Họp Tổ soạn thảo 02 Thông tư “Quy định kỹ thuật về quan trắc, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước” và “Định mức kinh tế – kỹ thuật quan trắc và dự báo, cảnh báo tài nguyên nước”

Sáng ngày 14/07/2021, tại Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã diễn ra cuộc họp Tổ soạn thảo 02 Thông tư “Quy định kỹ thuật về quan trắc, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước” và “Định mức kinh tế – kỹ thuật quan trắc và dự báo, cảnh báo tài nguyên nước”. Chủ trì cuộc họp có ông Nguyễn Ngọc Hà – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia; cùng tham gia có Trung tâm Cảnh báo và Dự báo tài nguyên nước, Ban Quan trắc giám sát tài ngyên nước, đại diện Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam.

ông Nguyễn Ngọc Hà – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước                                              quốc gia, phát biểu chủ trì cuộc họp.

Báo cáo tại cuộc họp, Đại diện tổ soạn thảo cho biết, hiện nay tổ đang soạn thảo 2 thông tư “Quy định kỹ thuật về quan trắc, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước” và “Định mức kinh tế – kỹ thuật quan trắc và dự báo, cảnh báo tài nguyên nước”.

Đối với dự thảo thông tưQuy định kỹ thuật về quan trắc, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước”

Phạm vi điều chỉnh thông tư này quy định về kỹ thuật quan trắc, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước. Đối tượng áp dụng: Thông tư này áp dụng với hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước quốc gia; các tổ chức, cá nhân có hoạt động quan trắc, dự báo, cảnh báo được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo tài nguyên nước.

Các yếu tố, thông số quan trắc tài nguyên nước

– Các yếu tố, thông số quan trắc tài nguyên nước mặt: Mực nước; lưu lượng nước; lưu lượng chất lơ lửng; thông số phân tích chất lượng nước tại hiện trường gồm: pH, nhiệt độ (T0), hàm lượng oxi hòa tan (DO), độ dẫn điện (EC), độ đục (NTU); thông số phân tích chất lượng nước mặt trong phòng thí nghiệm: Căn cứ vào mục tiêu phân tích chất lượng nước, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành và yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác định các thông số cần lấy và phân tích theo Điều 9 Thông tư 24/2017/TT – BTNMT ngày 01 tháng 9 năm 2017 về việc quy định kỹ thuật quan trắc môi trường.

– Các yếu tố, thông số quan trắc tài nguyên nước dưới đất: Mực nước; lưu lượng nước (tại điểm lộ), nhiệt độ nước; thông số đo, phân tích tại hiện trường: pH, nhiệt độ (T0), hàm lượng oxi hòa tan (DO), độ dẫn điện (EC), Eh, độ đục (NTU); thông số phân tích chất lượng nước dưới đất trong phòng thí nghiệm: Căn cứ vào mục tiêu phân tích chất lượng nước, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành và yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác định các thông số cần lấy và phân tích theo Điều 13 Thông tư 24/2017/TT – BTNMT ngày 01 tháng 9 năm 2017 về việc quy định kỹ thuật quan trắc môi trường; đối với các trạm, công trình quan trắc lồng ghép, các thông số quan trắc sẽ được điều chỉnh, bổ sung theo mục tiêu quan trắc của từng trạm được lồng ghép.

Các yếu tố dự báo, cảnh báo tài nguyên nước

– Các yếu tố dự báo, cảnh báo tài nguyên nước mặt bao gồm: Mực nước, Tổng lượng nước; Lượng nước có thể khai thác sử dụng; Sự biến đổi thành phần hóa học cơ bản của nước; Xu thế mức độ ô nhiễm, xâm nhập mặn; Cảnh báo nguy cơ cạn kiệt, thiếu nước; Cảnh báo khả năng đáp ứng của nguồn nước cho các mục đích khai thác sử dụng chủ yếu; Cảnh báo khả năng tiếp nhận và sức chịu tải của nguồn nước; Cảnh báo khả năng đáp ứng chất lượng của nguồn nước cho các mục đích khai thác sử dụng chủ yếu;

– Các yếu tố dự báo, cảnh báo tài nguyên nước dưới đất bao gồm: Mực nước, Tổng lượng nước; Lượng nước có thể khai thác sử dụng; Sự biến đổi thành phần hóa học cơ bản của nước; Mức độ ô nhiễm, xâm nhập mặn; Cảnh báo nguy cơ suy giảm, cạn kiệt tầng chứa nước, sụt lún nền đất; Cảnh báo khả năng đáp ứng của nguồn nước cho các mục đích khai thác sử dụng chủ yếu; Cảnh báo khả năng đáp ứng chất lượng của nguồn nước cho các mục đích khai thác sử dụng chủ yếu.

