Họp triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ “Quan trắc quốc gia tài nguyên nước” và “Quan trắc môi trường nước dưới đất” năm 2022 của các đơn vị thuộc Trung tâm

Sáng ngày 10/01/2022 tại Trụ sở Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã diễn ra cuộc họp triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ “Quan trắc quốc gia tài nguyên nước” và “Quan trắc môi trường nước dưới đất” năm 2022 của các đơn vị thuộc Trung tâm. Tham dự cuộc họp có Tổng Giám đốc Tống Ngọc Thanh – chủ trì cuộc họp, Phó tổng giám đốc Triệu Đức Huy, Phó tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Hà, đại diện các Ban của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam, Trung tâm Cảnh báo và Dự báo tài nguyên nước, Trung tâm Dữ liệu tài nguyên nước, Trung tâm Chất lượng và Bảo vệ tài nguyên nước.

      Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia Tống Ngọc Thanh phát biểu tại hội nghị.

Mạng quan trắc tài nguyên nước (QTTNN) là một thành phần của mạng quan trắc tài nguyên môi trường. Thông tin quan trắc tài nguyên nước ngày càng quan trọng và được nhà nước, các cấp lãnh đạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm đầu tư và hàng năm cấp kinh phí duy trì quan trắc. Mạng quan trắc quốc gia tài nguyên nước do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (TNNQG) quản lý, vận hành tính đến tháng 12 năm 2021 bao gồm 941 công trình quan trắc nước dưới đất và 6 trạm quan trắc tài nguyên nước mặt trên toàn quốc.

Để đáp ứng được yêu cầu thông tin của quản lý tài nguyên nước theo tình hình mới thì tùy theo nội dung yêu cầu của cơ quan quản lý mà nội dung thực hiện hàng năm có thay đổi cho phù hợp. Các nội dung thay đổi trong các năm gần đây chủ yếu để đảm bảo thông tin nhanh hơn, có độ chính xác cao hơn và đa dạng sản phẩm bản tin thông báo, dự báo và cảnh báo để từng bước đáp ứng yêu cầu thông tin phục vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

Trên cơ sở Nhiệm vụ quan trắc quốc gia tài nguyên nước hàng năm, định hướng chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lập kế hoạch nhiệm vụ công tác quan trắc tài nguyên nước năm 2022. Sau khi có kết quả lập nhiệm vụ từ các đơn vị, Ban Quan trắc giám sát tài nguyên nước đã thẩm định nội dung khối lượng; Ban Kế hoạch tài chính đã thẩm định dự toán nhiệm vụ quan trắc quốc gia tài nguyên nước năm 2022. Qua đó các nội dung từ kết quả rà soát toàn bộ hệ thống mạng quan trắc từ hiện trạng công trình, vận hành, tần suất quan trắc cũng như các căn cứ để xác định khối lượng thực hiện đã được áp dụng đồng bộ đảm bảo tính đúng đắn và cơ sở pháp lý để chỉ đạo vận hành thông suốt đạt các mục tiêu đặt ra của mạng quan trắc quốc gia tài nguyên nước.

Mục tiêu: Vận hành hệ thống quan trắc quốc gia tài nguyên nước đáp ứng nhu cầu thông tin về số lượng, chất lượng và biến động tài nguyên nước mặt, nước dưới đất phục vụ quản lý nhà nước và yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.

Phạm vi thực hiện: Thực hiện Nhiệm vụ quan trắc ở các công trình quan trắc tài nguyên nước tại 5 vùng: đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Công tác thông báo, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước được thực hiện trên 13 lưu vực sông (Bằng Giang – Kỳ Cùng, Hồng – Thái Bình, Mã, Cả, Hương, Vu Gia – Thu Bồn, Trà Khúc, Kone – Hà Thanh, Ba, Sê San, SrêPốk, Đồng Nai, Cửu Long) và lưu vực sông ven biển khác (Gianh, Thạch Hãn); các tỉnh, thành phố có công trình và trạm quan trắc tài nguyên nước.

Kế hoạch triển khai nhiệm vụ “Quan trắc quốc gia tài nguyên nước” và “Quan trắc môi trường nước dưới đất” năm 2022

Các Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc, Trung, Nam:

– Thực hiện rà soát khối lượng và chất lượng sản phẩm nhiệm vụ quan trắc quốc gia tài nguyên nước vùng quan trắc do đơn vị quản lý, thực hiện. Xác định khối lượng, xây dựng đề cương nhiệm vụ quan trắc quốc gia tài nguyên nước vùng quan trắc cho năm tiếp theo, phối hợp với Trung tâm Cảnh báo và Dự báo tài nguyên nước tổng hợp, xây dựng nhiệm vụ quan trắc quốc tài nguyên nước toàn quốc báo cáo Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia.

– Trên cơ sở nhiệm vụ quan trắc tài nguyên nước toàn quốc và quyết định đặt hàng, các Liên đoàn chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quan trắc vùng quan trắc được phân công quản lý vận hành. Phòng Kế hoạch Liên đoàn tham mưu công tác kế hoạch; Phòng Điều tra tài nguyên nước tham mưu công tác kỹ thuật quan trắc cho lãnh đạo Liên đoàn.

