Sáng ngày 01/07/2021, tại trụ sở Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tổng giám đốc Tống Ngọc Thanh, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Hà và Ban Quy hoạch tài nguyên nước đã tham gia họp trực tuyến Báo cáo Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng hợp Lưu vực sông Sê San đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chủ trì cuộc họp là ông Châu Trần Vĩnh – Cục trưởng Cục tài nguyên nước, cùng tham gia có một số đơn vị trực thuộc Bộ tài nguyên môi trường và các chuyên gia địa chất thủy văn.

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Hà cho biết, quy hoạch lưu vực sông Sê San bắt đầu từ năm 2017, đến nay đã xây dựng xong báo cáo đánh giá tác động môi trường và lấy ý kiến các đơn vị trong bộ Tài nguyên môi trường cho hồ sơ quy hoạch tổng hợp lưu vực sông. Phạm vi của quy hoạch là toàn bộ lưu vực sông Sê San thuộc Việt Nam với tổng diện tích là 11450 km2. Đối tượng quy hoạch là nguồn nước mặt (7 sông, suối liên tỉnh) và nguồn nước dưới đất (các tầng chứa nước khe nứt, lỗ hổng).
Mục tiêu quy hoạch: Điều hòa, phân bổ công bằng, hợp lý nguồn nước giữa các đối tượng sử dụng nước, các vùng, các tỉnh trên lưu vực sông có xét đến sự biến động nguồn nước do tác động của biến đổi khí hậu. Bảo vệ được các hệ sinh thái phụ thuộc vào nước, kiểm soát được tình trạng gia tăng ô nhiễm nguồn nước ở các khu dân cư, khu đô thị lớn, khu công nghiệp tập trung. Phát triển tài nguyên nước, nâng cao hiệu quả kinh tế sử dụng nước và phòng, chống các tác hại do nước gây ra.
Đề án đã phân vùng quy hoạch thành 6 tiểu lưu vực Thượng Đăk Bla, Hạ Đăk Bla, Thượng Sê San, Trung Sê San, Hạ Sê San, Sa Thầy. Sau khi phân vùng trên cơ sở số liệu (quan trắc khí tượng thủy văn từ 1980-2017, 2018, tiêu chuẩn khí tượng thủy văn), quan trắc nước dưới đất lấy từ mạng quan trắc tài nguyên nước quốc gia của Nawapi, kịch bản biến đổi khí hậu MONRE 2016) sử dụng các phương pháp (xác xuất thống kê , công thức kinh nghiệm, mô hình toán SWAT, MIKE NAM, MIKE 11 HD và các công cụ hỗ trợ) tính toán hiện trạng tài nguyên nước, diễn biến tài nguyên nước, lượng nước ra khỏi lưu vực, lượng lũ không thể trữ được, lượng nước mặt có thể sử dụng, lượng nước dưới đất có thể khai thác, tổng lượng nước có thể khai thác sử dụng. Tổng lượng nước có thể khai thác, sử dụng trên lưu vực sông Sê San đến năm 2030 không vượt quá 14,3 tỷ m3, đến năm 2050 không vượt quá 14,1 tỷ m3.
Dựa vào hiện trạng nhu cầu khai thác sử dụng nước đề án đã xây dựng, đánh giá và lựa chọn kịch bản để đưa ra dự báo nhu cầu khai thác sử dụng tài nguyên nước. Tổng nhu cầu khai thác, sử dụng nước trên toàn lưu vực sông Sê San đến năm 2030 khoảng 1 tỷ m3, đến năm 2050 khoảng 1,5 tỷ m3. Dựa vào mục đích sử dụng nước để phân chức năng nguồn nước gồm cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thủy điện và du lịch – dịch vụ.
Dự án cũng đã xác định được dòng chảy tối thiểu trên các sông suối. Xác định được nguồn nước dự phòng cấp nước cho sinh hoạt trong tầng chứa nước khe nứt lỗ hổng vỉa các thành tạo đầm hồ trầm tích Neogen là khoảng 647.897 m3, trong tầng chứa nước khe nứt lỗ hổng phun trào Bazan Pleistocen giữa khoảng 397.099 m3. Xác định lượng nước phân bổ cho các đối tượng khai thác, sử dụng trong điều kiện bình thường đến năm 2030 khoảng 1 tỷ m3, đến năm 2050 khoảng 1,5 tỷ m3; trong điều kiện thiếu nước đến năm 2030 khoảng 928 m3, đến năm 2050 khoảng 1,3 tỷ m3. Đề xuất hiện trạng các công trình điều tiết. khai thác, sử dụng và phát triển tài nguyên nước.
Đưa ra giải pháp bảo vệ phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ chất lượng nước; Bảo vệ chất lượng nước; Phòng, chống sạt, lở bở, bãi sông; Phòng, chống sụt, lún đất do khai thác nước dưới đất. Thực hiện xây dựng và duy trì mạng quan trắc, giám tài nguyên nước theo Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Đồng thời thực hiện việc giám sát dòng chảy, chất lượng nước để bảo đảm dòng chảy tối thiểu và mục tiêu chất lượng nước trên các sông, suối.
