Họp Hội đồng nghiệm thu cấp quản lý kết quả thực hiện 6 tháng cuối năm 2021 Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” – Giai đoạn 2 các đô thị Long Xuyên, Tuy Hòa

Sáng ngày 16/09/2021 tại trụ sở Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã diễn ra cuộc họp trực tuyến Hội đồng thẩm định Báo cáo kết quả thực hiện Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các khu đô thị lớn” – Giai đoạn II, đô thị Tuy Hòa. Chủ trì cuộc họp là Phó Tổng giám đốc Triệu Đức Huy, cùng tham dự đại diện Ban Điều tra tài nguyên nước, Ban Kế hoạch – Tài chính, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung và các chuyên gia địa chất thủy văn.

Phó Tổng giám đốc Triệu Đức Huy chủ trì cuộc họp trực tuyến.

Báo cáo tại cuộc họp, Chủ nhiệm đề án Đặng Văn Quyền cho biết, Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn – giai đoạn II” – đô thị Tuy Hòa được phê duyệt theo Quyết định số 3071/QĐ-BTNMT ngày 02 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt nội dung và dự toán Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” – Giai đoạn II; và được điều chỉnh theo Quyết định số 199/QĐ-BTNMT ngày 01 tháng 02 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt điều chỉnh nội dung và dự toán Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” – Giai đoạn II. Do Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung thi công trong năm 2021. Qua 01 năm triển khai đã hoàn thành khối lượng được phê duyệt, lập báo cáo tổng kết theo quy định. Tóm tắt kết quả đạt được như sau:

Đã đánh giá được các đặc điểm của tài nguyên nước liên quan đến đề xuất các giải pháp bảo vệ nước dưới đất đô thị Tuy Hòa:

– Cấu trúc ĐCTV: đô thị Tuy Hòa có 5 tầng chứa nước lỗ hổng là qh, qp, β(n2-qp), n1, j1-2. Kết quả nghiên cứu đã xác định được diện phân bố, thành phần thạch học, mức độ chứa nước, phân bố nước mặn/nhạt, đặc tính thủy lực, diễn biến mực nước và khả năng khai thác sử dụng của các tầng chứa nước.

– Trữ lượng nước dưới đất: được xác định dưới sự hỗ trợ của mô hình dòng chảy nước dưới đất, kết quả tính toán các loại trữ lượng như sau: tiềm năng tài nguyên nước dưới đất là nhạt 602.325 m3/ngày, trữ lượng có thể khai thác nước nhạt 200.736 m3/ngày.

– Chất lượng nước dưới đất: được đánh giá theo QCVN 09-MT:2015/BTNMT. Nước trong hai tầng qh, qp ở đô thị Tuy Hòa có diện tích bị nhiễm mặn nhỏ, phần nước nhạt chiếm hầu hết diện phân bố của tầng; chất lượng nước khá tốt, bị ô nhiễm dạng điểm và vùng một số chỉ tiêu hợp chất nitơ, vi lượng.

– Đánh giá được hiện trạng khai thác nước dưới đất với tổng lưu lượng khai thác là 50.618,6 m3/ng, nhu cầu khai thác sử dụng nước đến năm 2030 và năm 2050.

– Phân tích, đánh giá hiện trạng các nguồn tài nguyên nước và xác định được các vấn đề cần bảo vệ của các tầng chứa nước chính (qh, qp) là nguy cơ nhiễm mặn và cạn kiệt.

Đã đề xuất được các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ, phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, nhiễm mặn và sụt lún do khai thác nước dưới đất cho đô thị Tuy Hòa:

– Khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất: khoanh được các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất cho 2 tầng chứa nước nhạt là qh, qp.

– Xây dựng phương án khai thác sử dụng nước dưới đất hợp lý: khai thác theo hướng bền vững tài nguyên nước (sử dụng luân chuyển giữa nguồn nước mặt và nước dưới đất), giải quyết được các vấn đề ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất.

– Khoanh vùng bảo vệ miền cấp cho tầng chứa nước: Khoanh được miền cấp cho tầng chứa nước qh (106,3km2) và qp (26,3km2).

– Tính toán phạm vi khoanh vùng bảo vệ miền cấp của các tầng chứa nước, các đới phòng hộ vệ sinh các công trình khai thác nước dưới đất ở đô thị Tuy Hòa. Theo đó, diện tích miền cấp cần bảo vệ cho tầng chứa nước qh là 246,8 km2, cho tầng chứa nước qp là 62,7 km2; tính toán diện tích các đới phòng hộ vệ sinh I (59.032m2), II (96.360 m2) và III (807.864 m2) cho các công trình lấy nước ở đô thị.

– Đề xuất mạng lưới quan trắc, giám sát các tầng chứa nước cần bảo vệ: đã thiết kế hoàn chỉnh mạng lưới quan trắc, giám sát tài nguyên nước theo các mục tiêu quan trắc đông thái nước dưới đất, giám sát sự ô nhiễm và xâm nhập mặn của các tầng chứa nước, bao gồm 6 điểm/8 công trình quan trắc.

– Phân vùng khả năng bổ sung nhân tạo cho các tầng chứa nước, xác định thứ tự ưu tiên và đề xuất sơ đồ bổ sung nhân tạo tại vị trí ứu tiên: Dựa trên các đặc điểm của đô thị Tuy Hòa lựa chọn sử dụng ở đây là bổ sung nhân tạo bằng phương pháp bồn thấm kết hợp với các lỗ khoan hấp thu nước, nguồn nước ưu tiên dùng để bổ sung nhân tạo ở đô thị là nguồn nước mưa, tiếp đến là nguồn nước mặt.

Kết quả đạt được của đề án đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu đề ra là đánh giá nguồn nước dưới đất ở đô thị Tuy Hòa, đề xuất các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ, phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn nước dưới đất cho đô thị Tuy Hòa.

Tại cuộc họp, các thành viên hội đồng cho rằng cơ bản đề án rất tốt nội dung phong phú, cấu trúc rõ ràng, bố cục hợp lý, lựa chọn 3 vấn đề cần được bảo vệ phù hợp với đô thị Tuy Hòa. Tuy nhiên để tiếp tục hoàn thiện thì cần xem xét, rà soát, bổ sung, đánh giá lại một số nội dung, phương pháp thực hiện đề án, đưa ra luận chứng rõ ràng để chứng minh mức độ tin cậy; thu thập thêm số liệu từ các dự án trước đây để so sánh đánh giá sự thay đổi.

Kết luận tại cuộc họp, Phó Tổng giám đốc Triệu Đức Huy cảm ơn thành viên hội đồng và đề nghị trên cơ sở các ý kiến góp ý tại cuộc họp, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung cùng tập thể tác giả tiếp thu triệt để, cùng phối hợp với ban chuyên môn bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm.

Toàn cảnh họp trực tuyến.