Họp Hội đồng thẩm định cấp Bộ “Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”

Sáng ngày 01/10/2021 tại trụ sở Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, ông Tống Ngọc Thanh – Tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã tham dự họp trực tuyến Hội đồng thẩm định cấp Bộ “Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Chủ trì buổi làm việc trực tuyến là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, cùng tham dự có Cục Quản lý tài nguyên nước; các thành viên hội đồng là lãnh đạo các đơn vị: Vụ Kế hoạch – Tài chính; Vụ Khoa học và Công nghệ; Viện Khoa học tài nguyên nước; Tổng cục Khí tượng Thủy văn; Tổng cục Môi trường; Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Cục Biến đối Khí hậu; và các chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên nước.

                Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu chủ trì tại cuộc họp trực tuyến.

Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, Cục Quản lý tài nguyên nước được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao nhiệm vụ xây dựng Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một quy hoạch ngành theo Quyết định số 1748/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sau gần 2 năm triển khai thực hiện nhiệm vụ, Cục đã cơ bản hoàn thành được các nội dung theo đúng yêu cầu của nhiệm vụ đã được Thủ tướng quy định và những yêu cầu của Luật Quy hoạch, cũng như một số nội dung liên quan đến Luật và các văn bản hướng dẫn dưới Luật. Cục đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Viện Khoa học tài nguyên nước trực tiếp tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch này. Bên cạnh đó, Cục cũng phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, các chuyên gia và các địa phương nhằm trao đổi, tổng hợp số liệu đầu vào để lập các phương án Quy hoạch.

Ngoài ra, Cục Quản lý tài nguyên nước đã phối hợp với Tổ chức cộng tác vì nước của Úc tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến để trao đổi, xây dựng các nội dung liên quan đến quy hoạch như cách tiếp cận để quy hoạch, phương pháp luận lập quy hoạch,… Trên cơ sở sở tham khảo các quy hoạch của các quốc gia trên thế giới như như Mỹ, Úc, Ấn Độ, Jordan, Nam Phi và một số quốc gia cùng trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Phillipins, Cục Quản lý tài nguyên nước đã xây dựng Quy hoạch này với quan điểm Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia là định hướng tổng thể cho các quy hoạch ngành quốc gia có khai thác, sử dụng nước, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành có khai thác sử dụng nước khác triển khai.

Báo cáo tóm tắt Dự thảo Quy hoạch tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Hiếu – Trưởng phòng Quản lý quy hoạch và Điều tra cơ bản tài nguyên nước, Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, phạm vi của Quy hoạch bao gồm các sông liên quốc gia, liên tỉnh, nguồn nước liên quốc gia, nguồn nước liên tỉnh trên toàn quốc và các đảo, cụ thể: (i) 13 lưu vực sông lớn Bằng Giang – Kỳ Cùng, Hồng – Thái Bình, Mã, Cả, Hương, Vu Gia – Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn – Hà Thanh, Ba, Sê San, Srêpốk, Đồng Nai và Cửu Long; (ii) Các lưu vực sông nhỏ và nhóm các sông: sông Cái Ninh Hòa, sông Cái Nha Trang, nhóm các sông Quảng Ninh (Tiên Yên, Ba Chẽ), nhóm các sông Quảng Bình (Gianh, Nhật Lệ), nhóm các sông Quảng Trị (Thạch Hãn, Bến Hải), nhóm các sông vùng Đông Nam Bộ (Cái Phan Rang, Lũy, và sông Ray); (iii) Các đảo: Vân Đồn, Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc. Đối tượng quy hoạch là là nguồn nước mặt và nguồn nước dưới đất.

Mục tiêu chung của Quy hoạch là đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia, chủ động về nguồn nước cho các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong mọi tình huống. Bảo đảm phân bổ, điều hòa tài nguyên nước một cách công bằng, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường, góp phần đạt được mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế 7%/năm, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và tác hại do nước gây ra và hướng tới quản trị ngành nước trên cơ sở chuyển đổi số. Đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông và thích ứng với biến đổi khí hậu và là cơ sở cho việc xây dựng, điều chỉnh quy hoạch tổng hợp lưu vực sông.

