Họp trực tuyến rà soát báo cáo kết quả Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn”- Đô thị Quảng Ngãi

Sáng ngày 24/08/2021 tại trụ sở Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Phó Tổng giám đốc Triệu Đức Huy đã chủ trì cuộc họp họp trực tuyến rà soát báo cáo kết quả Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn”- Đô thị Quảng Ngãi. Tham dự cuộc họp có các đại diện Lãnh đạo Ban Điều tra tài nguyên nước, Ban Kế hoạch tài chính, Ban Quan trắc giám sát tài nguyên nước, Ban Quy hoạch tài nguyên nước và Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ tài nguyên nước.

Quảng Ngãi là một tỉnh có vị trí địa lý quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội. Lãnh thổ tỉnh Quảng Ngãi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có những biến đổi sâu sắc về mặt kinh tế với sự hiện diện của các khu công nghiệp như Quảng Phú, Tịnh Phong, VSIP Quảng Ngãi, khu công nghiệp Dung Quất… Với vị trí này, Quảng Ngãi có thể dễ dàng liên hệ với các tỉnh phía Bắc và phía Nam thông qua quốc lộ 1A hay tuyến đường sắt xuyên Việt. Với đường bờ biển dài 130 km, Quảng Ngãi có nhiều thuận lợi trong việc thiết lập các mối liên hệ với các tỉnh trong nước và quốc tế. Như vậy, vị trí địa lý đã tạo cho Quảng Ngãi những thế mạnh nhất định về kinh tế – xã hội trong cơ chế thị trường và xu thế hội nhập.

Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ tại thành phố Quảng Ngãi và vùng lân cận đã và đang làm biến đổi mạnh mẽ các điều kiện môi trường và tài nguyên ở đây. Dân số tăng nhanh, kinh tế phát triển dẫn đến nhu cầu sử dụng nước trong sinh hoạt, sản xuất và các hoạt động khác của thành phố ngày càng lớn. Việc khai thác nước dưới đất ngày càng nhiều, khó kiểm soát, lượng nước thải sinh hoạt, sản xuất công nghiệp chưa được thu gom xử lí triệt để. Do vậy tình trạng suy giảm nguồn tài nguyên nước (cạn kiệt, nhiễm bẩn) đang làm ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển bền vững của thành phố và vùng lân cận.

Ngoài ra, việc chưa xem xét đầy đủ vấn đề bảo vệ nước dưới đất khi xây dựng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, các khu dân cư nên nhiều khu công nghiệp, bãi chôn lấp chất thải, nghĩa trang, cơ sở sản xuất được xây dựng trong đới cung cấp cho nước dưới đất và trong phạm vi hoạt động của công trình khai thác nước tạo nguy cơ lớn gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất. Công tác thu gom xử lí nước thải, chất thải rắn tại các đô thị còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng gây ô nhiễm nguồn tài nguyên nước dưới đất.

Mặt khác, do cấu trúc của các tầng chứa nước trong khu vực phân bố tương đối nông và khá phức tạp nên dể tạo điều kiện chất bẩn từ các nguồn thải xâm nhập. Vùng mặn nhạt ở các tầng chứa nước theo kiểu “da báo”, và theo chiều sâu các tầng mặn nhạt cũng xen kẽ nhau nên xâm nhập mặn nguồn nước dưới đất dễ xảy ra. Đây là một nguy cơ dẫn đến hủy hoại trữ lượng tài nguyên nước dưới đất.

Các dấu hiệu trên cảnh báo nguy cơ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển bền vững của đô thị Quảng Ngãi.

Xác định tầm quan trọng của tài nguyên nước dưới đất đối với phát triển kinh tế – xã hội ở các đô thị nước ta hiện nay và trong nhiều năm tới. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 18/02/2013 về việc phê duyệt Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn”. Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 1557/QĐ-BTNMT ngày 30/8/2013 về việc phê duyệt nội dung và dự toán Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” – Giai đoạn I thực hiện tại 09 đô thị trọng điểm là: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Dương, Quy Nhơn, Vũng Tàu, Buôn Mê Thuột, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Mỹ Tho. Giai đoạn I của Đề án do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia chủ trì thực hiện từ năm 2013 và hoàn thành năm 2018. Kết quả thực hiện Giai đoạn I của Đề án đã hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế – kỹ thuật, đáp ứng các mục tiêu đã đề ra của Đề án. Các kết quả chính đạt được như: làm sáng tỏ cấu trúc địa chất thủy văn, điều kiện tồn tại, sự phân bố của các tầng chứa nước; Xác định được tổng tiềm năng tài nguyên nước dưới đất, đánh giá đầy đủ nhất về hiện trạng chất lượng nguồn nước dưới đất, phân vùng các khu vực nước dưới đất có chất lượng tốt, bảo đảm cấp nước cho ăn uống sinh hoạt và phát triển kinh tế; Thống kê đầy đủ và chi tiết tình hình khai thác sử dụng nước dưới đất, các nguồn gây ô nhiễm nước dưới đất đồng thời đánh giá được các nguy cơ ô nhiễm, nhiễm mặn và các tác động ảnh hưởng đến tài nguyên nước dưới đất; Đề xuất được các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ, phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất…

Kết quả Giai đoạn I của Đề án được bàn giao cho các địa phương làm cơ sở để quản lý và triển khai các giải pháp bảo vệ nước dưới đất, bảo đảm mục tiêu khai thác hiệu quả, bền vững tài nguyên nước.

