Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung: 35 năm – chặng đường đáng nhớ

35 năm qua, từ Liên đoàn Địa chất thủy văn miền Nam làm nhiệm vụ điều tra cơ bản về tài nguyên nước dưới đất trên dải đất từ Quảng Bình tới các tỉnh miền Nam, trở thành Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung (QH&ĐTTNMT) ngày nay với nhiệm vụ được rộng mở sang lĩnh vực quy hoạch, điều tra, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên nước trên địa bàn các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, các thế hệ CBCNV trong Liên đoàn luôn nêu cao truyền thống, nỗ lực vượt khó, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp phát triển KT- XH của đất nước 

Với những cố gắng đó, Liên đoàn vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng 16 Huân chương Lao động các hạng, 1 Huân chương Độc lập hạng Ba, 18 Bằng khen của Thủ tướng, 29 Bằng khen của Bộ Công nghiệp, 14 Bằng khen của Bộ TN&MT, 3 Bằng khen của UBND tỉnh và 1 Cờ thi đua xuất sắc của Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa.

Khái quát những thành tựu nổi bật của Liên đoàn qua mỗi chặng đường, ông Nguyễn Lưu, Liên đoàn trưởng Liên đoàn QH&ĐTTNNMT cho biết: Trước năm 1980, Liên đoàn gặp không ít khó khăn, thậm chí phải đối mặt với những hiểm nguy do hậu quả bom, mìn của chiến tranh để lại, nhưng được sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, của ngành, sự quan tâm giúp đỡ của các địa phương, CBCNV Liên đoàn đã trưởng thành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nổi bật là các đề án tìm kiếm, đánh giá nước dưới đất (NDĐ) ở Tây Nguyên; Thành lập bản đồ địa chất thủy văn, địa chất công trình tỷ lệ 1/200.000 và 1/50.000 trên địa bàn Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung.

Năm 1997, được đổi tên thành Liên đoàn Địa chất thủy văn – Địa chất công trình miền Trung và hoạt động trên phạm vi hẹp hơn (từ Đà Nẵng đến Bình Thuận và các tỉnh Tây nguyên), hoạt động của Liên đoàn trở nên đa dạng, rộng mở sang các lĩnh vực điều tra địa chất môi trường, địa chất đô thị, địa chất tai biến, điều tra đánh giá nguồn NDĐ gắn liền với cấp nước quy mô nhỏ cho các cụm dân cư vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Cùng với nhiệm vụ Nhà nước giao, Liên đoàn đã tận dụng năng lực đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của xã hội như: khoan khai thác nước ngầm, khảo sát nền móng công trình, thăm dò nước khoáng, nước nóng, đo đạc địa hình, trắc địa công trình… với chất lượng và hiệu quả cao nên thương hiệu được duy trì, phát triển.

 Để khai thác, sử dụng tổng hợp, phát triển tài nguyên nước (TNN) và phòng chống, khắc phục tác hại do nước gây ra; Liên đoàn đã thực hiện công tác điều tra cơ bản, kiểm kê hiện trạng về số lượng, chất lượng và tình hình khai thác, sử dụng TNN, đánh giá mức độ và nguy cơ suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Kết quả, Liên đoàn đã hoàn thành và đưa vào Lưu trữ các bản đồ địa chất thủy văn, địa chất công trình tỉ lệ 1/200.000 thành lập trên 7 vùng với tổng diện tích 103.870 km2, chiếm 90% diện tích địa bàn hoạt động của Liên đoàn. Đây là những tài liệu quan trọng, phục vụ công tác quy hoạch, phân vùng lãnh thổ quốc gia và các địa phương. Hoàn thành các tờ bản đồ địa chất thủy văn và bản đồ địa chất công trình tỉ lệ 1/50.000 của các vùng trọng điểm phát triển KT-XH với tổng diện tích điều tra 12.643 km2. Đã phát hiện và khoanh nối được ranh giới của nhiều tầng, nhiều vùng chứa nước đạt yêu cầu sử dụng cho dân sinh và công nghiệp; nhiều mỏ nước khoáng; vật liệu xây dựng; cảnh báo tại nhiều khu vực có các tầng đất yếu; nhiều vùng tiềm ẩn các nguy cơ ô nhiễm môi trường…

