Họp Hội đồng nghiệm thu nội dung, khối lượng thực hiện năm 2021 đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm đề xuất bổ sung, hoàn thiện quy định về dự báo, cảnh báo tài nguyên nước”

Sáng ngày 21/10/2021, tại Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã diễn ra họp hội đồng nghiệm thu nội dung, khối lượng thực hiện năm 2021 đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm đề xuất bổ sung, hoàn thiện quy định về dự báo, cảnh báo tài nguyên nước”. Chủ trì cuộc họp là Phó Tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Nguyễn Ngọc Hà, cùng tham gia có đại diện lãnh đạo Ban Điều tra tài nguyên nước; Ban Kế hoạch – Tài chính, Ban Quy hoạch tài nguyên nước; Ban Khoa học Công Nghệ và Hợp tác Quốc Tế và Trung tâm Cảnh báo và Dự báo tài nguyên nước và chuyên gia.

Phó Tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Nguyễn Ngọc Hà                                                           chủ trì cuộc họp.

Báo cáo tại cuộc họp, Chủ nhiệm đề tài TS. Lê Thị Mai Vân cho biết, “Đánh giá, cảnh báo, dự báo tác động của biến đổi khí hậu đối với tài nguyên nước, diễn biến bất thường về số lượng, chất lượng các nguồn nước và các tác hại do nước gây ra” là một trong các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước đã được Luật tài nguyên nước quy định tại điểm h khoản 1 Điều 12. Để triển khai nhiệm vụ này Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số  01/2015/TT-BTNMT ngày 9 tháng 1 năm 2015 về Định mức kinh tế – kỹ thuật quan trắc và dự báo tài nguyên nước. Thông tư này đã quy định các định mức kinh tế kỹ thuật cụ thể cho nội dung quan trắc tài nguyên nước, tuy nhiên mới chỉ quy định định mức đối với dự báo mực nước bằng phương pháp thống kê. Để có được đầy đủ cơ sở pháp lý và kỹ thuật trong việc dự báo cảnh báo tài nguyên nước, cần thiết phải xây dựng quy định kỹ thuật, trong đó chỉ rõ các loại hình của dự báo cảnh báo tài nguyên nước, các phương pháp, quy trình kỹ thuật, từ đó dự thảo thông tư quy định cảnh báo dự báo tài nguyên nước. Đây cũng chính là cơ sở để có thể xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng cho công tác cảnh báo dự báo tài nguyên nước.

Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay công tác cảnh báo dự báo tài nguyên nước còn nhiều tồn tại. Các yếu tố dự báo tài nguyên nước còn chưa được chỉ ra rõ ràng, thậm chí có một vài nghiên cứu trước đây còn coi các yếu tố thủy văn là các yếu tố tài nguyên nước. Các phương pháp sử dụng trong nghiên cứu dự báo nguồn nước ở Việt Nam còn hạn chế và thực hiện một cách riêng rẽ chưa có hệ thống. Phương pháp mô hình dùng để dự báo dòng chảy tháng các trạm chính sông Hồng theo mô hình ARIMA (Bùi Văn Đức, 1990) chỉ tính với các giả thuyết đơn giản hóa và nhận định chủ yếu phụ thuộc vào kinh nghiệm; Các phương pháp truyền thống được sử dụng như: phương pháp nhận dạng, phương trình tương quan, phương pháp hồi quy nhiều biến với các yếu tố khí hậu, dòng chảy và ENSO …. cũng mới chỉ dự báo được các đại lượng thủy văn (H,Q), chưa dự báo đươc tài nguyên nước, tức là xem xét về khả năng, mức độ cung cấp, chất lượng tài nguyên nước phục vụ cho các kế hoạch khai thác sử dụng nước trên lưu vực sông. Vì vậy, công tác cảnh báo dự báo tài nguyên nước còn nhiều hạn chế. Điều này trước tiên là do chúng ta chưa có nghiên cứu nào đưa ra cụ thể được các phương pháp, thời đoạn, quy trình kỹ thuật của bài toán cảnh báo dự báo tài nguyên nước.

Cũng vì điều này, các nhà quản lý, các cán bộ thực hiện gặp nhiều khó khăn khi triển khai các dạng công tác liên quan đến cảnh báo dự báo tài nguyên nước do chưa có thông tư, định mức kỹ thuật nào quy định để có thể định giá, áp giá và triển khai các nội dung có liên quan đến cảnh báo, dự báo tài nguyên nước. Ngay cả các dự báo viên thực hiện công tác dự báo, cảnh báo tài nguyên nước cũng gặp nhiều lúng túng trong công tác chuyên môn vì thiếu cơ sở để thực hiện tác nghiệp.

Hiểu được tầm quan trọng của việc phát triển công tác cảnh báo, dự báo tài nguyên nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã chú trọng và xây dựng phát triển bài toán dự báo, cảnh báo tài nguyên nước ở Việt Nam để phục vụ đời sống người dân, tuy nhiên vì chưa nghiên cứu xây dựng được quy định, quy trình kỹ thuật cảnh báo dự báo tài nguyên nước nên các bản tin này mới đang là bản tin thông báo tài nguyên nước và bước đầu tính toán tổng lượng tài nguyên nước cho 01 lưu vực sông.

