Làm việc với Ban Quy hoạch tài nguyên nước và Trung tâm Cảnh báo và Dự báo tài nguyên nước về hồ sơ 02 Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng – Thái Bình và Cửu Long

Sáng ngày 16/06/2022, tại Trụ sở Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã diễn ra buổi làm việc của lãnh đạo Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia với Ban Quy hoạch tài nguyên nước và Trung tâm Cảnh báo và Dự báo tài nguyên nước về hồ sơ 02 Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng – TháiBình và Cửu Long. Chủ trì buổi làm việc là Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tống Ngọc Thanh. Tham dự có Phó Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Hà; đại diện lãnh đạo của các Ban Quy hoạch tài nguyên nước, Ban Quan trắc giám sát tài nguyên nước và Trung tâm Cảnh báo và Dự báo tài nguyên nước.

Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tống Ngọc Thanh chủ trì buổi làm việc

Mục tiêu chung: bảo đảm phân bổ công bằng và hợp lý nguồn nước giữa các vùng, nhóm đối tượng sử dụng nước, các tỉnh; cơ bản giải quyết được tình trạng mâu thuẫn trong phân bổ, chia sẻ, khai thác, sử dụng nước giữa các đối tượng sử dụng nước; bảo đảm nguồn nước cho các ưu tiên phát triển mang tính chiến lược, ổn định an sinh xã hội; cân bằng giữa lượng nước có thể khai thác và nhu cầu sử dụng nước có xét đến sự biến động nguồn nước do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và do khai thác, sử dụng nước ở thượng lưu; bảo vệ được các hệ sinh thái phụ thuộc vào nước, kiểm soát được tình trạng gia tăng ô nhiễm nguồn nước ở các khu dân cư, khu đô thị lớn, khu công nghiệp tập trung; hạn chế tình trạng xâm nhập mặn vùng cửa sông và các tầng chứa nước; kiểm soát được tình trạng sạt, lở bờ sông; phòng, chống sụt, lún đất do khai thác nước dưới đất quá mức và giảm thiểu các tác hại do nước gây ra; bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững nguồn nước.

Các nội dung tập trung xây dựng trong quy hoạch tổng tổng hợp lưu vực sông Hồng – Thái Bình và Cửu Long

Chức năng nguồn nước

+ Chức năng nguồn nước mặt được thể hiện cho từng sông, đoạn sông với các nội dung cụ thể như sau:  tên nguồn nước, đoạn sông xác định chức năng; chiều dài nguồn nước; vị trí điểm đầu, điểm cuối theo đơn vị hành chính (xã, huyện, tỉnh); chức năng ( các mục đích sử dụng nước chính theo từng giai đoạn) trong kỳ quy hoạch; mục tiêu chất lượng nước tối thiểu cần đạt được cho từng nguồn nước để đáp ứng yêu cầu sử dụng của các mục đích sử dụng nước chính phân theo gia đoạn đến 2025, 2026-2030.

+ Chức năng nguồn nước dưới đất thể hiện chung theo từng vùng quy hoạch, không phân theo từng tầng chứa nước.

Lượng nước có thể khai thác, sử dụng

+ Đối với nguồn nước mặt thể hiện các nội dung, thông tin như sau: tên vùng quy hoạch; tên nguồn nước; lượng nước có thể khai thác, sử dụng tùng tháng ứng với tần suất nước 50%, 85% .

+ Đối với nguồn nước dưới đất thể hiện các nội dung, thông tin như sau: tên vùng quy hoạch; lượng nước có thể khai thác, sử dụng theo từng tầng chứa nước.

Dòng chảy tối thiểu trên sông và ngưỡng giới hạn khai thác của các tầng chứa nước

+ Dòng chảy tối thiểu trên sông thể hiện các thông tin chính như sau: tên sông, đoạn sông xác định dòng chảy tối thiểu; chiều dài đoạn sông xác định dòng chảy tối thiểu; vị trí điểm quy định dòng chảy tối thiểu; vị trí địa lý điểm xác định dòng chảy tối thiểu theo xã, huyện tỉnh; giá trị dòng chảy tối thiểu xác định.

+ Ngưỡng giới hạn khai thác của các tầng chứa nước thể hiện các thông tin chính như sau: tên vùng quy hoạch; tên tầng chứa nước; trữ lượng nước có thể khai thác; mực nước hạ thấp cho phép.

Lượng nước phân bổ cho các đối tượng sử dụng

Lượng nước phân bổ cho các đối tượng sử dụng thể hiện các nội dung thông tin chính như sau: tên vùng quy hoạch; tên nguồn nước; lượng phân bổ cho các đối tượng sử dụng nước theo tháng ứng với tần suất nước 50%, 85% .

Nguồn nước dự phòng cấp nước cho sinh hoạt

Nguồn nước dự phòng cấp nước cho sinh hoạt thể hiện các thông tin chính: tên các khu vực có khai thác, sử dụng nước cho sinh hoạt có nguy cơ xảy ra ô nhiễm trong kỳ quy hoạch; tên nguồn nước dự phòng; lượng nước dự phòng.

Công trình điều tiết, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước

+ Đối với các công trình khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước: hồ chứa thủy lợi 500.000 m3; thủy điện 2MW; các công trình khai thác nước mặt cho các mục đích khác từ 50.000 m3/ng trở lên; các công trình khai thác nước dưới đất cho các mục đích từ 3.000 m3/ng trở lên.

+ Công trình điều tiết, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước thể hiện các thông tin chính: tên công trình; loại hình công trình; vị trí công trình (xã, huyện, tỉnh); thông số công trình; nguồn nước khai thác; mục đích khai thác.

Báo cáo tại buổi làm việc, Trưởng ban Ban Quy hoạch tài nguyên nước Đỗ Trường Sinh cho biết, đến nay hồ sơ sản phẩm của dự án cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên, một số nội dung liên quan đến công tác mô hình và xây dựng kịch bản quy hoạch lưu vực sông vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Dự kiến thời gian hoàn thành hồ sơ sản phẩm cho dự án sẽ vào cuối tháng 6.

Kết luận tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc Tống Ngọc Thanh đánh giá cao sự nỗ lực của cán bộ nhân viên tham gia dự án. Trong thời gian ngắn còn lại, Tổng Giám đốc mong muốn các đơn vị tham gia cùng nhau phối hợp hoàn thiện hồ sơ sản phẩm theo đúng dự kiến đặt ra.

Toàn cảnh buổi làm việc