Mạng quan trắc nước dưới đất vùng Tây Nguyên cần được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu hiện nay và trong tương lai

Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai vừa chủ trì cuộc họp với Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước (QH&ĐTTNN) để nghe báo cáo về công tác rà soát mạng quan trắc nước dưới đất (NDĐ) khu vực  Tây Nguyên.

Khu vực Tây Nguyên có 4 hệ thống sông chính gồm: Sêsan, Sêrêpốc, sông Ba và Đồng Nai. Hiện 5 tỉnh trong khu vực có 212 công trình quan trắc (193 công trình quan trắc NDĐ và 19 công trình quan trắc nước mặt) được bố trí thành 11 tuyến dọc, ngang và các tuyến phụ tại những tầng chứa nước quan trọng và vùng kinh tế trọng điểm… Mục tiêu của các trạm quan trắc nhằm theo dõi có hệ thống sự biến đổi NDĐ về số lượng và chất lượng; sự biến đổi về không gian và thời gian mực nước, tính chất lý học, môi trường, địa chất thủy văn, các yếu tố cân bằng nước ngầm… Từ đó, đề xuất các biện pháp khai thác, sử dụng nước hợp lý, ngăn ngừa những tác động có hại đối với nguồn NDĐ và môi trường. Mạng quan trắc NDĐ ở Tây Nguyên được vận hành từ năm 1996, quá trình vận hành tuy đã được nâng cấp, bố trí thêm nhưng nhìn chung đã lạc hậu, không đáp ứng nhu cầu quan trắc hiện nay và trong tương lai, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tốc độ xây dựng, đô thị hóa nhanh… của các tỉnh, thành phố. Vì thế, mạng quan trắc NDĐ khu vực cần được thiết kế thành mạng chuẩn, hoàn thiện, phù hợp với cấu trúc của các tầng chứa nước khác nhau, đáp ứng nhu cầu quan trắc giai đoạn từ nay đến năm 2015- 2020.

ThutruongLai

Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu chỉ đạo,Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai nhấn mạnh: Để có mạng chuẩn quan trắc nguồn NDĐ khu vực Tây Nguyên cũng như vùng Bắc Bộ, Nam Bộ, các Liên đoàn QH & ĐTTNN miền Bắc, miền Trung và miền Nam cần nghiên cứu xây dựng 3 đề tài cấp Bộ hoàn thịên hệ thống quan trắc NDĐ một cách toàn diện, có ý nghĩa thực tiễn. Muốn vậy cần tăng cường rà soát mạng quan trắc hiện có, điều tra, khảo sát nghiên cứu đầy đủ quy hoạch phát triển KT-XH của các tỉnh, thành trong vùng. Tổ chức các hội thảo để các nhà khoa học, các nhà quản lý đóng góp ý kiến cho dự thảo đề án. Đề án phải làm thật công phu, đề ra được mục tiêu cụ thể để đảm bảo tính toàn diện, thực tiễn của công tác quan trắc nguồn NDĐ cho giai đoạn trước mắt và tầm nhìn dài hạn.

TN2

Toàn cảnh cuộc họp

 

(Theo Thu Nga – Monre)