Do vậy, với mong muốn phát triển công tác cảnh báo dự báo tài nguyên nước để đáp ứng được nhu cầu của thực tại và xu thế phát triển của thế giới; để đem lại hiệu quả thực tiễn phục vụ người dân và các cấp quản lý trong việc cung cấp thông tin cảnh báo dự báo tài nguyên nước và để các cán bộ, các dự báo viên có cơ sở để thực hiện tác nghiệp, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm đề xuất bổ sung, hoàn thiện quy định về dự báo, cảnh báo tài nguyên nước”.

Mục tiêu nghiên cứu: đánh giá được thực trạng về công tác dự báo, cảnh báo tài nguyên nước; xác định được các yêu cầu quản lý, yêu cầu kỹ thuật của công tác dự báo và cảnh báo tài nguyên nước; hoàn thiện hệ thống các quy định về dự báo, cảnh báo tài nguyên nước.

Phạm vi nghiên cứu của đề tài là các cơ quan, tổ chức, cá nhân, văn bản pháp luật, quy định liên quan đến lĩnh vực cảnh báo dự báo tài nguyên nước. Đối tượng nghiên cứu của đề tài được phân thành 2 nhóm gồm có đối tượng sử dụng (các nhà quản lý, các nhà khoa học, các tổ chức, nhà máy, cá nhân trong cộng đồng sử dụng bản tin cảnh báo, dự báo tài nguyên nước); đối tượng dự báo (nhóm này bao gồm các yếu tố dự báo, cảnh báo tài nguyên nước) và các văn bản pháp luật, quy chế, thông tư liên quan đến công tác cảnh báo, dự báo tài nguyên nước.

Để giải quyết được các mục tiêu nêu trên, đề tài đã thực hiện các nội dung nghiên cứu chính sau đây: nghiên cứu tổng quan trong và ngoài nước về dự báo cảnh báo tài nguyên nước; đánh giá thực trạng các yếu tố ảnh hưởng của công tác dự báo cảnh báo tài nguyên nước ở Việt Nam; xác định yêu cầu quản lý của công tác dự báo cảnh báo tài nguyên nước; nghiên cứu xây dựng dự thảo các quy định về dự báo cảnh báo tài nguyên nước; viết báo cáo tổng kết và báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu khoa học của đề tài; hoàn thiện nội dung sản phẩm.

Kết quả Đề tài đã đưa ra một bức tranh tổng thể về thực trạng công tác cảnh báo, dự báo tài nguyên nước. Đề tài đã đánh giá thực trạng quan trắc, thực trạng truyền phát số liệu, phương pháp, công nghệ, quy trình, thực trạng các bản tin và các yếu tố ảnh hưởng đến công tác thông báo, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước. Trên cơ sở đó, nghiên cứu xác định yêu cầu quản lý của nhà nước bao gồm: Quản lý nhà nước theo lãnh thổ (quốc gia, xuyên quốc gia); vùng; lưu vực sông; nguồn nước, theo các ngành sử dụng nước; quản lý nhà nước theo các cá thể (hộ sử

dụng). Xác định được yêu cầu của công tác quản lý chuyên môn, nghiệp vụ về dự báo, cảnh báo tài nguyên nước bao gồm: quản lý chung về mạng lưới, số liệu quan trắc, lưu trữ, truyền phát thông tin, dữ liệu, thông tin bản tin. Nhằm đưa ra những thông báo dự báo về tài nguyên nước phục vụ lập kế hoạch sử dụng nước, điều hành hợp lý.

Đề tài Nghiên cứu xây dựng dự thảo các quy định về thông báo, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước: nghiên cứu dựa theo quy định về loại bản tin và thời hạn thông báo, dự báo cảnh báo tài nguyên nước; nghiên cứu dự thảo quy định kỹ thuật định giá chất lượng thông báo, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước; nghiên cứu dự thảo quy định kỹ thuật bản tin thông báo tài nguyên nước mặt; nghiên cứu dự thảo quy định kỹ thuật bản tin cảnh báo, dự báo tài nguyên nước mặt; nghiên cứu dự thảo quy định kỹ thuật bản tin thông báo tài nguyên nước dưới đất; nghiên cứu dự thảo quy định kỹ thuật bản tin cảnh báo, dự báo tài nguyên nước dưới đất; nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất bổ sung hoàn thiện các quy định về dự báo, cảnh báo tài nguyên nước giai đoạn 2021-2030.

                      Chủ nhiệm đề tài TS. Lê Thị Mai Vân báo cáo tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, các thành viên hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả thực hiện được của đề tài, nội dung phong phú, cấu trúc rõ ràng, bố cục hợp lý, sản phẩm đầy đủ cơ bản đáp được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện thì cần xem xét, rà soát, bổ sung, đánh giá lại một số nội dung, cần làm nổi bật lên kết quả thực hiện của đề tài, nêu rõ nội dung nào của đề tài nghiên cứu được đưa vào thông tư và nội dung gì chúng ta nghiên cứu mà không đưa vào thông tư, biên tập lại sản phẩm.

Kết luận tại cuộc họp, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Hà cảm ơn thành viên hội đồng và đề nghị trên cơ sở các ý kiến góp ý tại cuộc họp, nhóm tập thể tác giả tiếp thu, bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm.

                                                      Toàn cảnh cuộc họp.