Liên đoàn đã thực hiện chương trình điều tra địa chất đô thị trên địa bàn miền Trung. 12 khu đô thị và 14 hành lang kinh tế trọng điểm được điều tra, khảo sát, lập bản đồ, với tổng diện tích 4.967 km2. Hoàn thành công tác tìm kiếm, thăm dò nước dưới đất ở 61 vùng kết quả đánh giá trữ lượng khai thác nước dưới đất cấp A+B là 52.331 m3/ngày, cấp C1: 636.721 m3/ngày, cấp C2: 41.693.233 m3/ngày.

 Dựa vào kết quả này, các địa phương đã đầu tư xây dựng nhiều công trình cấp nước sạch cho các thành phố, thị xã, các khu công nghiệp tại Buôn Ma Thuột, Tuy Hòa, Quy Nhơn, Quảng Ngãi… Đối với nước khoáng đã hoàn thành việc phổ tra các nguồn nước trước đây và phát hiện thêm nhiều nguồn mới, nâng tổng số nguồn nước khoáng được phát hiện trên địa bàn Tây Nguyên và tỉnh duyên hải miền Trung lên 102 điểm; hoàn thành công tác thăm dò tại một số nguồn nước khoáng nóng như Vĩnh Hảo, Đảnh Thạnh, Thạch Bích, Tu Bông, Phú Sen, Vạn Giã… và chuyển giao cho các tổ chức kinh tế xã hội khai thác  sử dụng đạt hiệu quả kinh tế cao.

Mạng lưới quan trắc quốc gia động thái  NDĐ ở Tây Nguyên với 219 trạm được thiết lập từ năm 1991 và vận hành liên tục. Kết quả quan trắc được cập nhật, chỉnh lí, tổng hợp, thông báo đến Sở TN và MT các tỉnh, giúp các địa phương chủ động đối phó, khắc phục hạn hán.

Để giải quyết nhu cầu cấp bách về nước sạch cho đồng bào và chiến sĩ ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, từ 1990 đến nay, Liên đoàn đã triển khai thực hiện đề án “Điều tra, đánh giá nguồn nước dưới đất ở vùng núi Trung bộ và Tây Nguyên”; “Điều tra địa chất thủy văn, địa chất công trình và đánh giá nguồn nước dưới đất ở các đảo ven biển Nam Trung Bộ”, “Điều tra, đánh giá nguồn nước dưới đất ở một số vùng trọng điểm thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên”… Đến nay, đã có 69 cụm dân cư trên địa bàn 8 tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên được đánh giá nguồn NDĐ với trữ lượng đạt 32.000 m3/ngày; đã khai thác sử dụng 5.400 m3/ngày, đáp ứng nhu cầu về nước sinh hoạt cho trên 90.000 người dân và chiến sỹ.

Hiện Liên đoàn đang thi công các Đề án “Điều tra, đánh giá nước dưới đất các vùng đặc biệt thiếu nước sinh hoạt thuộc các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận”; “Lập bản đồ địa chất thủy văn tỉ lệ 1/50.000 các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận”; “Đánh giá nguồn nước dưới đất vùng Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi”…. Trong những năm tới Liên đoàn sẽ tiến hành thi công thêm các đề án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số làng ung thư của Việt Nam”; “Điều tra, đánh giá xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trong các tầng chứa nước trầm tích Đệ tứ và Neogen từ Đà Nẵng đến Bình Thuận”;

Mặt khác, Liên đoàn xây dựng hoàn thành, trình cấp trên phê duyệt các đề án “Bảo vệ nước dưới đất đô thị Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk”; “Bảo vệ nước dưới đất đô thị Quy Nhơn, tỉnh Bình Định” và đang tiến hành xây dựng dự án điều tra đánh giá sơ bộ tài nguyên nước tỷ lệ 1/50.000 vùng Tuy Hòa, Vạn Ninh.

