Sáng ngày 24/11/2015 tại Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì. Đồng chí Nguyễn Thái Lai, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tới dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Đến dự buổi lễ có đồng chí Phạm Khôi Nguyên, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng chí Nguyễn Công Thành, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng chí Trương Văn Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua, khen thưởng và Tuyên truyền; đồng chí Nguyễn Văn Triều, Phó Chánh Thanh tra Bộ; đồng chí Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước; đồng chí Tống Ngọc Thanh, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia; đại diện Lãnh đạo Văn phòng, Ban Kế hoạch Tài chính, Ban Quan trắc tài nguyên nước, các đơn vị trực thuộc Trung tâm; các đồng chí nguyên là Lãnh đạo Liên đoàn qua các thời kỳ, cùng các Sở, Ban ngành, đơn vị hữu quan cùng tham dự.
Năm 1973, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, ngành Địa chất đưa một số đơn vị vào hoạt động ở vùng giải phóng miền Nam. Đoàn Địa chất Thủy văn B3 được thành lập tại Yên Viên – Hà Nội (tháng 10/1973) với nhiệm vụ chuẩn bị củng cố tổ chức để vào chiến trường Tây Nguyên (B3). Năm 1974, Đoàn Địa chất Thủy văn B3 chuyển đến Tây Nguyên và đóng quân ở PleiKần (Kon Tum).
Tháng 8/1975, Đoàn Đoàn Địa chất Thủy văn B3 được quyết định đổi tên thành Đoàn Địa chất 66 Tây Nguyên. Đến tháng 11/1975, theo đề nghị của Tổng cục Địa chất, Chính phủ ra Quyết định số 207/CP ngày 22/11/1975 thành lập Liên đoàn Địa chất Thủy văn miền Nam trên cơ sở Đoàn Địa chất 66 Tây Nguyên; đó chính là tổ chức tiền thân của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung ngày nay.
Năm 1997, Liên đoàn được đổi tên là Liên đoàn Địa chất Thủy văn – Địa chất Công trình miền Trung, địa bàn hoạt động gồm: Tây Nguyên và các tỉnh ven biển Duyên hải Nam Trung Bộ (từ Đà Nẵng đến Bình Thuận).
Năm 2008, do nhu cầu đẩy mạnh hơn nữa công tác quy hoạch, điều tra, kiểm kê tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 1233/QĐ-BTNMT, ngày 12/6/2008 đổi tên Liên đoàn Địa chất Thủy văn – Địa chất Công trình miền Trung thành Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung.
Theo đó, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, có chức năng lập quy hoạch và điều tra cơ bản tài nguyên nước trên địa bàn các tỉnh, thành phố từ thành phố Đà Nẵng đến tỉnh Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên (gọi tắt là các tỉnh miền Trung); cung cấp các dịch vụ công về tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.
Báo cáo tại buổi Lễ, đồng chí Nguyễn Lưu, Liên đoàn trưởng Liên đoàn QH&ĐT TNN miền Trung cho biết, 40 năm qua, Liên đoàn QH&ĐT TNN miền Trung đã thực hiện hoàn thành 134 đề án, dự án, đề tài khoa học – công nghệ Nhà nước giao và hàng chục dự án, đề tài khoa học – công nghệ cấp tỉnh, trong đó phải kể đến những kết quả nổi bật sau:
Thành lập các bản đồ địa chất thủy văn, địa chất công trình tỷ lệ 1/200.000 trên các vùng với tổng diện tích 103.870 km2, chiếm tới 90% diện tích địa bàn hoạt động của Liên đoàn. Các bản đồ này là những tài liệu hết sức quan trọng, là cơ sở khoa học phục vụ công tác quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội vùng, miền.
Hoàn thành các tờ bản đồ địa chất thủy văn 1/50.000 tại các vùng trọng điểm phát triển kinh tế – xã hội, với tổng diện tích điều tra 23.829 km2, trữ lượng tiềm năng của nước dưới đất trong khu vực đã được đánh giá với trữ lượng 25.741.662 m3/ngày; khoanh nối được ranh giới các tầng chứa nước; các vùng tiềm ẩn các nguy, ô nhiễm môi trường…
Điều tra địa chất đô thị trên địa bàn miền Trung với 12 khu đô thị và 14 hành lang kinh tế trọng điểm được điều tra, khảo sát, lập bản đồ, với tổng diện tích 4.967 km2, phục vụ kịp thời công tác quy hoạch, phát triển các đô thị khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Tìm kiếm, thăm dò nước dưới đất ở 82 vùng, kết quả đánh giá trữ lượng khai thác nước dưới đất cấp A+B là 52.331 m3/ngày, cấp C1 là 657.130 m3/ngày, cấp C2 là 41.701.090 m3/ngày. Dựa vào kết quả đánh giá trữ lượng nêu trên, các địa phương đã đầu tư xây dựng nhiều công trình cấp nước, cung cấp nước sạch cho các thành phố, thị xã, các khu công nghiệp quan trọng như Buôn Ma Thuột, PleiKu, Đăk Nông, Tuy Hòa, Quy Nhơn, Quảng Ngãi…
Đặc biệt các đề án “Điều tra, đánh giá nguồn nước dưới đất ở vùng núi Trung Bộ và Tây Nguyên”; “Điều tra, đánh giá nguồn nước dưới đất ở một số vùng trọng điểm thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên”; “Điều tra, đánh giá nước dưới đất các vùng đặc biệt thiếu nước sinh hoạt thuộc các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận”; đã có khoảng 530.000 người dân trong các vùng dự án được hưởng lợi nguồn nước sạch, với trữ lượng khai thác khoảng 32.000 m3/ngày.