– Nhiệm vụ quan trắc ngoại nghiệp: bảo vệ, duy trì hoạt động quan trắc tại các công trình quan trắc. Các Đoàn trực thuộc Liên đoàn triển khai ra các Tổ để thực hiện tại các trạm, điểm, công trình quan trắc được phân công.

– Hàng năm, Phòng Kế hoạch phối hợp với Phòng Điều tra tài nguyên nước lập yêu cầu kỹ thuật và kế hoạch chi tiết để triển khai khối lượng công tác kỹ thuật quan trắc cho các Đoàn quan trắc;

– Phòng Kế hoạch thường xuyên theo dõi, cập nhật kế hoạch từ cấp trên; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Liên đoàn thực hiện kế hoạch quan trắc đã được lãnh đạo Liên đoàn phê duyệt; Chủ trì, phối hợp cùng Phòng Điều tra tài nguyên nước trình phê duyệt đề cương nhiệm vụ quan trắc năm của đơn vị.

– Phòng Điều tra tài nguyên nước: Thực hiện công tác rà soát xây dựng đề cương nhiệm vụ quan trắc của Liên đoàn tại vùng quan trắc; hướng dẫn và triển khai kỹ nội dung, kỹ thuật quan trắc đến các đơn vị trực thuộc Liên đoàn. Hàng tháng thực hiện tiếp nhận, kiểm tra số liệu quan trắc nộp về từ các đoàn quan trắc, tổng hợp thực hiện công tác nội nghiệp quan trắc của Liên đoàn, nhập số liệu quan trắc vào CSDL, lập các loại bản vẽ, biểu bảng, báo cáo kỹ thuật và ra các thông báo đặc trưng mực nước hàng tháng cho các địa phương; thực hiện việc kiểm tra giám sát các dạng công tác quan trắc. Quản lý, kiểm soát số liệu gốc.

– Các Đoàn quan trắc quản lý các Tổ quan trắc và quan trắc viên của mình. Thực hiện vận hành quan trắc tại các trạm, điểm, công trình quan trắc được phân công. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện quan trắc của các Quan trắc viên và cộng tác viên. Các quan trắc viên thực hiện công tác quan trắc tại thực địa theo phân công đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật; thực hiện lấy mẫu định kỳ hàng năm; xử lý số liệu thô, tính toán, ghi vào sổ nhật ký quan trắc. Các kết quả đo tại thực địa được quan trắc viên kiểm tra, chỉnh lý và gửi về Văn phòng quan trắc để xử lý nội nghiệp. Văn phòng quan trắc tổng hợp, chỉnh biên, chỉnh lý dữ liệu và cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu trước ngày 5 cùng tháng.

Trung tâm Chất lượng và Bảo vệ tài nguyên nước: Trung tâm Chất lượng và Bảo vệ tài nguyên nước thực hiện công tác phân tích chất lượng nước tại vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ theo phân công nhiệm vụ của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia.

Trung tâm Dữ liệu tài nguyên nước: thực hiện nhiệm vụ cập nhật cơ sở dữ liệu và đảm bảo ổn định phần mềm cơ sở dữ liệu trực tuyến; Thực hiện công tác biên soạn và xuất bản Niên giám tài nguyên nước.

Trung tâm Cảnh báo và Dự báo tài nguyên nước:

– Đơn vị thực hiện các công đoạn cuối cùng nhiệm vụ quan trắc quốc gia tài nguyên nước để lập nhiệm vụ quan trắc, các bản tin thông báo, dự báo và cảnh báo tài nguyên nước. Hàng năm, dưới sự chỉ đạo của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia và trực tiếp là Ban quan trắc giám sát tài nguyên nước. Trung tâm Cảnh Báo Dự Báo tài nguyên nước tiến hành rà soát nội dung sản phẩm nhiệm vụ thông báo, cảnh báo và dự báo năm trước, phối hợp với Ban quan trắc giám sát tài nguyên nước, Ban Kế hoạch tài chính trình các cấp phê duyệt Nhiệm vụ quan trắc quốc gia tài nguyên nước hàng năm.

– Trên cơ sở nhiệm vụ quan trắc được phê duyệt, Trung tâm Cảnh báo và Dự báo tài nguyên nước triển khai thực hiện phần kiểm tra đánh giá số liệu và biên soạn các bản tin Thông báo, dự báo và cảnh báo tài nguyên nước hàng tháng, mùa, năm; tổng hợp các kết quả thực hiện nhiệm vụ quan trắc hàng năm; công bố các bản tin sau khi có kiểm tra, phê duyệt của Lãnh đạo Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia; các sản phẩm thông báo, dự báo và cảnh báo quốc gia tài nguyên nước; lập báo cáo tổng kết kết quả thực hiện nhiệm vụ quan trắc quốc gia năm 2022.

– Thời gian hoàn thành bản tin trước ngày mồng 3 hàng tháng khi có đủ số liệu cập nhật từ các Liên đoàn (Công văn số 118/TNNQG-QT ngày 28 tháng 4 năm 2021) để tiến hành thảo luận, chỉnh sửa trước khi trình Lãnh đạo Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia quốc gia phê duyệt.

Kết luận tại cuộc họp, Tổng giám đốc Tống Ngọc Thanh yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết và cùng nhau phối hợp thực hiện dự án.