Họp Hội đồng thẩm định Báo cáo kết quả thực hiện Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” – Giai đoạn II

Sáng ngày 04/10/2021 tại trụ sở Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã diễn ra họp trực tuyến Hội đồng thẩm định Báo cáo kết quả thực hiện Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” – Giai đoạn II. Chủ trì hội nghị gồm Tổng giám đốc Tống Ngọc Thanh và Phó Tổng giám đốc Triệu Đức Huy Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, cùng tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam; Trung tâm Chất lượng và Bảo vệ tài nguyên nước, Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ tài nguyên nước, Trung tâm Dữ liệu tài nguyên nước; các chủ nhiệm thành phần và các chuyên gia lĩnh vực địa chất thủy văn.

                       Tổng giám đốc Tống Ngọc Thanh chủ trì cuộc họp trực tuyến.

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Triệu Đức Huy cho biết, Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” được phê duyệt thực hiện từ năm 2015-2020, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I (2015-2018) thực hiện 9 đô thị, hồ sơ sản phẩm của các đô thị đã hoàn thiện, kết quả đã được chuyển giao cho địa phương. Giai đoạn II (2019-2021) thực hiện 8 đô thị, hồ sơ sản phẩm đã hoàn thiện, chuẩn bị đưa ra hội thẩm định cấp bộ.

Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” – Giai đoạn II được giao cho 7 đơn vị thực hiện. Trong điều kiện thi công ngắn, điều kiện thi công rất phức tạp, các đơn vị đã hoàn thành toàn bộ khối lượng được giao, thực hiện đúng theo nội dung, dự toán được duyệt. Các nội dung thực hiện phù hợp mục tiêu, nhiện vụ của toàn Đề án. Tóm tắt kết quả đạt được của đề án như sau:

– Đề án đã tổng rà soát cập nhật toàn bộ các tài liệu điều tra cơ bản về tài nguyên nước dưới đất của 8 đô thị lớn của nước ta từ trước đến nay. Tiến hành điều tra khảo sát đánh giá chi tiết về hiện trạng tài nguyên nước dưới đất và các vấn đề cần bảo vệ tài nguyên nước dưới đất

– Kết quả của đề án đã làm sáng tỏ được điều kiện tồn tại, diện phân bố, thành phần thạch học, mức độ chứa nước, phân bố nước mặn/nhạt, đặc tính thủy lực, diễn biến mực nước và khả năng khai thác sử dụng của 19 tầng chứa nước của các tầng chứa nước ở 8 đô thị. Trên cơ sở đó đã đánh giá và xác định được tiềm năng nước dưới đất của 8 đô thị là 3.633.340m3/ngày, tổng trữ lượng có thể khai thác phần nước nhạt là 1.210.033 m3/ngày.

– Đề án đã thống kê đầy đủ và chi tiết tình hình khai thác sử dụng nước nước dưới đất, các nguồn gây ô nhiễm. Hiện trạng khai thác nước hiện nay là 352.157 m3/ngày với 213.522 công trình. Đồng thời đánh giá được các nguy cơ ô nhiễm, nhiễm mặn và các tác động tiêu cực ảnh hưởng đến tài nguyên nước dưới đất tại 8 đô thị lớn.

– Trên cơ sở đánh giá chi tiết nguồn nước dưới đất, Đề án đã đề xuất 6 giải pháp kỹ thuật để bảo vệ, phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới ở 8 đô thị như sau: khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; phương án khai thác sử dụng nước dưới đất; phương án hồi phực trữ lượng, chất lượng nước dưới đất; khoanh vùng bảo vệ miền cấp cho tầng chứa nước; khoanh vùng bảo hộ vệ sinh các công trình khai thác nước dưới đất; đề xuất mạng lưới quan trắc, giám sát các tầng chứa nước cần bảo vệ.

Toàn bộ các dữ liệu điều tra cơ bản và các kết quả tính toán, đánh giá về tài nguyên nước dưới đất ở 8 đô thị của Đề án đều được số hóa và cập nhật vào phần mềm Cơ sở dữ liệu tài nguyên nước một cách đồng bộ và đầy đủ.

Phó Tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Triệu Đức Huy                                                      phát biểu tại cuộc họp.

Tại cuộc họp thì các thành viên hội đồng cho rằng cơ bản đề án thực hiện rất tốt, nội dung phong phú, cấu trúc rõ ràng, bố cục hợp lý, sản phẩm đầy đủ cơ bản đáp được mục tiêu đề ra, lựa chọn vấn đề cần được bảo vệ phù hợp với từng đô thị. Tuy nhiên để tiếp tục hoàn thiện thì cần xem xét, rà soát, bổ sung, đánh giá lại một số nội dung, biên tập lại sản phẩm.

Kết luận tại cuộc họp, Tổng giám đốc Tống Ngọc Thanh cảm ơn thành viên hội đồng và đề nghị trên cơ sở các ý kiến góp ý tại cuộc họp, Văn phòng trung tâm cùng tập thể tác giả tiếp thu, bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm.

                                                  Toàn cảnh họp trực tuyến.