Họp trực tuyến rà soát nội dung cần hoàn thiện bổ sung Báo cáo kết quả Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” – Đô thị Rạch Giá

Sáng ngày 31/08/2021 tại trụ sở Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Phó Tổng giám đốc Triệu Đức Huy đã chủ trì cuộc họp trực tuyến rà soát nội dung cần hoàn thiện bổ sung Báo cáo kết quả Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” – Đô thị Rạch Giá. Tham dự cuộc họp có các đại diện Lãnh đạo Ban Điều tra tài nguyên nước, Ban Kế hoạch – Tài chính, Ban Quan trắc giám sát tài nguyên nước, Ban Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế và Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam.

                            Phó Tổng giám đốc Triệu Đức Huy chủ trì cuộc họp trực tuyến.

Thành phố Rạch Giá là đô thị loại II, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh Kiên Giang.

Theo các tài liệu thu thập cho thấy trong vùng có 6 tầng chứa nước dưới đất gồm: qh, qp3, qp2-3, qp1 , n22, n21. Trong đó các tầng chứa nước qh, n22, n21 nước bị nhiễm mặn hoàn toàn, không có giá trị khai thác và sử dụng cho mục đích sinh hoạt; các tầng chứa nước qp3, qp2-3, qp1 phân bố mặn – nhạt đan xen (tầng qp3, qp1 có diện phân bố lớn, tuy nhiên nước nhạt có diện tích nhỏ, phân bố tập trung trong 1 khoảnh phía nam vùng; tầng qp2-3 có diện phân bố rộng, nước nhạt trong tầng chiếm trên 90% diện tích phân bố tầng và chất lượng tốt).

Về trữ lượng các tầng chứa nước mới chỉ đánh giá chung cho toàn tỉnh Kiên Giang theo từng tầng chứa nước, chưa có kết quả đánh giá trữ lượng cho riêng khu đô thị Rạch Giá. Mạng quan trắc quốc gia động thái nước dưới đất trong vùng nghiên cứu chưa có; tuy nhiên theo kết quả quan trắc tại cụm quan trắc Q401 tại thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành đã cho thấy: mực nước trung bình hàng năm các tầng chứa nước tại khu vực đang có dấu hiệu suy giảm và có thể dẫn đến nguy cơ cạn kiệt (mực nước hạ thấp trung bình cao nhất của tầng qp3 khoảng 0,27m/năm, qp2-3 khoảng 0,30m/năm, qp1 khoảng 0,30m/năm, n22 0,27m/năm, n21 0,29m/năm); nguyên nhân sự suy giảm mực nước này chính là do việc khai thác nước dưới đất không chỉ riêng tại thành phố Rạch Giá mà còn do ảnh hưởng bởi các địa phương nằm liền kề trong đó đáng quan tâm nhất là huyện Châu Thành. Theo tài liệu thu thập lượng khai thác tầng chứa nước tại thành phố Rạch Giá khoảng 24.529m3/ngày và huyện Châu Thành có lưu lượng khai thác tầng chứa nước lớn nhất trong tỉnh với khoảng 31.589 m3/ngày, khai thác chủ yếu trong tầng chứa nước qp2-3.

Ngoài ra việc quản lý, điều tra, khai thác và sử dụng nguồn nước dưới đất trong vùng còn bộc lộ một số vấn đề cần phải quan tâm sau:

– Mức độ điều tra, đánh giá đặc điểm địa chất – địa chất thuỷ văn của vùng chủ yếu ở dạng tổng thể toàn tỉnh Kiên Giang (tỉ lệ 1:500.000, 1:200.000 và 1:100.000).

– Các công trình điều tra địa chất thủy văn đều được thi công và lập báo cáo tổng kết vào nhiều giai đoạn khác nhau, phân bố tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong khu vực vùng nghiên cứu, hiện mới nhất chỉ có các công trình nghiên cứu thuộc dự án “Điều tra nguồn nước dưới đất vùng sâu Nam Bộ pha 2 và pha 3” do Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước (QH&ĐTTNN) miền Nam thực hiện nhưng chỉ tập trung nghiên cứu vào tầng qp2-3, còn các tầng khác chưa được nghiên cứu nhiều. Nên các tài liệu đã có chưa phản ánh được đầy đủ hết các điều kiện địa chất thủy văn hiện tại, dẫn đến những đánh giá về đặc điểm tài nguyên nước dưới đất khu vực còn nhiều hạn chế.

– Công tác điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng nước dưới đất chưa được thực hiện đồng bộ, trong khi các lỗ khoan khai thác không ngừng tăng lên, vì thế chưa đánh giá được đầy đủ hiện trạng khai thác nước dưới đất của vùng, cũng như các ảnh hưởng của việc khai thác đến tài nguyên nước dưới đất.

– Mạng quan trắc quốc gia động thái nước dưới đất trong vùng nghiên cứu chưa có, nên việc dự báo, đề xuất biện pháp quản lý và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất còn chưa hiệu quả.

– Các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội; quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch các khu công nghiệp … chưa có sự lồng ghép quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước, trong đó có nước dưới đất.

