Họp trực tuyến Báo cáo Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng hợp Lưu vực sông Srêpôk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Sáng ngày 01/07/2021, tại trụ sở Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia  Tổng giám đốc Tống Ngọc Thanh, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Hà và Ban Quy hoạch tài nguyên nước đã tham gia họp trực tuyến Báo cáo Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng hợp Lưu vực sông Srêpôk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chủ trì cuộc họp là ông Châu Trần Vĩnh – Cục trưởng Cục tài nguyên nước, cùng tham gia có một số đơn vị trực thuộc Bộ tài nguyên môi trường và các chuyên gia địa chất thủy văn.

Phó Tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia,                          ông Nguyễn Ngọc Hà phát biểu tại cuộc họp.

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Hà cho biết, quy hoạch lưu vực sông Srêpôk bắt đầu từ năm 2017, đến nay đã xây dựng xong báo cáo đánh giá tác động môi trường và lấy ý kiến các đơn vị trong bộ Tài nguyên môi trường cho hồ sơ quy hoạch tổng hợp lưu vực sông. Phạm vi của Quy hoạch là toàn bộ lưu vực sông Srêpôk thuộc các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng với tổng diện tích 18.230 km2. Đối tượng Quy hoạch: tài nguyên nước mặt các sông Ea Krông Nô, Ea Krông Ana, Srêpôk, Ea H’leo, Ia Đrăng, Ia Lốp; tài nguyên nước dưới đất trong các tầng chứa nước : lỗ hổng bồi tích hiện đại (Q),  khe nứt lỗ hổng phun trào Bazan Pleistocen giữa (βqp), lỗ hổng – khe nứt phun trào bazan tuổi từ Pliocen đến Pleistocen (β(n2-qp)), lỗ hổng trong các trầm tích tuổi Pleistocen (qp), khe nứt lỗ hổng vỉa các thành tạo đầm hồ trầm tích Neogen (n).

Mục tiêu: Điều hòa, phân bổ công bằng, hợp lý nguồn nước giữa các đối tượng sử dụng nước, các vùng, các tỉnh trên lưu vực sông có xét đến sự biến động nguồn nước do tác động của biến đổi khí hậu; Bảo vệ được các hệ sinh thái phụ thuộc vào nước, kiểm soát được tình trạng gia tăng ô nhiễm nguồn nước ở các khu dân cư, khu đô thị lớn, khu công nghiệp tập trung; Phát triển tài nguyên nước, nâng cao hiệu quả kinh tế sử dụng nước và phòng, chống các tác hại do nước gây ra.

Đề án đã phân chia vùng thành 10 tiểu lưu vực. Xác định lượng nước có thể khai thác, sử dụng trên lưu vực. Xác định nhu cầu khai thác, sử dụng nước. Nêu ra các chức năng chính của nguồn nước. Xác định dòng chảy tối thiểu. Xác định nguồn nước dự phòng cấp nước cho sinh hoạt. Xác định lượng nước phân bổ cho các đối tượng khai thác, sử dụng. Đề xuất các công trình phát triển nguồn nước nâng cao khả năng tích nước, trữ nước, điều tiết nguồn nước theo nhiệm vụ của từng công trình. Bảo vệ nguồn sinh thủy. Bảo vệ nguồn nước dưới đất không bị suy thoái, cạn kiệt. Bảo vệ chất lượng nước. Phòng, chống sạt, lở bở, bãi sông. Phòng, chống sụt, lún đất do khai thác nước dưới đất. Mạng giám sát tài nguyên nước. Giải pháp phân bổ nguồn nước, bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra

Phát biểu tại cuộc họp, Cục trưởng Cục tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết phân bổ nguồn lưu vực sông Sê San phụ thuộc vào các dòng nhánh là chính không phải dòng chính nên giải pháp phân bổ rất phức tạp. Chuỗi số liệu trung tâm sử dụng tính toán là đến 2017. Tuy nhiên, năm 2019-2020 diễn ra hạn hán mạnh, chúng ta đã phải có giải pháp cấp bách để đảm bảo nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân vùng Tây Nguyên. Nên khi tính toán cần đánh giá chuỗi số liệu đến mùa lũ năm 2020 để đưa ra giải pháp đúng, phù hợp.

Tại cuộc họp thì các thành viên hội đồng cho rằng cơ bản đề án có nội dung đầy đủ, viết chi tiết, rõ ràng, sản phẩm đầy đủ, tính cấp thiết cao, bố cục hợp lý, đạt được mục tiêu của đề án. Tuy nhiên để tiếp tục hoàn thiện thì cần chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung.

Kết luận cuộc họp, Cục trưởng Cục tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh rất cảm ơn các thành viên hội đồng, cục sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý của các thành viên hội đồng sau đó gửi cho Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, trên cơ sở đó đề trung tâm tiếp tục rà soát, tiếp thu, chỉnh sửa Đề án, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ sản phẩm.

Một số ảnh tại cuộc họp:

                                               Toàn cảnh cuộc họp.