 Những năm gần đây Liên đoàn tích cực triển khai các hoạt động trong lĩnh vực hợp tác quốc tế với tổ chức Jica của Nhật Bản; Danida Đan Mạch về điều  tra TNN dưới đất cao nguyên Trung phần Việt Nam và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ… thi công các giếng khoan khai thác NDĐ tại các điểm trên địa bàn hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai.

Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ Nhà nước  giao, Liên đoàn còn triển khai các hoạt động dịch vụ với nhiều đối tác nhằm tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho CBCNV, thưa ông?

Liên đoàn trưởng Nguyễn Lưu: Đúng vậy, các đơn vị trong Liên đoàn đã mở rộng các hoạt động dịch vụ nghiên cứu, điều tra cơ bản về địa chất thủy văn, địa chất môi trường, đánh giá TNN, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu nước ngầm, khảo sát địa chất công trình phục vụ xây dựng, giao thông thủy lợi, thủy điện… Kết quả hoạt động dịch vụ đã góp phần  giải quyết nhu cầu về nước cho thành phố Buôn Ma Thuột; Pleiku; Gia Nghĩa… và 11 thị trấn, 20 bệnh viện, trường học, nhiều đơn vị quân đội, Đồn biên phòng ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắc Nông…

Những năm gần đây, hoạt động dịch vụ của Liên đoàn đạt từ 20-35 tỷ đồng/năm, vượt chỉ tiêu từ 120-135%;  Nhờ đó, Liên đoàn thực hiện tốt nghĩa vụ với Nhà nước và nâng cao đời sống CBCNV với thu nhập bình quân của người lao động năm 2005 là 2,7 triệu đồng /người /tháng, năm 2009 tăng lên 5,5 triệu đồng; góp phần  phát triển KT – XH, ổn định an ninh – quốc phòng tại các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, đuợc lãnh đạo các địa phương đánh giá cao.

Hiện nhu cầu sử dụng nước của các quốc gia ngày càng tăng, nạn khan hiếm nước sẽ xảy ra với nhiều nước trên thế giới; quá trình biển đổi khí hậu đã và đang tác động trực tiếp, gây ảnh hưởng xấu đến tài nguyên nước ở Việt Nam, với chức năng nhiệm vụ của mình, Liên đoàn có hoạt động gì để cùng cả nước giảm thiểu các nguy cơ này, tạo bước phát triển bền vững, thưa ông?

Liên đoàn trưởng Nguyễn Lưu: Chúng tôi tiếp tục điều tra, đánh giá TNN, quy hoạch TNN theo lưu vực và địa giới hành chính, gắn liền với BVMT bền vững. Tập trung vào các lĩnh vực: Biên hội – thành lập bản đồ TNN dưới đất tỉ lệ 1/200.000 trên địa bàn và ghép nối với bản đồ TNN dưới đất cùng tỷ lệ của toàn quốc; Điều tra đánh giá TNN dưới đất tỷ lệ 1/50.000 tại các vùng trọng điểm phát triển KT-XH, các khu CN tập trung liên tỉnh; gắn công tác điều tra TNN với ảnh hưởng của biển đổi khí hậu và nước biển dâng, đề xuất các biện pháp ứng phó hữu hiệu. Tiếp tục duy trì nhiệm vụ quan trắc quốc gia động thái NDĐ ở Tây Nguyên, đồng thời triển khai hoạt động của mạng quan trắc quốc gia động thái NDĐ ở các tỉnh duyên hải miền Trung; đẩy mạnh công tác quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết TNN dưới đất và các lưu vực sông lớn,  xuyên quốc gia; xây dựng đề án bảo vệ TNN ở các đô thị lớn; Điều tra, đánh giá chi tiết TNN ở các đảo…

Đối với những vùng đặc biệt thiếu nước sinh hoạt, để tăng trữ lượng tái tạo các tầng chứa nước bị khô cạn,  Liên đoàn sẽ nghiên cứu, đề xuất những biện pháp bổ sung nhân tạo cho các tầng chứa NDĐ nhằm giảm thiểu suy kiệt nước, nhất là ở các tỉnh duyên hải miền Trung.      

Xin cám ơn ông!

 

(Theo Thu Nga – Monre)