Tìm nguồn nước sạch cho vùng lũ

     vv180Sau 4 năm triển khai thi công (2009-2012), Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam đã thực hiện thành công Đề án “ Đánh giá nguồn nước dưới đất vùng Đức Hòa, tỉnh Long An”, góp phần thiết thực phục vụ phát triển KT-XH tại một vùng tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh, có nhu cầu tăng trưởng nhanh, đặc biệt là cung cấp nguồn nước sạch cho ăn uống, sinh hoạt của nhân dân trong mùa lũ.                                                       

Ông Phạm Văn Giắng, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam cho biết: Huyện Đức Hòa, tỉnh Long An là khu vực có điều kiện địa chất thủy văn phức tạp nhất miền Nam trong khi nhu cầu khai thác nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội ngày càng tăng. Mỗi mùa lũ nước ngập trắng đồng, nhất là vùng thủ Thừa, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khiến người dân phải khốn khổ vì thiếu nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày. Việc nghiên cứu, triển khai đề án Đánh giá nguồn nước dưới đất vùng Đức Hòa, tỉnh Long An” là nhiệm vụ hết sức cấp bách, nhằm xác định đặc điểm các tầng chứa nước, đánh giá trữ lượng, chất lượng các tầng chứa nước có triển vọng, thiết lập, vận hành mạng quan trắc tài nguyên nước dưới đất (NDĐ) để cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.

Vùng nghiên cứu bao gồm toàn bộ huyện Đức Hòa, một phần các huyện Bến Lức, Thủ Thừa, Đức Huệ và huyện Bình Chánh – TP Hồ Chí Minh. Các phương pháp kỹ thuật là thu thập tài liệu, khảo sát thực địa, địa vật lý đo sâu điện và carota lỗ khoan.  Liên đoàn đã tiến hành khảo sát thực địa 1014km2; đo sâu điện 240 điểm, địa vật lý lỗ khoan 2667,0m/10 lỗ khoan; khoan lấy mẫu 2038,0m/8 lỗ khoan, phá mẫu 1204,5m/7 lỗ khoan; bơm nước thí nghiệm 15 lỗ khoan; lấy và phân tích các mẫu đất, mẫu nước các loại.
 Quá trình thực hiện Đề án, anh em luôn bám sát các yêu cầu kỹ thuật và hoàn thành khối lượng các dạng công tác được phê duyệt. Tuy gặp không ít khó khăn trong việc chọn vị trí các lỗ khoan, san lấp mặt bằng trong vùng Thủ Thừa thường bị ngập nước vào mùa mưa, nhưng họ luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiệt tình của các cấp chính quyền và người dân địa phương trong các thủ tục hành chính, giải tỏa mặt bằng, đền bù hoa màu, tạo thuận lợi cho thi công.
                 Thành công của Đề án
Sau bốn năm thực hiện, Đề án đã hoàn thành nhiệm vụ và mục tiêu đề ra, đảm bảo các dạng công tác được phê duyệt và các quy phạm, kỹ thuật hiện hành. Đã khái quát được những nét cơ bản về cấu trúc địa tầng các thành tạo từ Miocen thượng đến Holocen; chiều sâu, thế nằm, chiều dày, diện phân bố, nguồn gốc và môi trường thành tạo của các trầm tích, diện phân bố nước nhạt, trữ lượng cũng như chất lượng  ND Đ.Đánh giá chất lượng nước nhạt cơ bản đạt tiêu chuẩn nước nguồn theo QCVN 09:2008/BTNMT; trữ lượng trình phê chuẩn cấp C1 là 54.710m3/ngđ, cấp C2 là 770.667m3/ngđ, đáp ứng được nhu cầu nước sinh hoạt cho địa phương. Đã tạo lập được một bộ cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước dưới đất (gồm 27 bản đồ, báo cáo và phụ lục đi kèm), làm cơ sở phục vụ cho công tác lập quy hoạch tài nguyên NDĐ trong vùng. Đặc biệt, đã phát hiện được 6 tầng chứa nước có triển vọng,  trong đó triển vọng nhất là tầng n21. Kết quả đánh giá trữ lượng khai thác tiềm năng nước nhạt (cấp C2) toàn vùng là 770.667m3/ngày; Trữ lượng khai thác tiềm năng của từng tầng chứa nước qp3; qp2-3; qp1; n22; n21 và n13 lần lượt là: 91.351; 62.542; 45.549; 142,572; 310.220 và 118.433 m3/ngày. Đề án đã tích hợp được nguồn dữ liệu phong phú, có cơ sở khoa học về số lượng và chất lượng nước của từng tầng chứa nước trong vùng; làm cơ sở cho định hướng qui hoạch khai thác, phân bổ, bảo vệ, phát triển tài nguyên NDĐ theo hướng bền vững; góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về Nước sạch & Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 – 2015 vàChương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 của Chính phủ.
Với góc độ là cơ quan quản lý tài nguyên nước, Sở TNMT Long An sẽ có cách nhìn và nhận thức mới về NDĐ của vùng Đức Hoà. Với trữ lượng tiềm năng nước nhạt 770.667m3/ngày (chiếm 56,5%) so với nước mặn 586.404m3/ngày (chiếm 43,5%) sẽ thấy NDĐ của vùng phức tạp, tiềm năng nước nhạt không lớn, trong khi nhu cầu sử dụng nước đến năm 2020 theo qui hoạch là 60.732m3/ngày cho sinh hoạt và 793.375m3/ngày cho sản xuất. Đây chính là những con số giúp Sở TNMT, tham mưu cho UBND tỉnh trong chiến lược khai thác sử dụng nước nói chung và NDĐ nói riêng.
              Định hướng sử dụng nguồn nước
       Dựa trên các kết quả nghiên cứu, các tác giả Đề án kiến nghị: các huyện Bến Lức, Thủ Thừa và Đức Huệ, nơi tồn tại 3 tầng nước nhạt có trữ lượng lớn, chất lượng tốt có thể xây dựng các nhà máy cấp nước công suất lớn (>3.000m3/ngày). Các nhà máy cấp nước với quy mô trung bình (công suất từ 2.500 đến 3.000m3/ngày) có thể xây dựng ở khu vực huyện Đức Hoà.
 Để sử dụng nguồn nước hợp lý, có hiệu quả, cần tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước nói chung và NDĐ nói riêng; thực hiện nghiêm Luật Tài nguyên nước cũng như các văn bản qui định trong thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên NDĐ. Kết hợp sử dụng hợp lý nguồn nước mặt, trám lấp các giếng khai thác không sử dụng; Thiết lập mạng quan trắc tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn toàn tỉnh.
Các bản đồ và báo cáo chi tiết về tài nguyên NDĐ vùng Đức Hòa – Long An và các kiến nghị nhằm bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên NDĐ là đóng góp thiết thực của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Nam (thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước) vào sự nghiệp phát triển KT-XH và bảo vệ an ninh quốc phòng tỉnh Long An.
(Theo Monre.gov.vn)