Dự thảo Thông tư Quy định kỹ thuật về quan trắc, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước gồm có 56 điều luật. Trong đó, Quy định kỹ thuật quan trắc tài nguyên nước có 23 điều luật; quy định kỹ thuật dự báo, cảnh báo tài nguyên nước có 25 điều luật.

Đối với dự thảo thông tư “Định mức kinh tế – kỹ thuật quan trắc và dự báo, cảnh báo tài nguyên nước”

Phạm vi điều chỉnh: Định mức kinh tế – kỹ thuật quan trắc và dự báo tài nguyên nước (sau đây gọi tắt là định mức KT-KT) được áp dụng thực hiện cho các công việc sau:

– Công tác quan trắc tài nguyên nước: Quan trắc tài nguyên nước mặt (quan trắc mực nước; quan trắc lưu lượng nước; quan trắc lưu lượng chất lơ lửng; quan trắc chất lượng nước mặt). Quan trắc tài nguyên nước dưới đất (quan trắc mực nước, nhiệt độ và chiều sâu công trình quan trắc cho giếng khoan hoặc lưu lượng cho điểm lộ; Quan trắc chất lượng nước dưới đất).

– Công tác nội nghiệp: Quan trắc viên cần xử lý số liệu quan trắc mực nước mặt; xử lý số liệu quan trắc lưu lượng nước mặt bằng máy siêu âm; xử lý số liệu quan trắc lưu lượng nước mặt bằng lưu tốc kế; xử lý số liệu quan trắc lưu lượng chất lơ lửng; xử lý số liệu quan trắc mực nước (hoặc lưu lượng) và nhiệt độ nước dưới đất; xử lý số liệu quan trắc chất lượng nước (nước mặt và nước dưới đất); xử lý kết quả bơm thổi rửa công trình quan trắc. Nội nghiệp văn phòng cần lập nhiệm vụ quan trắc tài nguyên nước hàng năm; thu nhận dữ liệu quan trắc; kiểm tra, chỉnh lý tài liệu và cập nhật cơ sở dữ liệu quan trắc; kiểm tra, chuẩn hóa số liệu quan trắc tài nguyên nước; biên soạn niên giám, báo cáo thống kê TNN; xây dựng bản tin dự báo, cảnh báo tài nguyên nước; lập báo cáo kết quả quan trắc tài nguyên nước hàng năm.

Đối tượng áp dụng: Định mức này áp dụng cho các công ty nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức và cá nhân có liên quan thực hiện các công việc về quan trắc và dự báo tài nguyên nước.

Định mức kinh tế – kỹ thuật bao gồm các thành phần sau: Nội dung công việc (gồm các thao tác cơ bản để thực hiện công việc); các công việc chưa tính trong định mức: là các công việc không được tính hao phí lao động, vật liệu, dụng cụ, thiết bị, máy móc trong định mức này; điều kiện áp dụng và các hệ số điều chỉnh; định biên lao động: bao gồm số lượng, cơ cấu thành phần, trình độ chuyên môn của một nhóm lao động được tổ chức để thực hiện từng bước công việc cụ thể. định mức lao động: quy định thời gian lao động trực tiếp hoàn thành một đơn vị sản phẩm hoặc một bước công việc chính; đơn vị tính là công nhóm/đơn vị sản phẩm. Thời gian làm việc một ngày là 8 giờ; định mức sử dụng vật liệu, dụng cụ và máy móc, thiết bị.

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, các thành viên trong tổ soạn thảo cơ bản thống nhất với các nội dung trong dự thảo thông tư. Tuy nhiên cần phải bổ sung chỉnh sửa lại cấu trúc, bố cục, một số nội dung.

Kết luận cuộc họp, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Hà rất cám các thành viên tổ soạn thảo, trên cơ sở các góp ý tổ sẽ tiếp tục rà soát, tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo thông tư, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ sản phẩm.

Một số ảnh tại cuộc họp:

                                                       Toàn cảnh cuộc họp.