Khẳng định vị thế trong lĩnh vực quy hoạch và điều tra tài nguyên nước

1_gui_bo_TNMT

7 năm qua, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã từng bước khẳng định vị thế trong lĩnh vực quy hoạch và điều tra cơ bản tài nguyên nước của cả nước. Đề án Quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông liên tỉnh mới đây được Chính phủ phê duyệt một lần nữa khẳng định thương hiệu và vai trò quan trọng của Trung tâm trong công tác quy hoạch tài nguyên nước.

Kiện toàn bộ máy tổ chức và tăng cường năng lực cơ sở vật chất

Ông Tống Ngọc Thanh – Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia cho biết: Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước được thành lập theo Nghị định số 25 ngày 4/3/2008. Ngày 1/9/2013, Trung tâm được đổi tên thành Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia theo Nghị định số 21. Trên cơ sở đó, Trung tâm đã khẩn trương rà soát và trình Bộ trưởng ban hành Quyết định 1168 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm. Theo đó, chức năng của Trung tâm được bổ sung đầy đủ và toàn diện đáp ứng công tác quy hoạch điều tra cơ bản, công tác giám sát và bảo vệ tài nguyên nước (TNN). Bộ máy giúp việc Tổng Giám đốc được kiện toàn bao gồm Văn phòng, Ban Kế hoạch – Tài chính và 5 ban chuyên môn.

Các Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc, miền Trung và miền Nam đã thành lập mới các phòng chuyên môn để điều tra tài nguyên nước mặt, quan trắc nước dưới đất. Các Đoàn tài nguyên nước khai thác theo khu vực, các lưu vực sông lớn, tiến hành tái cơ cấu và sáp nhập, đổi tên các đơn vị để phát triển. 4 trung tâm trực thuộc của Trung tâm gồm: Cảnh báo và Dự báo tài nguyên nước; Chất lượng và Bảo vệ tài nguyên nước, Dữ liệu quy hoạch và điều tra tài nguyên nước, Tư vấn và Kỹ thuật tài nguyên nước.

Sau gần 7 năm hoạt động, Trung tâm đã thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao. Năm 2014 có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu 6 năm xây dựng và phát triển của Trung tâm. Vượt qua khó khăn, thử thách, Trung tâm ngày càng vững vàng trong công tác điều tra, đánh giá, quy hoạch TNN, góp phần nâng cao vị thế của Trung tâm trong lĩnh vực TNN. Trung tâm đã thực hiện và hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng: Tập trung mở mới để thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, những dự án trọng tâm, trọng điểm; xây dựng các văn bản QPPL; đẩy mạnh công tác cảnh báo, dự báo TNN; từng bước phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TNN. Niềm vui đặc biệt đối với mỗi cán bộ, viên chức là trong năm 2014, Trung tâm đã hoàn thành xây dựng, chuyển về hoạt động tại trụ sở mới khang trang, hiện đại và vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Từng bước khẳng định công tác quy hoạch tài nguyên nước

Công tác quy hoạch TNN có vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và gia tăng việc sử dụng nguồn nước của các ngành kinh tế như hiện nay. Theo lãnh đạo Trung tâm QH&ĐTTNNQG, hiện tại do chưa có quy hoạch TNN chung của cả nước, dẫn đến chưa xác định được mục tiêu, nhiệm vụ quản lý, điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ TNN, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên phạm vi toàn quốc; chưa xác định được các yêu cầu chuyển nước giữa các lưu vực sông và thứ tự ưu tiên lập quy hoạch đối với các lưu vực sông, các nguồn nước. Do chưa có các quy hoạch TNN lưu vực sông, nguồn nước liên tỉnh, dẫn đến tình trạng mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nguồn nước, ô nhiễm, suy thoái nguồn nước xảy ra ở nhiều nơi, nhiều lưu vực sông như Vu Gia -Thu Bồn, Hồng, Đồng Nai,…; chưa có cơ sở cho các ngành khai thác, sử dụng nước điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng nước một cách hiệu quả, hợp lý để bảo đảm lợi ích kinh tế – xã hội của quốc gia và bảo vệ nguồn nước…

Trước thực tế ấy, đến nay, Trung tâm đã hoàn thành việc thực hiện 02 dự án quy hoạch TNN (Quy hoạch TNN đảo Phú Quốc; Quy hoạch TNN vùng kinh tế trọng điểm miền Trung) và 02 nhiệm vụ lập quy hoạch (Lập nhiệm vụ Quy hoạch TNN các lưu vực sông Srepok, Bằng Giang – Kỳ Cùng).

