Ngày 29/10/2018, Hội đồng thẩm định Báo cáo kết quả thực hiện đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” Giai đoạn I. Tham dự buổi thẩm định có ông Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm QH&ĐTTNNQG – Chủ tịch Hội đồng; đại diện đến từ Vụ Khoa học Công nghệ, Viện Khoa học tài nguyên nước, Cục Quản lý tài nguyên nước. Tham dự Hội đồng, còn có các chuyên gia, đại diện đến từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Địa chất Thủy văn Việt Nam, Trường Đại học Mỏ – Địa chất cùng các lãnh đạo của các đơn vị tham gia thực hiện đề án.
Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” là đề án Chính phủ nhằm đánh giá nguồn nước dưới đất ở các đô thị lớn, đề xuất các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ, phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất cho các đô thị lớn.
Thay mặt nhóm thực hiện đề án, ông Triệu Đức Huy – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm QH&ĐTTNNQG trình bày báo cáo tổng kết, kết quả thực hiện đề án:
– Đề án đã tổng rà soát, cập nhật toàn bộ các tài liệu điều tra cơ bản về tài nguyên nước dưới đất ở 9 đô thị trọng điểm của nước ta từ trước đến nay; tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá chi tiết về hiện trạng tài nguyên nước dưới đất và các vấn đề cần bảo vệ tài nguyên nước dưới đất.
– Kết quả của Đề án đã làm sáng tỏ được điều kiện tồn tại, sự phân bố của các tầng chứa nước ở 9 đô thị lớn, trọng điểm. Trên cơ sở đó đã đánh giá và xác định được tiềm năng nước dưới đất của 9 đô thị lớn là 24.482.830 m3/ngày; tổng trữ lượng có thể khai thác phần nước nhạt là 8.427.942m3/ngày.
– Đề án đã thống kê đầy đủ và chi tiết tình hình khai thác sử dụng nước dưới đất, các nguồn gây ô nhiễm nước dưới đất đồng thời đánh giá được các nguy cơ ô nhiễm, nhiễm mặn và các tác động ảnh hưởng đến tài nguyên nước dưới đất tại 9 đô thị trọng điểm.
– Trên cơ sở đánh giá chi tiết nguồn nước dưới đất, Đề án đã đề xuất được các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ, phòng ngừa, hạn chế, giảm thiết tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất ở 9 đô thị trọng điểm.
– Trên cơ sở kết quả thi công giai đoạn 1, Đề án đã xây dựng được các hướng dẫn kỹ thuật điều tra và bảo vệ nước dưới đất,… phục vụ hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật tài nguyên nước.
– Lần đầu tiên toàn bộ 9 đô thị lớn, trọng điểm có được phần mềm và bộ cơ sở dữ liệu đồng bộ, đầy đủ về tài nguyên nước dưới đất, được kết nối các thông tin dữ liệu của mạng quốc gia và mạng địa phương phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước và bảo vệ tài nguyên nước.
Sau khi nghe báo cáo kết quả thực hiện của đề án, PGS.TS Nguyễn Văn Đản – Phản biện 1 nhận thấy đề án đã có cơ sở khoa học và cơ sở pháp lý đầy đủ. Các tài liệu thu thập trong quá trình thi công đề án cũng như tài liệu có liên quan thu thập tương đối đầy đủ. Nội dung của báo cáo phản ánh kết quả thi công của đề án, kết quả thực hiện của đề án đã làm sáng tỏ các tầng chứa nước cần được bảo vệ ở 9 đô thị, đánh giá được trữ lượng, chất lượng của các tầng chứa nước cần được bảo vệ. Xác định được diễn biến của tài nguyên nước theo thời gian phục vụ cho việc đánh giá tình hình suy thoái. Đề xuất được 4 giải pháp bảo vệ tài nguyên nước dưới đất phù hợp với các vấn đề cần được bảo vệ xác định ở các đô thị. Sản phẩm của đề án đầy đủ theo yêu cầu. Nội dung bố cục của báo cáo tổng hợp, báo cáo 9 đô thị nghiên cứu và các phụ lục đều đúng theo các Thông tư, Nghị định hiện hành. Hình thức, bố cục của báo cáo phù hợp với nội dung và yêu cầu của các quy định hiện hành. Tuy nhiên, báo cáo còn nhiều vấn đề nhược điểm cần phải thống nhất và sửa chữa nghiêm túc trước khi trình lên cấp trên.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Đoàn Văn Cánh thấy rằng báo cáo đã nêu được số lượng của các tầng chứa nước được bảo vệ ở các đô thị. Báo cáo cũng đưa ra được con số dự báo tài nguyên nước dưới đất, trữ lượng có thể khai thác và hiện trạng khai thác sử dụng ở các đô thị. Báo cáo đưa ra được hiện trạng ô nhiễm, nhiễm bẩn, nhiễm mặn của các đô thị. Báo cáo còn đưa ra được các giải pháp bảo vệ để giảm thiểu cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và sụt lún đất. Sản phẩm báo cáo đạt được mục tiêu nhiệm vụ đề ra. Tuy nhiên khi trình bày báo cáo thì các hình vẽ nên để A4 để người đọc có thể xem được.
Ông Triệu Đức Huy thay mặt tập thể tác giả cảm ơn các ý kiến đóng góp của các phản biện và Ủy viện hội đồng, nhóm thực hiện sẽ tiếp thu, chọn lọc, xem xét, sửa chữa, bổ sung và hoàn thiện báo cáo của đề án.
Kết luận tại buổi thẩm định, ông Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm QH&ĐTTNNQG – Chủ tịch hội đồng cho rằng, tập thể các tác giả thực hiện đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” cần tiếp thu các ý kiến đóng góp của Hội đồng, chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện Báo cáo của đề án.
Một số hình ảnh tại buổi hội thảo:
(TTDLTNN)