Họp trực tuyến Hội đồng thẩm định Báo cáo kết quảthực hiện Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các khu đô thị lớn” – Giai đoạn II, đô thị Quảng Ngãi

Chiều ngày 14/09/2021 tại trụ sở Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã diễn ra cuộc họp trực tuyến Hội đồng thẩm định Báo cáo kết quả thực hiện Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các khu đô thị lớn” – Giai đoạn II, đô thị Quãng Ngãi. Chủ trì cuộc họp là Phó Tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Triệu Đức Huy, cùng tham dự cuộc họp có Tổng giám đốc Tống Ngọc Thanh, đại diện Ban Điều tra tài nguyên nước, Ban Kế hoạch – Tài chính, Ban Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ tài nguyên nước và các chuyên gia địa chất thủy văn.

                                          Phó Tổng giám đốc Triệu Đức Huy chủ trì cuộc họp trực tuyến.

Báo cáo tại cuộc hop, ông Phan Quang Thức – Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ tài nguyên nước cho biết, Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn – Giai đoạn II; Đô thị Quảng Ngãi” được phê duyệt theo Quyết định số 3071/QĐ-BTNMT ngày 02 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt nội dung và dự toán Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” – Giai đoạn II; và được điều chỉnh theo Quyết định số 199/QĐ-BTNMT ngày 01 tháng 02 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt điều chỉnh nội dung và dự toán Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” – Giai đoạn II. Do Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ tài nguyên nước thi công từ năm 2020 đến năm 2021. Qua 02 năm triển khai đã hoàn thành khối lượng được phê duyệt, lập báo cáo tổng kết theo quy định. Tóm tắt kết quả đạt được như sau:

Cấu trúc ĐCTV: đô thị Quảng Ngãi tồn tại tồn tại 2 tầng chứa nước lỗ hổng, gồm: Holocen (qh), Pleistocen(qp; 2 tầng chứa nước khe nứt gồm: Tầng chứa nước khe nứt trong đá bazan tuổi Neogen – Pliocen β(n-qp), Tầng chứa nước khe nứt trong đá biến chất Protezozoi (pp) và 3 thành tạo thấm nước yếu đến cách bao gồm tầng cách nước trên cùng abmQ23, tầng thấm nước yếu Pleistocen-Holocen mlQ12pn, tầng cách nước các đá xâm nhập.

Trữ lượng nước dưới đất: được xác định dưới sự hỗ trợ của mô hình dòng chảy nước dưới đất, kết quả tính toán các loại trữ lượng như sau: tổng trữ lượng có thể khai thác được vào khoảng 182.611m3/ngày, trữ lượng có thể khai thác nước nhạt là 100.414m3/ngày

Chất lượng nước dưới đất: được đánh giá theo QCVN 09-MT:2015/BTNMT cho thấy nước nhạt các tầng chứa nước qh, qp có chất lượng tương đối tốt, có thể sử dụng cho nhiều mục đích, tuy nhiên cần xử lý một số chỉ tiêu vượt QCVN09 phân bố dạng điểm.

Tác động của việc khai thác nước dưới đất đến các tầng chứa nước:

– Tác động làm suy giảm mực nước dưới đất: Tầng chứa nước qh có 27 công trình khai thác nước tập trung. Tầng chứa nước qp có 18 công trình khai thác nước tập trung Cả hai tầng chứa nước qh, qp có nguy cơ cạn kiệt tại những khu vực tập trung các công trình khai thác nước tập trung.

– Tác động ô nhiễm nước dưới đất: Kết quả thành lập bản đồ tầng qh đã khoanh định được 3 vùng có mức độ ô nhiễm chỉ tiêu Nito từ nhẹ đến cao;  tầng qp đã khoanh định được 2 vùng có mức độ ô nhiễm chỉ tiêu Nito từ nhẹ đến trung bình.

– Tác động làm nhiễm mặn nước dưới đất: Tầng qh khu vực bị nhiễm mặn phân bố chủ yếu tại các xã Nghĩa Kỳ, Nghĩa An, Tịnh Khê, Tịnh Long, Tịnh Kỳ, Nghĩa Hòa, Đức Lợi, Đức Chánh với diện tích 36,24km2. Tầng qp khu vực bị nhiễm mặn phân bố dọc ven biển tại các xã Tịnh Kỳ, Nghĩa An, Tịnh Khê, Nghĩa Hoà với diện tích 61,15km2. Chủ yếu mặn ở tầng chứa nước qp.

Khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất: khoanh được các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất bao gồm: khoanh được các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất cho 2 tầng chứa nước nhạt là qh và qp.

Xây dựng phương án khai thác sử dụng nước dưới đất hợp lý: Giữ nguyên lượng nước khai thác của công trình khai thác tập trung và đơn lẻ nâng công suất bằng với công suất cấp phép của hai loại hình khai thác này theo quy hoạch đến năm 2025 giảm hẳn loại hình khai thác nước dưới đất ở nông thôn, đồng thời bổ sung thêm 03 trạm cấp nước Tịnh An, Nghĩa Kỳ, Nghĩa Lâm.

Khoanh vùng bảo vệ miền cấp cho các tầng chứa nước: Đã khoanh định được diện tích miền cấp của tầng chứa nước qh và qp cần được bảo vệ. Theo đó, diện tích miền cấp của tầng qh từ nước mưa là 270,6 km2 và 51,0 km2 dọc 2 bên bờ sông Trà Khúc và sông Vệ. Diện tích miền cấp của tầng qp là 221,97 km2.

Khoanh định đới phòng hộ, bảo vệ các công trình khai thác sử dụng nước dưới đất: khoanh được 3 đới bảo hộ vệ sinh cho 46 công trình khai thác nước dưới đất có quy mô lưu lượng ≥10m3/ngày: Đới I: có bán kính cố định là 20 m; Đới II: có bán kính tính toán từ 11 m đến 198 m; Đới III: có bán kính tính toán từ 66 m đến 1.195 m.

Đề xuất mạng lưới quan trắc, giám sát các tầng chứa nước cần bảo vệ: đã thiết kế hoàn chỉnh mạng lưới quan trắc, giám sát tài nguyên nước theo các mục tiêu quan trắc cạn kiệt, ô nhiễm, xâm nhập mặn nước dưới đất được bố trí trên 7 tuyến quan trắc:

– Số lượng các công trình tham gia vào mạng gồm: 8 công trình quan trắc Quốc gia hiện hữu, 7 công trình thuộc đề án thi công và 4 công trình thiết kế mới.

– Đối tượng quan trắc: gồm các tầng chứa nước qh, qp.

Phân vùng khả năng bổ sung nhân tạo cho các tầng chứa nước, xác định thứ tự ưu tiên và đề xuất sơ đồ bổ sung nhân tạo tại vị trí ứu tiên: Kết quả phân vùng khả năng bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất cho thấy tầng chứa nước qh có khả năng bổ sung nhân tạo bằng phương pháp dùng bể thấm, tầng chứa nước qp có khả năng bổ sung nhân tạo bằng phương pháp ép nước từ thấp đến cao.

Kết quả đạt được của đề án đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu đề ra là đánh giá nguồn nước dưới đất ở đô thị Quảng Ngãi, đề xuất các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ, phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn nước dưới đất cho đô thị Quảng Ngãi.

Tại cuộc họp thì các thành viên hội đồng cho rằng cơ bản đề án rất tốt nội dung phong phú, cấu trúc rõ ràng, bố cục hợp lý, lựa chọn 3 vấn đề cần được bảo vệ phù hợp với đô thị Quảng Ngãi. Tuy nhiên để tiếp tục hoàn thiện thì cần xem xét, rà soát, bổ sung, đánh giá lại một số nội dung, phương pháp thực hiện đề án, đưa ra luận chứng rõ ràng để chứng minh mức độ tin cậy; thu thập thêm số liệu từ các dự án trước đây để so sánh đánh giá sự thay đổi.

Kết luận tại cuộc họp, Phó Tổng giám đốc Triệu Đức Huy cảm ơn thành viên hội đồng và đề nghị trên cơ sở các ý kiến góp ý tại cuộc họp, Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ tài nguyên nước cùng tập thể tác giả tiếp thu triệt để, cùng phối hợp với ban chuyên môn bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm.

                                                                   Toàn cảnh họp trực tuyến.