Họp trực tuyến Hội đồng thẩm định Báo cáo kết quả thực hiện Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các khu đô thị lớn” – Giai đoạn II, đô thị Bạc Liêu

Sáng ngày 14/09/2021 tại trụ sở Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã diễn ra cuộc họp trực tuyến Hội đồng thẩm định Báo cáo kết quả thực hiện Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các khu đô thị lớn” – Giai đoạn II, đô thị Bạc Liêu. Chủ trì cuộc họp là Phó Tổng giám đốc Triệu Đức Huy, cùng tham dự đại diện Ban Điều tra tài nguyên nước, Ban Kế hoạch – Tài chính, Ban Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam và các chuyên gia địa chất thủy văn.

                                             Phó Tổng giám đốc Triệu Đức Huy chủ trì cuộc họp trực tuyến.

Báo cáo tại cuộc họp, Chủ nhiệm đề án Đặng Văn Túc cho biết, Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” – Giai đoạn II; Đô thị Bạc Liêu được phê duyệt theo Quyết định số 3071/QĐ-BTNMT ngày 02 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt nội dung và dự toán Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” – Giai đoạn II; và được điều chỉnh theo Quyết định số 199/QĐ-BTNMT ngày 01 tháng 02 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt điều chỉnh nội dung và dự toán Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” – Giai đoạn II. Do Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Nam thi công trong năm 2021. Qua 01 năm triển khai đã hoàn thành khối lượng được phê duyệt, lập báo cáo tổng kết theo quy định.

Đề án được thực hiện với mục tiêu đánh giá nguồn nước dưới đất ở đô thị Bạc Liêu, đề xuất các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ, phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, nhiễm mặn và sụt lún do khai thác nước dưới đất cho đô thị Bạc Liêu. Các kết quả chính đạt được như sau:

Đã đánh giá được các đặc điểm của tài nguyên nước liên quan đến đề xuất các giải pháp bảo vệ nước dưới đất đô thị Bạc Liêu:

– Cấu trúc ĐCTV: đô thị Bạc Liêu có 7 tầng chứa nước lỗ hổng là qh, qp3, qp2-3, qp1, n22, n21 và n13; đan xen giữa các tầng chứa nước là các thành tạo rất nghèo nước là Q2, Q13, Q12-3, Q11, N22, N21 và N13. Kết quả nghiên cứu đã xác định được diện phân bố, thành phần thạch học, mức độ chứa nước, phân bố nước mặn/nhạt, đặc tính thủy lực, diễn biến mực nước và khả năng khai thác sử dụng của các tầng chứa nước.

– Trữ lượng nước dưới đất: được xác định dưới sự hỗ trợ của mô hình dòng chảy nước dưới đất, kết quả tính toán các loại trữ lượng như sau: tiềm năng nước dưới đất nhạt là 253.873 m3/ngày, trữ lượng có thể khai thác nước nhạt là 98.211m3/ngày.

– Chất lượng nước dưới đất: được đánh giá theo QCVN 09-MT:2015/BTNMT cho thấy nước nhạt các tầng chứa nước cần bảo vệ là qp2-3, qp1, n22 có chất lượng tốt có thể sử dụng cho nhiều mục đích, tuy nhiên cần xử lý một số chỉ tiêu vượt QCVN09 phân bố dạng điểm. Tầng chứa nước qh và qp3 có diện tích phân bố nước nhạt nhỏ, chiều sâu phân bố nông nên không phải là tầng chứa nước triển vọng khai thác; tầng n21 và n13 có diện tích nước mặn phân bố hầu hết vùng nghiên cứu, còn ít tài liệu nghiên cứu do chiều sâu phân bố lớn.

– Đánh giá được hiện trạng khai thác nước dưới đất là 40.256m3/ngày, nhu cầu khai thác sử dụng nước đến năm 2030 và năm 2050.

– Đánh giá được tác động của việc khai thác nước dưới đất đến các tầng chứa nước:

+ Tác động làm suy giảm mực nước dưới đất: các tầng chứa nước qh, qp3, n22, n21, n13 không khai thác hoặc có lượng khai thác nhỏ, do đó chưa có dấu hiệu cạn kiệt nước dưới đất; tầng chứa nước qp2-3 và qp1 khai thác tương đối nhiều trong vùng với phần lớn là các giếng khai thác quy mô tập trung nên đã có nguy cơ cạn kiệt ở khu vực trung tâm thành phố Bạc Liêu, nơi tập trung bãi giếng khai thác tập trung thuộc Công ty Cổ phần cấp nước Bạc Liêu.

+ Tác động xâm nhập mặn các tầng chứa nước: tầng chứa nước qh và qp3 hầu hết bị bị nhiễm mặn; tầng chứa nước qp2-3 và qp1 không bị nhiễm mặn; tầng chứa nước n22 bị mặn ở phía nam vùng nghiên cứu, tầng chứa nước n21 và n31 có diện phân bố nước nhạt nhỏ khu vực phía tây bắc vùng nghiên cứu.

