Họp trực tuyến rà soát nội dung cần hoàn thiện bổ sung Báo cáo kết quả Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” – Đô thị Bạc Liêu

Sáng ngày 31/08/2021 tại trụ sở Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Phó Tổng giám đốc Triệu Đức Huy đã chủ trì cuộc họp trực tuyến rà soát nội dung cần hoàn thiện bổ sung Báo cáo kết quả Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” – Đô thị Bạc Liêu. Tham dự cuộc họp có các đại diện Lãnh đạo Ban Điều tra tài nguyên nước, Ban Kế hoạch – Tài chính, Ban Quan trắc giám sát tài nguyên nước, Ban Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế và Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam.

                             Phó Tổng giám đốc Triệu Đức Huy chủ trì cuộc họp trực tuyến.

Thành phố Bạc Liêu là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Bạc Liêu. Hiện nay, thành phố Bạc Liêu đang phát triển mạnh mẽ về kinh tế như các ngành công nghiệp, kinh tế du lịch, nuôi tôm công nghiệp, chế biến thủy sản….

Nguồn nước mặt thành phố Bạc Liêu hầu hết nhiễm mặn và có dấu hiệu ô nhiễm các hợp chất nitro nên hầu như không khai thác sử dụng cho mục đích ăn uống, sinh hoạt. Do đó, nguồn nước dưới đất đóng vai trò quan trọng, không có nguồn thay thế trong cấp nước cho ăn uống, sinh hoạt của người dân trên địa bàn thành phố, cũng như cung cấp nước cho sản xuất và dịch vụ. Hiện nay lượng khai thác nước dưới đất cấp nước cho thành phố này là 40.256 m3/ngày, trong đó khai thác tập trung là 24.726 m3/ngày. Nước dưới đất khai thác chủ yếu trong tầng chứa nước qp2-3, qp1, ít hơn ở tầng n22. Tầng chứa nước qh phân bố nước mặn hoàn toàn; các tầng chứa nước qp3, n22, n21, n13 phân bố mặn – nhạt đan xen.

Việc khai thác nước dưới đất với lưu lượng lớn, đặc biệt các bãi giếng tập trung ở khu vực tây bắc thành phố và chủ yếu trong tầng chứa nước qp2-3 và qp1 đã gây cạn kiệt cục bộ tại khu vực khai thác và nguy cơ xâm nhập mặn từ các tầng chứa nước liền kề cũng như sụt lún nền đất. Tuy nhiên, các tầng chứa nước sâu hơn như Pliocen giữa có nước nhạt, chất lượng tốt lại ít được khai thác do phân bố sâu hơn nên đây có thể sẽ là đối tượng khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước gia tăng trong tương lai, đảm bảo khai thác nước dưới đất bền vững không xảy ra cạn kiệt, nhiễm mặn và sụt lún.

Các tầng chứa nước đều có xu hướng hạ thấp theo thời gian, cụ thể tốc độ hạ thấp mực nước trong 20 năm từ năm 2000 đến 2020 của các tầng như sau: qp3 là 0,34 m/năm, qp2-3 là 0,48 m/năm, n21 là 0,42 m/năm và n13 là 0,35 m/năm. Việc khai thác mà không cách ly tốt cũng đã gây ra những dấu hiệu ô nhiễm Amoni theo dạng điểm.

Từ những vấn đề trên, để bảo vệ nước dưới đất đô thị Bạc Liêu cần phải có chương trình và giải pháp toàn diện về mọi mặt, trước hết cần hiểu biết về sự phân bố không gian của các tầng chứa nước, sự phân bố của các loại nước, trữ lượng và chất lượng của chúng để có các phương án khai thác sử dụng nước một cách hợp lý; các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch mở rộng phát triển đô thị, phát triển các khu công nghiệp, quy hoạch các công trình vệ sinh môi trường, như bố trí bãi thải, nghĩa trang,… phát triển giao thông cần phải xem xét để không gây ô nhiễm, nhiễm mặn và cạn kiệt nguồn nước dưới đất.

Chính vì vậy, đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở ác đô thị lớn’ – Giai đoạn II, đô thị Bạc Liêu là thực sự cấp thiết và mang tính thực tiễn cao. Đề án được thành lập và thực hiện theo Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 18/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các độ thị lớn”; Quyết định số 3071/QĐ-Bộ tài nguyên và môi trường ngày 02 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt nội dung và dự toán Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” – Giai đoạn II; Quyết định số 199/QĐ-BTNMT ngày 01 tháng 02 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt điều chỉnh nội dung và dự toán Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” – Giai đoạn II; Các Quyết định đặt hàng và điều chỉnh đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước năm 2021 của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia.