Năm 2014, Trung tâm hoàn thành lập quy hoạch dự án “Quy hoạch Quản lý sử dụng tài nguyên nước và bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy đến năm 2015 và định hướng đến 2020” thuộc Đề án Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – Đáy đến năm 2020 và hoàn thành việc lập đề án Chính phủ “Quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông liên tỉnh” trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, Trung tâm đã phối hợp lập quy hoạch TNN cho  hơn 20 tỉnh, thành phố. Kết quả quy hoạch đã giúp các địa phương định hướng khai thác, sử dụng nước, bảo vệ nguồn nước.

Đặc biệt mới đây, theo đề xuất của Bộ TN&MT (đơn vị trực tiếp là Trung tâm) Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến chỉ đạo về việc phê duyệt đề án “Quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông liên tỉnh”.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ TN&MT tập trung tổ chức thực hiện việc rà soát, điều tra cơ bản TNN của cả nước, hướng dẫn các địa phương thực hiện điều tra cơ bản về TNN trên phạm vi địa bàn; lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch TNN chung của cả nước theo đúng quy định của Luật Tài nguyên nước. Có thể nói đây là tín hiệu vui đối với những người làm công tác quy hoạch TNN và trong tương lai không xa các lưu vực sông liên tỉnh sẽ có quy hoạch sử dụng nguồn nước hợp lý, hiệu quả.

Điều tra TNN góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội

Trung tâm đã và đang thực hiện 05 dự án trong đó: 01 dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt (vùng biên giới Việt Nam – Lào thuộc lưu vực sông Mã, sông Cả); 01 dự án điều tra xác định dòng chảy tối thiểu (lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn) và 03 dự án điều tra, đánh giá tổng quan tài nguyên nước kết hợp cả nước mặt và nước dưới đất (Vùng thủ đô Hà Nội, vành đai kinh tế biển ven vịnh Bắc Bộ và lưu vực sông Lô – Gâm).

Đối với công tác điều tra TNN dưới đất, Trung tâm đã tiến hành lập bản đồ địa chất thuỷ văn tại nhiều địa phương trong cả nước với mục tiêu chỉnh lý, thành lập bản đồ TNN dưới đất thống nhất và cập nhật trên phạm vi cả nước nhằm định hướng quy hoạch TNN, xây dựng các kế hoạch dài hạn về điều tra, đánh giá TNN dưới đất và phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về TNN.

Ngoài ra, Trung tâm cũng đã hoàn thành điều tra, lập báo cáo tổng kết và trình thẩm định, phê duyệt kết quả dự án Chính phủ “Điều tra, đánh giá nguồn nước dưới đất khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ” tại 15 tỉnh với diện tích 118.722 km2, là địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh, chính trị, kinh tế – xã hội; Triển khai thực hiện dự án điều tra, đánh giá TNN dưới đất vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long theo phê duyệt với diện tích điều tra 12.698 km2 làm cơ sở cho công tác quản lý, quy hoạch TNN; Triển khai dự án Điều tra, đánh giá tài nguyên nước vùng Thủ đô bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính Thủ đô Hà Nội và 7 tỉnh.

Trung tâm cũng đã thực hiện việc điều tra, đánh giá nguồn nước tại các vùng đặc biệt thiếu nước sinh hoạt thuộc các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, vùng cao nguyên đá vôi khô hạn thuộc thị trấn Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang; điều tra, đánh giá nguồn nước tại 5 đảo và cụm đảo (Thanh Lân, Trà Bản, tỉnh Quảng Ninh; Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Hòn Tre, Hòn Chuối, tỉnh Kiên Giang), 40 vùng sâu thuộc 10 tỉnh Nam Bộ; Triển khai điều tra xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất tầng Neogen từ Đà Nẵng đến Bình Thuận nhằm quản lý, bảo vệ TNN một cách khoa học và hiệu quả; thực hiện điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ các làng ung thư ở Việt Nam với mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần khắc phục và giảm nhẹ tình trạng bệnh tật ở các làng ung thư do ảnh hưởng của điều kiện kinh tế – xã hội.

(Theo Báo Tài nguyên và Môi trường)