+ Tác động làm gia tăng quá trình sụt lún nền đất: hiện nay ở đô thị Bạc Liêu chưa có số liệu định lượng nghiên cứu tác động của việc khai thác nước dưới đất đến nguy cơ sụt lún nền đất. Tuy nhiên theo các kết quả nghiên cứu, cho thấy vùng đô thị Bạc Liêu có 5 vùng có nguy cơ sụt lún nền đất với mức độ sụt lún từ 0-7cm/năm, trong đó vùng có nguy cơ sụt lún cao nằm trong vùng tập trung các giếng khai thác tập trung ở trung tâm TP. Bạc Liêu.

Đã đề xuất được các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ, phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, nhiễm mặn và sụt lún do khai thác NDĐ cho đô thị Bạc Liêu:

– Khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất: khoanh được các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất cho 6 tầng chứa nước nhạt là qp3, qp2-3, qp1, n22, n21 và n13.

– Xây dựng phương án khai thác sử dụng nước dưới đất hợp lý: giữ lại các giếng khoan khai thác nước tập trung thuộc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường Nông thôn. Chuyển 10 giếng khai thác nước tập trung trong vùng có nguy cơ cạn kiệtvà sụt lún mặt đất cao sang vị trí mới thuộc xã Vĩnh Trạch (không thuộc vùng hạn chế). Đồng thời để đảm bảo khai thác bền vững nước dưới đất cho vùng đô thị Bạc Liêu, đề xuất di dời 04 giếng khoan nằm trong vùng hạn chế 1 ở trung tâm thành phố thuộc vùng có mức độ sụt lún cao, vùng có nguy cơ cạn kiệt nước dưới đất tầng chứa nước qp2-3 và qp1; chuyển đối tượng khai thác của 3 giếng khoan từ tầng qp2-3 sang tầng n22 ; 01 giếng khoan từ tầng qp1 sang n22 để giảm lượng khai thác trong các tầng có nguy cơ cạn kiệt.

– Khoanh định đới phòng hộ, bảo vệ các công trình khai thác sử dụng nước dưới đất: khoanh được 3 đới bảo hộ vệ sinh cho 72 công trình khai thác nước dưới đất có quy mô lưu lượng ≥10 m3/ngày:

– Đề xuất mạng lưới quan trắc, giám sát các tầng chứa nước cần bảo vệ: đã thiết kế hoàn chỉnh mạng lưới quan trắc, giám sát tài nguyên nước theo các mục tiêu quan trắc đông thái nước dưới đất, giám sát sự cạn kiệt và xâm nhập mặn của các tầng chứa nước, bao gồm 6 điểm/17 công trình quan trắc được bố trí trên 4 tuyến quan trắc.

– Phân vùng khả năng bổ sung nhân tạo cho các tầng chứa nước, xác định thứ tự ưu tiên và đề xuất sơ đồ bổ sung nhân tạo tại vị trí ứu tiên:

+ Đánh giá sơ bộ các nguồn nước để bổ sung nhân tạo (nước mưa, nước mặt) về số lượng và chất lượng; Đánh giá các phương pháp bổ sung nhân tạo từ đó xác định phương pháp phù hợp với vùng nghiên cứu. Phương pháp được lựa chọn là phương pháp ép nước qua các giếng khoan; Phân vùng mức độ ưu tiên phục hồi trữ lượng, chất lượng cho các tầng chứa nước có nguy cơ cạn kiệt vùng đô thị Bạc Liêu với 3 vùng tương ứng với 3 mức độ ưu tiên.

+ Xác định vùng ưu tiên số 1 bổ sung nhân tạo tại khu vực trung tâm thành phố Bạc Liêu đối với tầng chứa nước qp2-3; đồng thời thiết kế sơ bộ công trình bổ sung nhân tạo bằng phương pháp thu gom nước mưa qua hệ thống hấp thu nước bằng lỗ khoan tại trụ sở Công ty Cổ phần cấp nước Bạc Liêu. Kết quả cho thấy lượng nước mưa có thể thu gom và bổ sung cho nước dưới đất trung bình là 19.610m3/năm tương ứng 163m3/ngày (chỉ tính cho những ngày có mưa).

Tại cuộc họp thì các thành viên hội đồng cho rằng cơ bản đề án rất tốt nội dung cấu trúc rõ ràng, bố cục hợp lý, lựa chọn 3 vấn đề cần được bảo vệ phù hợp với đô thị Bạc Liêu. Tuy nhiên để tiếp tục hoàn thiện thì cần xem xét, rà soát, bổ sung, đánh giá lại một số nội dung, phương pháp thực hiện đề án, đưa ra luận chứng rõ ràng để chứng minh mức độ tin cậy.

Kết luận tại cuộc họp, Phó Tổng giám đốc Triệu Đức Huy cảm ơn thành viên hội đồng và đề nghị trên cơ sở các ý kiến góp ý tại cuộc họp, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam cùng tập thể tác giả tiếp thu triệt để, cùng phối hợp với ban chuyên môn bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm.

                                                                         Toàn cảnh họp trực tuyến.