Từ thực tiễn và những kết quả đạt được của Giai đoạn I nêu trên cho thấy việc tiếp tục triển khai thực hiện Giai đoạn II của Đề án là thực sự cần thiết và cấp bách, trong đó có đô thị Quảng Ngãi. Đề án sẽ là tiền đề quan trọng đối với nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên nước dưới đất cho địa phương.

Mục tiêu: Trên cơ sở đánh giá nguồn nước dưới đất ở đô thị, đề xuất các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ, phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất tại đô thị.

Phạm vi thực hiện: Phạm vi thực hiện Đề án gồm toàn bộ thành phố Quảng Ngãi và một phần các huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành và Mộ Đức. Diện tích nghiên cứu của đề án là 643 km2.

Nội dung và các hoạt động chủ yếu

Điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất:

Điều tra bổ sung, đánh giá và xác định điều kiện tồn tại, sự phân bố, số lượng, chất lượng của các tầng chứa nước dưới đất: Làm sáng tỏ cấu trúc, điều kiện, thông số địa chất thủy văn của các tầng chứa nước cần bảo vệ; Xác định sự phân bố, miền cung cấp, vận động và thoát của các tầng chứa nước cần bảo vệ; Xác định mối quan hệ thủy lực giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa các tầng chứa nước cần bảo vệ; Xác định trữ lượng khai thác tiềm năng, trữ lượng có thể khai thác của các tầng chứa nước cần bảo vệ; Xác định chất lượng nước dưới đất, các vùng ô nhiễm, nhiễm mặn trong các tầng chứa nước cần bảo vệ.

Điều tra xác định khả năng tự bảo vệ của các tầng chứa nước; mức độ cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất: Xác định các chỉ tiêu cơ bản để đánh giá khả năng và mức độ tự bảo vệ của các tầng chứa nước; Xác định các nguồn có khả năng gây ô nhiễm nước dưới đất; Xác định mức độ ô nhiễm, nhiễm mặn nước dưới đất của các tầng chứa nước; Xác định hiện trạng khai thác nước dưới đất và mức độ cạn kiệt của các tầng chứa nước.

Bảo vệ tài nguyên nước dưới đất:

– Đánh giá toàn diện về hiện trạng tài nguyên nước dưới đất và các vấn đề của tài nguyên nước dưới đất tại đô thị;

– Xây dựng các phương án và đề xuất lộ trình khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất; phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; các phương án hồi phục trữ lượng, chất lượng nước dưới đất khoanh vùng bảo vệ miền cấp cho nước dưới đất và vùng bảo hộ vệ sinh công trình lấy nước sinh hoạt;

– Thiết kế mạng lưới quan trắc, giám sát các tầng chứa nước cần bảo vệ;

– Xây dựng các bản đồ tỷ lệ 1:25.000 về: trữ lượng nước dưới đất, chất lượng nước dưới đất; định hướng khai thác nước dưới đất; mức độ cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn nước dưới đất; phân vùng hạn chế khai thác; khoanh vùng bảo vệ miền cấp và vùng bảo hộ vệ sinh công trình lấy nước sinh hoạt; các khu vực có khả năng phục hồi nguồn nước và thứ tự ưu tiên; mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước dưới đất.

Xây dựng cơ sở dữ liệu nước dưới đất:

– Xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước dưới đất trên cơ sở kế thừa toàn bộ cấu trúc mô hình cơ sở dữ liệu đã được xây dựng trong giai đoạn I, chỉ tính khối lượng dữ liệu tại các đô thị nghiên cứu trong giai đoạn II. Cơ sở dữ liệu đảm bảo tính thống nhất với cơ sở dữ liệu mạng quan trắc tài nguyên nước quốc gia và phù hợp với định hướng chung khi xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung tài nguyên nước và khí tượng thủy văn.

– Chuyển giao, cài đặt và vận hành phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu tài nguyên nước dưới đất, bảo đảm kết nối giữa Trung ương với địa phương. Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu tài nguyên nước dưới đất này sẽ được kế thừa hoàn toàn từ giai đoạn I.

Tại cuộc họp thì các thành viên hội đồng cho rằng cơ bản đề án có nội dung phong phú, viết chi tiết, rõ ràng, có cơ sở khoa học, luận chứng; sản phẩm đầy đủ; tính cấp thiết cao; bố cục hợp lý, đạt được mục tiêu của đề án. Tuy nhiên để tiếp tục hoàn thiện thì có vẫn phải rà soát, chỉnh sửa một số góp ý của các thành viên tổ thẩm định.

Kết luận cuộc họp, Phó Tổng giám đốc Triệu Đức Huy rất cảm ơn các đại biểu tham gia và đề nghị Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ tài nguyên nước kết hợp với các ban trên cơ sở các ý kiến góp ý tại cuộc họp thì  tiếp tục rà soát, tiếp thu, chỉnh sửa Đề án, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ sản phẩm.

                                                                    Toàn cảnh cuộc họp trực tuyến.