Mục tiêu của Đề án là đánh giá nguồn nước dưới đất ở đô thị Bạc Liêu, từ đó đề xuất các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ, phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, nhiễm mặn và sụt lún do khai thác nước dưới đất cho đô thị Bạc Liêu. Để đạt được mục tiêu này, nhiệm vụ của Đề án là xác định điều kiện tồn tại, sự phân bố, số lượng, chất lượng nước dưới đất; Xác định nguyên nhân, nguy cơ và mức độ cạn kiệt, nhiễm mặn và sụt lún do khai thác nước dưới đất; thực hiện một số giải pháp kỹ thuật để bảo vệ nước dưới đất cho đô thị Bạc Liêu.

Phạm vi thực hiện Đề án là toàn bộ diện tích thành phố Bạc Liêu với tổng diện tích là 214 km2, bao gồm 10 đơn vị hành chính cấp xã. Đối tượng của Đề án là 3 tầng chứa nước chính tại thành phố Bạc Liêu là tầng chứa nước Pleistocen giữa – trên (qp2-3), Pleisotcen dưới (qp1) và Pliocen giữa (n22).

Đề án được thực hiện bởi Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam trong năm 2021. Việc tổ chức thi công đối với các nội dung, khối lượng của đề án như sau:

– Công tác thu thập tài liệu; Điều tra khảo sát thực địa; Địa vật lý; Trắc địa: được thực hiện bởi Trung tâm công nghệ tài nguyên nước miền Nam.

– Công tác khoan; Hút nước thí nghiệm lỗ khoan và các công việc kèm theo như làm, sửa đường nền khoan, vận chuyển máy móc, thiết bị, chuyển quân; bồi thường thiệt hại về tài sản, hoa màu: được thực hiện bởi các đơn vị gồm: Đoàn tài nguyên nước Đông Nam Bộ và Trung tâm công nghệ tài nguyên nước miền Nam.

– Công tác lấy và phân tích mẫu: thực hiện bởi Trung tâm phân tích thí nghiệm miền Nam.

– Các dạng công tác trong phòng gồm Tổng hợp, chỉnh lý, xử lý thông tin, dữ liệu; Phân tích, đánh giá; Chuẩn bị nội dung thông tin và biên tập các bản đồ; Dự báo tài nguyên nước dưới đất bằng mô hình dòng chảy; Dự báo sự dịch chuyển các chất gây ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất; Bảo vệ tài nguyên nước dưới đất và Tổng hợp, xây dựng hồ sơ, sản phẩm kết quả đề án được thực hiện bởi Tổ đề án thuộc Cơ quan Liên đoàn do Chủ nhiệm đề án làm Tổ trưởng.

Cơ sở tài liệu lập báo cáo tổng kết gồm các tài liệu thu thập liên quan đến đặc điểm địa chất, địa chất thủy văn, các tài liệu về tài nguyên nước, môi trường, kinh tế – xã hội,… trong phạm vi nghiên cứu, cùng với khối lượng tài liệu đồ sộ thu thập được trong quá trình triển khai thi công đề án. Các tài liệu này đều được tổng hợp, phân tích, đánh giá và thống kê thành các báo cáo chuyên đề, các bản đồ và phụ lục kèm theo báo cáo.

Tại cuộc họp thì các thành viên hội đồng cho rằng cơ bản đề án có nội dung phong phú, viết chi tiết, rõ ràng, có cơ sở khoa học, luận chứng; sản phẩm đầy đủ; tính cấp thiết cao; bố cục hợp lý, đạt được mục tiêu của đề án. Tuy nhiên để tiếp tục hoàn thiện thì có vẫn phải rà soát, chỉnh sửa một số góp ý của các thành viên tổ thẩm định.

Kết luận cuộc họp, Phó Tổng giám đốc Triệu Đức Huy rất cảm ơn tổ thẩm định, trung tâm sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý của các thành viên tổ thẩm định gửi lại cho Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam và đề nghị trên cơ sở các ý kiến góp tiếp tục rà soát, tiếp thu, chỉnh sửa Đề án, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ sản phẩm.

                                            Toàn cảnh cuộc họp trực tuyến.