Mạng lưới quan trắc quốc gia tài nguyên nước ở Tây Nguyên được thiết lập từ năm 1991 và đã vận hành quan trắc liên tục từ đó đến nay với 212 trạm; Năm 2010 đưa vào quan trắc 46 trạm vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và 7 trạm quan trắc nước mặt. Kết quả quan trắc đã được cập nhật, chỉnh lí, tổng hợp, thường xuyên thông báo đến Sở Tài nguyên và Môi trường của các tỉnh, đồng thời dự báo, cảnh báo về sự thay đổi của nước dưới đất trong các tháng mùa khô, giúp các địa phương chủ động hơn trong việc đối phó khắc phục hạn hán.
Trong quá trình điều tra thành lập bản đồ ĐCTV và thăm dò nước khoáng tại các địa phương đã phát hiện thêm nhiều nguồn mới, nâng tổng số nguồn nước khoáng tại các địa phương đã được phát hiện, trên địa bàn Tây Nguyên và các tỉnh Duyên hải miền Trung lên tới 102 điểm; tiến hành thăm dò một số nguồn nước khoáng nóng như Vĩnh Hảo, Đảnh Thạnh, Thạch Bích, Tu Bông, Phú Sen, Vạn Giã, Vĩnh Phương, Suối Dầu, Đắk Mil, Văn Lâm, Đa Kai, Hội Vân, Hóc Chim, Phong Điền, Nhị Hà v.v…; 17 nguồn nước khoáng nóng đã được thăm dò đánh giá trữ lượng đạt lưu lượng 5.763 m3/ngày. Hiện nay, các địa phương đang khai thác với nhiều mục đích khác nhau (nước giải khát, khai thác khí CO2, chữa bệnh, nghỉ dưỡng, tham quan du lịch…).
Tìm kiếm, thăm dò đá vôi vùng Chư Sê, Chư Minh; sét gạch ngói vùng Tây Buôn Ma Thuột; fenspat vùng Eaknop; Điatomit vùng Kon Tum… với tổng trữ lượng hàng triệu tấn, các mỏ này đang được địa phương khai thác.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, thay mặt Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ TN&MT, đồng chí Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã biểu dương và chúc mừng những thành tích Liên đoàn đã đạt được trong 40 năm qua. Trong chặng đường 40 năm xây dựng và trưởng thành, CBCNV Liên đoàn qua nhiều thế hệ đã không ngừng phấn đấu và đạt được những thành tựu to lớn trong công tác điều tra cơ bản về địa chất thủy văn, địa chất công trình, quy hoạch, điều tra đánh giá tài nguyên nước, kể cả nước khoáng, nước nóng; quan trắc động thái nước dưới đất; điều tra địa chất đô thị, địa chất tai biến, địa chất môi trường… Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai mong rằng trong thời gian tới, phát huy truyền thống và những kết quả đã đạt được trong 40 năm qua, Liên đoàn sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo, đổi mới để ngày càng lớn mạnh, hoàn thành tốt hơn nữa các nhiệm vụ được giao. Liên đoàn cần tập trung giải quyết một số vấn đề cụ thể sau: (i)Tiếp tục thực hiện quy hoạch và điều tra tài nguyên nước trên địa bàn Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; gắn kết quả hoạt động của Liên đoàn phục vụ kịp thời cho công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước; tham gia tích cực giải quyết nhu cầu nước sạch cho cộng đồng và phát triển KT-XH vùng, miền; (ii) Cần định hướng mở các nhiệm vụ mới như: Lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:100.000, 1:50.000 các vùng trọng điểm; Điều tra, đánh giá thành lập bản đồ đặc trưng các sông suối, hồ, đầm khu vực Nam Trung Bộ và Tây nguyên; Xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trong các tầng chứa nước bazan khu vực Tây Nguyên; Điều tra, đánh giá hiện trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất vùng ven biển Nam Trung Bộ và tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ khác do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia giao; (iii) Để thực hiện các nhiệm vụ tài nguyên nước có hiệu quả, cần bám sát kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 27-NQ/BCSĐTNMT về đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường; Chương trình mục tiêu quốc gia về nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng TNN và các văn bản pháp quy về TNN; kế hoạch nhiệm vụ tài nguyên nước 5 năm (2016 – 2020) của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra TNN quốc gia; (iv) Phải củng cố và xây dựng nguồn nhân lực về lĩnh vực tài nguyên nước đủ về số lượng, mạnh về chất lượng để đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ của Liên đoàn, của Trung tâm và Bộ giao; cần xây dựng và tập trung đào tạo có trọng tâm đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và nghiệp vụ có trình độ chuyên môn sâu, thông thạo ngoại ngữ; chú trọng từng bước trẻ hóa đội ngũ cán bộ chuyên môn của Liên đoàn. Đồng thời, Liên đoàn phải tăng cường công tác hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực, kiến thức khoa học công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ lĩnh vực tài nguyên nước của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Ghi nhận những thành tích trong 40 năm qua, Đảng, Nhà nước đã trao tặng cho Liên đoàn nhiều phần thưởng cao quý: 02 Huân chương Độc lập hạng Nhì và hạng Ba; 16 Huân chương Lao động các hạng, 18 Bằng khen của Thủ tướng cho tập thể và cá nhân; 01 cờ thi đua của Chính phủ và 06 Cờ thi đua của Bộ và Tỉnh; 199 Bằng khen của Bộ và của địa phương.
Tại buổi Lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Đồng chí Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trao tặng Huân chương Độc lập Hạng Nhì cho tập thể Liên đoàn QH&ĐT TNN miền Trung vì thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ được giao; cùng những danh hiệu thi đua, khen thưởng cao quý khác cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc.
Nhân dịp này, đồng chí Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cũng tặng quà lưu niệm cho tập thể Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung.
(Thanh Loan- VP NAWAPI)