– Công tác điều tra, đánh giá và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất trong những năm qua ít được quan tâm đúng mức. Công tác khoanh định vùng đăng ký khai thác, quy hoạch khai thác sử dụng chưa được triển khai trên địa bàn; …

Do đó, việc bảo vệ nguồn nước dưới đất của đô thị thành phố Rạch Giá hiện nay là hết sức cần thiết. Tuy nhiên để có thể giải quyết được một số tồn tại của giai đoạn trước và để làm cơ sở bảo vệ các tầng chứa nước tránh khỏi nguy cơ bị nhiễm mặn và suy giảm mực nước, chất lượng nước của các tầng chứa nước dưới đất trên địa bàn thì cần phải tiến hành điều tra, đánh giá, tính toán để đưa ra các phương án khai thác, bảo vệ nguồn nước một cách cụ thể không chỉ cho riêng mình khu vực thành phố Rạch Giá mà còn phải tính đến cả các địa phương liền kề, từ đó có thể nghiên cứu chính xác hóa được các ranh giới nước mặn nhạt, sự suy giảm mực nước, chất lượng nước và các nguy cơ ô nhiễm, xâm nhập mặn, … do các tác động của việc khai nước dưới đất gây ra; góp phần phục vụ trực tiếp cho việc quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng nước dưới đất của vùng một cách hợp lý, phụ vụ cho quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội; đảm bảo an ninh quốc phòng trong khu vực.

Mục tiêu của đề án: Trên cơ sở đánh giá nguồn nước dưới đất ở khu vực đô thị Rạch Giá, đề xuất các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ, phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, nhiễm mặn và sụt lún do khai thác nước dưới đất cho đô thị Rạch Giá.

Phạm vi thực hiện Đề án: Phạm vi bảo vệ nước dưới đất khu vực đô thị thành phố Rạch Giá được thực hiện trên tổng diện tích 41km2, bao gồm: thành phố Rạch Giá với diện tích là 31 km2 (gồm 9 phường: Vĩnh Thanh, Vĩnh Thanh Vân, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Bảo, Vĩnh  Lạc, An Hòa, An Bình, Rạch Sỏi, Vĩnh Lợi) và huyện Châu Thành với diện tích là 10 km2 (gồm một phần của các xã: Giục Tượng, Mong Thọ B, Thạnh Lộc).

Nội dung chủ yếu của đề án:

Điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất:

Điều tra bổ sung, đánh giá và xác định điều kiện tồn tại, sự phân bố, số lượng, chất lượng của các tầng chứa nước dưới đất. Trọng tâm của nội dung này tập trung nghiên cứu để giải quyết các vấn đề chính sau đây:

+ Làm sáng tỏ cấu trúc, điều kiện, thông số địa chất thủy văn của các tầng chứa nước cần bảo vệ;

+ Xác định sự phân bố, miền cung cấp, vận động và thoát của các tầng chứa nước cần bảo vệ;

+ Xác định mối quan hệ thủy lực giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa các tầng chứa nước cần bảo vệ;

+ Xác định trữ lượng khai thác tiềm năng, trữ lượng có thể khai thác của các tầng chứa nước cần bảo vệ;

+ Xác định chất lượng nước dưới đất, các vùng ô nhiễm, nhiễm mặn trong các tầng chứa nước cần bảo vệ.

– Điều tra xác định khả năng tự bảo vệ của các tầng chứa nước; mức độ cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất. Trọng tâm của nội dung này tập trung để giải quyết các vấn đề chính sau đây:

+ Xác định hiện trạng khai thác nước dưới đất và các tác động do khai thác gây ra.

+ Xác định các chỉ tiêu cơ bản để đánh giá khả năng và mức độ tự bảo vệ của các tầng chứa nước;

+ Xác định mức độ cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất;

– Dự báo mức độ cạn kiệt và nhiễm mặn nước dưới đất.

Bảo vệ tài nguyên nước dưới đất:

Trọng tâm của nội dung này tập trung để giải quyết các vấn đề chính sau đây:

+ Đánh giá toàn diện về hiện trạng tài nguyên nước dưới đất; mức độ cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn đối với từng nguồn nước dưới đất tại các đô thị;

+ Xây dựng các phương án và đề xuất lộ trình khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất; phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; các phương án hồi phục trữ lượng, chất lượng nước dưới đất, khoanh vùng bảo hộ vệ sinh công trình lấy nước sinh hoạt;

+ Thiết kế mạng lưới quan trắc, giám sát các tầng chứa nước cần bảo vệ;

+ Xây dựng các bản đồ tỷ lệ 1:25.000 về: trữ lượng nước dưới đất, chất lượng nước dưới đất; định hướng khai thác nước dưới đất; mức độ cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn nước dưới đất; phân vùng hạn chế khai thác; khoanh vùng bảo hộ vệ sinh công trình lấy nước sinh hoạt; các khu vực có khả năng phục hồi nguồn nước và thứ tự ưu tiên; mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước dưới đất.

Tại cuộc họp thì các thành viên hội đồng cho rằng cơ bản đề án có nội dung phong phú, viết chi tiết, rõ ràng, có cơ sở khoa học, luận chứng; sản phẩm đầy đủ; tính cấp thiết cao; bố cục hợp lý, đạt được mục tiêu của đề án. Tuy nhiên để tiếp tục hoàn thiện thì có vẫn phải rà soát, chỉnh sửa một số góp ý của các thành viên tổ thẩm định.

Kết luận cuộc họp, Phó Tổng giám đốc Triệu Đức Huy rất cảm ơn tổ thẩm định, trung tâm sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý của các thành viên tổ thẩm định gửi lại cho Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam và đề nghị trên cơ sở các ý kiến góp tiếp tục rà soát, tiếp thu, chỉnh sửa Đề án, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ sản phẩm.

                                             Toàn cảnh cuộc họp trực tuyến.