Sáng ngày 01/09/2021 tại trụ sở Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Phó Tổng giám đốc Triệu Đức Huy đã chủ trì cuộc họp trực tuyến rà soát nội dung cần hoàn thiện bổ sung Báo cáo kết quả Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” – Đô thị Tuy Hoà. Tham dự cuộc họp có các đại diện Lãnh đạo Ban Điều tra tài nguyên nước, Ban Kế hoạch – Tài chính, Ban Quy hoạch tài nguyên nước, Ban Quan trắc giám sát tài nguyên nước, Ban Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế và Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung.

Phú Yên là một tỉnh có vị thế quan trọng của vùng duyên hải miền Trung cũng như cả nước về các mặt kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng. Đô thị Tuy Hòa là trung tâm kinh tế, chính trị – xã hội của tỉnh Phú Yên, có ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển chung của khu vực Miền Trung và Tây Nguyên.
Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ tại tỉnh nói chung và thành phố Tuy Hòa nói riêng đã và đang làm biến đổi mạnh mẽ các điều kiện môi trường và tài nguyên ở đây. Dân số tăng nhanh, kinh tế phát triển dẫn đến nhu cầu sử dụng nước trong sinh hoạt, sản xuất và các hoạt động khác của tỉnh ngày càng lớn. Việc khai thác nước dưới đất ngày càng nhiều, khó kiểm soát, lượng nước thải sinh hoạt, sản xuất công nghiệp chưa được thu gom xử lí triệt để. Do vậy tình trạng suy giảm nguồn tài nguyên nước (nhiễm mặn, ô nhiễm, cạn kiệt) đã và đang làm ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển bền vững của đô thị.
Theo thống kê sơ bộ, lượng nước khai thác sử dụng cho sinh hoạt ở đô thị Tuy Hòa khoảng 68.900 m3/ng, chủ yếu được khai thác từ nguồn nước dưới đất bằng các công trình khai thác như giếng đào và giếng khoan. Trong đó, nước dưới đất được khai thác từ nhà máy nước Tuy Hòa với lưu lượng khai thác 28.000 m3/ng. Như vậy, mỗi năm đô thị Tuy Hòa khai thác khoảng 25.148.500m3 nước để phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất. Ngoài ra, chưa tính đến số lượng lớn các công trình khai thác đơn lẻ nằm rải rác trong đô thị mà chưa được thống kê.
Nguồn cung cấp nước chính cho đô thị Tuy Hòa là nước dưới đất do vậy nước dưới đất đã trở thành nguồn tài nguyên quý giá và phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Trong những năm gần đây, hiện trạng khai thác nước dưới đất chưa được quy hoạch và nghiên cứu chi tiết nên đã dẫn tới hiện tượng xâm nhập mặn nước dưới đất ngày càng gia tăng.
Về nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, theo tài liệu thu thập trước đây đã phát hiện một số điểm có hàm lượng Nitơ lớn hơn giới hạn cho phép tại khu vực Tp. Tuy Hòa. Ngoài ra, hiện nay tại các khu vực An Phú, Thọ Vức là nơi tập trung các khu công nghiệp, bãi rác, bãi chôn lấp chất thải, nghĩa địa đây là các nguồn gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước dưới đất.
Ngoài ra, giai đoạn I của Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia chủ trì thực hiện từ năm 2013 và hoàn thành năm 2018. Kết quả đã hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế – kỹ thuật, đáp ứng các mục tiêu đã đề ra. Các giải pháp kỹ thuật chủ yếu cho đô thị bao gồm: Quy hoạch vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; Quy hoạch khai thác sử dụng tài nguyên nước dưới đất; Quy hoạch vùng bảo vệ miền cấp, đới bảo vệ công trình khai thác nước dưới đất; Quy hoạch xây dựng, hoàn chỉnh mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước dưới đất và bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất.
Đã xây dựng được các hướng dẫn kỹ thuật. Các hướng dẫn kỹ thuật này là tài liệu hết sức hữu ích trong quá trình triển khai bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn giai đoạn tiếp theo đảm bảo khả thi và hiệu quả.
Đề án đã xây dựng và đưa vào vận hành, khai thác phần mềm và bộ cơ sở dữ liệu đồng bộ, đầy đủ về tài nguyên nước dưới đất. Phần mềm cơ sở dữ liệu được tích hợp, kết nối các thông tin cơ sở dữ liệu của mạng quan trắc Quốc gia và mạng quan trắc địa phương do đó có thể dễ dàng tra cứu, sử dụng và cập nhật các thông tin về tài nguyên nước phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước và bảo vệ tài nguyên nước.
Bàn giao cho các địa phương làm cơ sở để quản lý và triển khai các giải pháp bảo vệ nước dưới đất, bảo đảm mục tiêu khai thác hiệu quả, bền vững tài nguyên nước.
Từ thực tiễn và những kết quả của Giai đoạn I nêu trên cho thấy việc tiếp tục triển khai Đề án hợp phần “Bảo vệ nước dưới đất ở đô thị Tuy Hòa” thực hiện trong giai đoạn II là rất cần thiết và cấp bách. Đề án sẽ là tiền đề quan trọng đối với nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên nước dưới đất cho địa phương.
