bố nước nhạt của từng tầng chứa nước, có ý nghĩa lớn trong việc định hướng thăm dò khai thác và quy hoạch TNNDĐ. Đã thành lập được bản đồ ĐCCT, bản đồ phân vùng địa chất, sức chịu tải quy ước của nền đất, bản đồ cột địa tầng các lỗ khoan…làm cơ sở chọn chiều sâu thiết kế khảo sát và các biện pháp thi công các công trình trên nền đất.

 vv177

 

Khai thác, sử dụng hợp lý và bảo vệ nguồn nước

Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, Đề án đã kiến nghị nên tập trung công tác khai thác NDĐ để cung cấp với quy mô lớn (>3000m3/ngày) cho các mục đích khác nhau vào khu vực Long Mỹ, nơi tồn tại từ 3 đến 4 tầng nước nhạt có chất lượng tốt và trữ lượng lớn. Khu vực phía đông bắc huyện Phụng Hiệp, nơi tồn tại 2 – 3 tầng nước nhạt có chất lượng tốt và trữ lượng đảm bảo cấp nước cho các mục đích ở quy mô trung bình (<3000m3/ngày). Các tác giả đề án cho rằng: Cần tiếp tục triển khai thiết lập mạng quan trắc NDĐ để cung cấp các thông tin về diễn biến chất lượng và trữ lượng NDĐ, triển khai các dự án quy hoạch phân bổ, bảo vệ và phòng chống tác hại do NDĐ gây ra. Để BVMT và nguồn NDĐ khỏi các nguy cơ bị xâm hại, cần thành lập bản đồ tài nguyên, chất lương NDĐ; nguy cơ nhiễm bẩn, nhiễm mặn nguồn nước, quan trắc lâu dài NDĐ; lập quy hoạch và sử dụng TNN một cách hợp lý và bền vững; khoanh định các vùng cấm khai thác; tăng cường kiểm tra và hướng dẫn, quản lý chặt chẽ việc khai thác nước nhằm tránh làm cạn kiệt trữ lượng và suy thoái chất lượng các tầng chứa nước.

 

 

 

(Theo Monre.gov.vn)