Ông Nguyễn Hồng Hiếu cũng cho biết, trên cơ sở hiện trạng về nguồn nước, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, các yêu cầu về nguồn nước, trong đó lấy tài nguyên nước làm yếu tố cốt lõi, là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng, cần phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Đảng và Nhà nước giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Để đạt được những yêu cầu trên thì Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông cần phải giải quyết được các vấn đề về điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra; và hoàn thiện thể chế, chính sách phù hợp với đặc điểm tài nguyên nước, hiện trạng, nguồn lực ngành nước, giải quyết thấu đáo các thách thức thông qua các chính sách pháp luật đồng bộ, hiệu quả, hiệu lực. Trong đó, cần thiết phải đặt vấn đề an ninh tài nguyên nước quốc gia, an ninh tài nguyên nước cấp lưu vực lên hàng đầu, đặc biệt là an ninh nước cấp cho sinh hoạt, các hoạt động thiết yếu của người dân. Đồng thời, phải xây dựng các chính sách liên quan đến xã hội hóa ngành nước, tăng cường sử dụng các công cụ kinh tế trong việc ngăn ngừa, xử lý ô nhiễm nguồn nước, cung ứng các dịch vụ nước, đặc biệt là chính sách tính đúng, tính đủ, nâng cao giá trì của nước trong các hoạt động sản xuất và đây cũng là cơ sở để nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả…

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đều đánh giá tính cấp thiết của việc thực hiện nhiệm vụ Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các ý kiến phát biểu cũng cho rằng, Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia lần đầu tiên được thực hiện trong bối cảnh khó khăn do chưa có các quy hoạch cấp cao hơn, chưa có chiến lược tài nguyên nước trong kỳ quy hoạch, cũng như chưa có đủ các quy hoạch lưu vực sông làm cơ sở cho lập quy hoạch. Tuy vậy, hồ sơ quy hoạch bước đầu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Báo cáo thuyết minh tổng hợp Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đáp ứng được yêu cầu theo đúng Quyết định số 1748/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt lập nhiệm vụ quy hoạch tài nguyên nước quốc gia. Báo cáo đã làm rõ tính cấp thiết, phân tích được sự suy giảm tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu; tình trạng lũ lụt, nước biển dâng, triều cường và sạt lở bờ biển cũng như gia tăng việc khai thác, sử dụng nước ở các quốc gia thượng nguồn. Đồng thời, báo cáo đã thể hiện được rõ các vấn đề cốt lõi hay các vấn đề cần giải quyết đối với bài toán quy hoạch tài nguyên nước. Số liệu đưa vào trong báo cáo khá đầy đủ, độ tin cậy cảu các số liệu đồng bộ, thống nhất đáp ứng các yêu cầu đặt ra.

Tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tống Ngọc Thanh                                                      phát biểu tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, Hội đồng thẩm định đã có những góp ý chi tiết, cụ thể về nội dung để hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội đồng cũng nhất trí thông qua Quy hoạch sau khi đơn vị thực hiện tiếp thu, chỉnh sửa các góp ý của các thành viên hội đồng trước khi trình phê duyệt.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành chia sẻ và đồng tình với những ý kiến phát biểu của các thành viên Hội đồng thẩm định. Thứ trưởng đề nghị, Cục Quản lý tài nguyên nước tiếp thu các ý kiến của các thành viên Hội đồng để nghiên cứu, tổng hợp vào hồ sơ Dự thảo Quy hoạch.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo, Thứ trưởng đề nghị, Cục cần xác định rõ các yều cầu cần đạt được trong bản Quy hoạch trên cơ sở tham khảo, học hỏi kinh nghiệm xây dựng quy hoạch tài nguyên nước của một số quốc gia trên thế giới. “Xây dựng quy hoạch tài nguyên nước quốc gia cần phải dựa trên những đặc điểm, tiêu chí cụ thể; số liệu sử dụng phải thống nhất. Đồng thời, cần phải chỉ ra được mối quan hệ giữa những quy hoạch với nhau; đưa ra lộ trình thực hiện các nhiệm vụ về tài nguyên nước như điều tra cơ bản, kiểm kê, báo cáo, quy hoạch lưu vực sông nội tỉnh, quy hoạch lưu vực sông liên tỉnh và quy hoạch tài nguyên nước quốc gia để đảm bảo các nhiệm vụ này phát huy hiệu quả cao nhất” – Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.

Thứ trưởng đề nghị, Cục Quản lý tài nguyên nước tiếp tục phối hợp với Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Viện Khoa học tài nguyên nước và các đơn vị liên quan tổ chức các buổi làm việc, chỉnh sửa hồ sơ sản phẩm của Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để có được bản dự thảo tốt nhất gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương đảm bảo đúng tiến độ theo kế hoạch.

                                              Toàn cảnh cuộc họp.