Mục tiêu dự án: Trên cơ sở đánh giá nguồn nước dưới đất ở các đô thị lớn, đề xuất các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ, phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tình trạng nhiễm mặn, ô nhiễm và cạn kiệt nước dưới đất tại đô thị Tuy Hòa
Phạm vi thực hiện: Căn cứ vào địa giới hành chính, đường phân thủy trên mặt, lưu vực sông, ranh giới miền cấp, miền thoát, nhiễm mặn và ô nhiễm của các tầng chứa nước Holocen, Pleistocen xác định được phạm vi thực hiện. Do đó, phạm vi bảo vệ nước dưới đất ở đô thị Tuy Hòa được xác định bao gồm: toàn bộ thành phố Tuy Hòa và một phần các huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa với tổng diện tích 680 km2.
Nội dung chủ yếu của Đề án: Để bảo vệ nước dưới đất ở đô thị Tuy Hòa, cần thiết phải thực hiện 3 nội dung theo trình tự sau:
Điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất:
– Điều tra bổ sung, đánh giá và xác định điều kiện tồn tại, sự phân bố, số lượng, chất lượng của các tầng chứa nước dưới đất.
– Trọng tâm của nội dung này tập trung nghiên cứu để giải quyết các vấn đề chính sau đây: Làm sáng tỏ cấu trúc, điều kiện, thông số địa chất thủy văn của các tầng chứa nước cần bảo vệ; xác định sự phân bố, miền cung cấp, vận động và thoát của các tầng chứa nước cần bảo vệ; xác định mối quan hệ thủy lực giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa các tầng chứa nước cần bảo vệ; xác định trữ lượng khai thác tiềm năng, trữ lượng có thể khai thác của các tầng chứa nước cần bảo vệ; xác định chất lượng nước dưới đất trong các tầng chứa nước cần bảo vệ;
– Điều tra xác định khả năng tự bảo vệ của các tầng chứa nước; mức độ cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất.
– Trọng tâm của nội dung này tập trung để giải quyết các vấn đề chính sau đây: Xác định các chỉ tiêu cơ bản để đánh giá khả năng và mức độ tự bảo vệ của các tầng chứa nước; xác định các nguồn có khả năng gây ô nhiễm nước dưới đất; xác định mức độ ô nhiễm, nhiễm mặn nước dưới đất của các tầng chứa nước; xác định hiện trạng khai thác nước dưới đất và mức độ cạn kiệt của các tầng chứa nước;
Bảo vệ tài nguyên nước dưới đất: Trọng tâm của nội dung này tập trung để giải quyết các vấn đề chính sau đây:
– Đánh giá toàn diện về hiện trạng tài nguyên nước dưới đất; mức độ nhiễm mặn, ô nhiễm, cạn kiệt đối với từng nguồn nước dưới đất tại đô thị;
– Xây dựng các phương án và đề xuất lộ trình khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất; phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; các phương án hồi phục trữ lượng, chất lượng nước dưới đất khoanh vùng bảo vệ miền cấp cho nước dưới đất và vùng bảo hộ vệ sinh công trình lấy nước sinh hoạt;
– Thiết kế mạng lưới quan trắc, giám sát các tầng chứa nước cần bảo vệ;
– Xây dựng các bản đồ tỷ lệ 1:25.000 về: trữ lượng nước dưới đất, chất lượng nước dưới đất; định hướng khai thác nước dưới đất; mức độ cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn nước dưới đất; phân vùng hạn chế khai thác; khoanh vùng bảo vệ miền cấp và vùng bảo hộ vệ sinh công trình lấy nước sinh hoạt; các khu vực có khả năng phục hồi nguồn nước và thứ tự ưu tiên; mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước dưới đất.
Xây dựng cơ sở dữ liệu và mạng quan trắc nước dưới đất: Trọng tâm của nội dung này tập trung để giải quyết các vấn đề chính sau đây:
– Cập nhập cơ sở dữ liệu tài nguyên nước dưới đất trên cơ sở kế thừa toàn bộ cấu trúc mô hình cơ sở dữ liệu đã được xây dựng trong giai đoạn I, chỉ tính khối lượng dữ liệu tại các đô thị nghiên cứu trong giai đoạn II. Cơ sở dữ liệu đảm bảo tính thống nhất với cơ sở dữ liệu mạng quan trắc tài nguyên nước quốc gia và phù hợp với định hướng chung khi xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung tài nguyên nước và khí tượng thủy văn.
– Chuyển giao, cài đặt và vận hành phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu tài nguyên nước dưới đất, bảo đảm kết nối giữa Trung ương với địa phương. Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu tài nguyên nước dưới đất này sẽ được kế thừa hoàn toàn từ giai đoạn I.
Tại cuộc họp thì các thành viên hội đồng cho rằng cơ bản đề án có nội dung phong phú, viết chi tiết, rõ ràng, có cơ sở khoa học, luận chứng; sản phẩm đầy đủ; tính cấp thiết cao; bố cục hợp lý, đạt được mục tiêu của đề án. Tuy nhiên để tiếp tục hoàn thiện thì có vẫn phải rà soát, chỉnh sửa một số góp ý của các thành viên tổ thẩm định.
Kết luận cuộc họp, Phó Tổng giám đốc Triệu Đức Huy rất cảm ơn tổ thẩm định, trung tâm sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý của các thành viên tổ thẩm định gửi lại cho Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung và đề nghị trên cơ sở các ý kiến góp tiếp tục rà soát, tiếp thu, chỉnh sửa Đề án, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ sản phẩm.