Các giải pháp thực hiện Quy hoạch: Xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, mô hình toán để hỗ trợ ra quyết định điều hòa phân bổ nguồn nước trên lưu vực sông Sê San; Rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa trên các sông, suối thuộc lưu vực sông Sê San để nâng khả năng cấp nước cho hạ du, phòng, chống lũ và ứng phó với điều kiện biến đổi khí hậu; Khi Tổng cục Khí tượng, Thủy văn cảnh báo, dự báo tình hình khí tượng, thủy văn có thể gây hạn hán, thiếu nước trong 06 tháng tới, xây dựng kịch bản điều hòa, phân bổ nguồn nước trên lưu vực sông trong trường hợp cần thiết; Kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực sông Sê San thông qua việc kết nối, truyền thông tin, dữ liệu khai thác, sử dụng nước về hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định; Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước thông qua việc nâng cao khả năng tích nước, trữ nước theo dung tích thiết kế của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện; bổ sung xây dựng mới các công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp mục tiêu Quy hoạch; Xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước trên lưu vực sông Sê San; Ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để sử dụng nước tuần hoàn, tiết kiệm và tái sử dụng nước; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ đối với các khu vực thường xuyên xẩy ra hạn hán, thiếu nước để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước; Duy trì, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn và phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn bị suy thoái tại các khu vực thượng lưu sông Sê San; Việc quy hoạch, đầu tư xây mới các công trình xả nước thải vào nguồn nước phải phù hợp mục tiêu, chức năng nguồn nước theo quy định. Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, các công trình hiện có chưa bảo đảm mục tiêu chất lượng nước, chức năng nguồn nước có kế hoạch, đầu tư xây dựng nâng cấp hệ thống xử lý nước thải để bảo đảm việc xả nước thải vào nguồn nước theo đúng quy định tại Quyết định này; Đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước trên lưu vực sông Sê San; Khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và trám lấp các lỗ khoan…..
Phát biểu tại cuộc họp, Cục trưởng Cục tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết phân bổ nguồn lưu vực sông Sê San phụ thuộc vào các dòng nhánh là chính không phải dòng chính nên giải pháp phân bổ rất phức tạp. Chuỗi số liệu trung tâm sử dụng tính toán là đến 2017. Tuy nhiên, năm 2019-2020 diễn ra hạn hán mạnh, chúng ta đã phải có giải pháp cấp bách để đảm bảo nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân vùng Tây Nguyên. Nên khi tính toán cần đánh giá chuỗi số liệu đến mùa lũ năm 2020 để đưa ra giải pháp đúng, phù hợp.
Tại cuộc họp thì các thành viên hội đồng cho rằng cơ bản đề án có nội dung phong phú, viết chi tiết, rõ ràng, có cơ sở khoa học, luận chứng; sản phẩm đầy đủ; tính cấp thiết cao; bố cục hợp lý, đạt được mục tiêu của đề án. Tuy nhiên để tiếp tục hoàn thiện thì có một số góp ý như sau:
Phó cục trưởng Cục tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến cho rằng, mục tiêu của đề án đơn giản, không có sự gắn kết với nội dung và nhiệm vụ. Phần nội dung cần bổ sung đảm bảo tiêu thoát nước. Cần đưa ra phương hướng giải quyết nguồn nước dự phòng.
Theo giáo sư Hương Lan ở mục sự cần thiết cần làm rõ lý do tại sao cần có Quy hoạch tổng hợp Lưu vực sông Sê San. Bổ sung thêm phương pháp thực hiện lập quy hoạch, phân bố tầng chứa nước theo quy hoạch. Phần điều kiện tự nhiên bổ sung thêm đánh giá yếu tố chính ảnh hưởng đến quy hoạch.
PGS.TS Nguyễn Văn Lâm cho rằng, nên thống nhất tên báo cáo, mục tiêu trong dự thảo, thuyết minh, tờ trình, quyết định; thống nhất cấu trúc của báo cáo. Phần mục tiêu thì cần chi tiết, cụ thể hóa. Phần tính tính toán đánh giá tài nguyên nước có sự mâu thuẫn. Chưa phân tích căn cứ để đưa ra 9 vấn đề còn tồn tại của quy hoạch.
PGS.TS Nguyễn Tiền Giang cho rằng báo cáo nên nhấn mạnh tình trạng hạn hán, thiếu nước trầm trọng do bị ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Vùng quy hoạch có hiện tượng chia cắt của hồ thủy điện lớn và nhỏ làm dòng chảy lưu vực sông chết vì vậy cần nêu được các vấn đề và xác định các vùng. Mực nước ngầm ở đây bị hạ thấp do khai thác quá mức dẫn đến thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp.
Kết luận cuộc họp, Cục trưởng Cục tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh rất cám các thành viên hội đồng, cục sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý của các thành viên hội đồng sau đó gửi cho Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, trên cơ sở đó đề trung tâm tiếp tục rà soát, tiếp thu, chỉnh sửa Đề án, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ sản phẩm.
Một số ảnh tại cuộc họp:
