Sáng ngày 28/01/2021, tại Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã diễn ra họp Hội đồng đánh giá, kiểm tra, nghiệm thu kết quả thực hiện cụm đề tài Viwat năm 2020. Tham dự cuộc họp có ông Tống Ngọc Thanh – Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia – Chủ tịch Hội đồng; ông Triệu Đức Huy – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia – Phó chủ tịch Hội đồng; ông Nguyễn Ngọc Hà – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia – Phó chủ tịch Hội đồng; cùng đại diện các phòng Ban của Trung tâm và các chủ nhiệm tham gia thực hiện đề tài.
Trong nhiều năm trở lại đây, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang phải chịu những ảnh hưởng ngày càng nặng nề của các hiện tượng cực đoan như hạn hán, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, El Nino, nước biển dâng… Trong một quy hoạch tổng thể cho vùng ĐBSCL, mối quan hệ giữa sử dụng tài nguyên nước và đất cần phải được xét đến, và quy hoạch này sẽ phải giải quyết bài toán sử dụng tài nguyên nước và đất một cách thích ứng và hài hoà với nguồn nước sẵn có, và đánh giá được biến động tài nguyên và sử dụng tài nguyên là một trong những vấn đề cốt lõi làm cơ sở cho quy hoạch tổng thể cho vùng ĐBSCL. Như vậy, cần phải có một bộ công cụ hỗ trợ hữu hiệu gồm cơ sở dữ liệu chứa đựng các số liệu liên quan tích hợp với các công cụ đánh giá tài nguyên (nước, đất).
Mở đầu cuộc họp các chủ nhiệm đề tài Viwat 1, Viwat 2, Viwat 3 thay mặt nhóm thực hiện báo cáo một số kết quả chính đạt được trong năm 2020 như sau:
– Đối với Đề tài: “Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ tích hợp đánh giá tài nguyên nước và đất phục vụ Quy hoạch tổng thể Đồng bằng sông Cửu Long” – Viwat 1: Trong năm 2020 đề tài tiếp tục thực hiện nội dung 4, đã hoàn thành đo bổ sung 17 mặt cắt ngang lòng sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao; thiết lập các mô hình thủy lực 1, 2 chiều Mike 11, Mike 21 nhằm xác định các đặc trưng về tài nguyên nước của hệ thống sông ngòi vùng ĐBSCL; tiến hành thu thập các tài liệu để tính toán nhu cầu sử dụng nước, dự kiến sử dụng mô hình cân bằng nước Mike Basin trong tính toán cân bằng nước toàn bộ lưu vực sông Cửu Long.
– Đối với Đề tài: “Nghiên cứu tích hợp các chỉ số sử dụng bền vững tài nguyên nước và đất trong phân bổ nguồn nước vùng Nam Sông Hậu” – Viwat 2: Năm 2020, đề tài tiến hành nghiên cứu đánh giá tài nguyên nước Nam sông Hậu dựa vào các chỉ số thuộc nhóm Đánh giá Tài nguyên nước của bộ chỉ số sử dụng bền vững tích hợp tài nguyên đất và nước, đã hoàn thành 20/28 báo cáo, 14 bản đồ thuộc các nội dung nghiên cứu 7: Áp dụng các chỉ số sử dụng bền vững tài nguyên nước và đất trong quy hoạch phân bổ nguồn nước Nam sông Hậu. Các công việc tập trung nghiên cứu về việc áp dụng các chỉ số sử dụng bền vững tài nguyên nước và đất từ đó xác định lượng nước có thể sử dụng tại các điểm phân bổ khu vực Nam sông Hậu.
– Đối với Đề tài: “Nghiên cứu nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng hệ thống giám sát nguồn nước phục vụ cảnh báo sớm cạn kiệt, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long” – Viwat 3: Trong năm 2020, đề tài đã thực hiện đầy đủ các hạng mục công việc gồm 20 báo cáo chuyên đề, trong đó: hoàn thành 04 báo cáo thuộc nội dung nghiên cứu 2: Nghiên cứu tổng hợp, phân tích nguồn dữ liệu hiện có phục vụ cảnh báo sớm cạn kiệt, xâm nhập mặn; hoàn thành 16 báo cáo thuộc nội dung nghiên cứu 4: Nghiên cứu xây dựng bộ phần mềm tác nghiệp nhằm khai thác hiệu quả hệ thống giám sát nguồn nước phục vụ cảnh báo sớm cạn kiệt, xâm nhập mặn và ứng dụng kết quả quan trắc để cảnh báo sớm, dự báo tổng lượng nước theo tháng và theo quý.
Ngoài ra, các Đề tài cũng đã tổ chức được một số các buổi hội thảo với đối tác Đức để trao đổi, thống nhất các nội dung, hạng mục làm việc. Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên phương thức phối hợp chủ yếu là tổ chức các buổi làm việc trực tuyến, trao đổi qua email, tập huấn (workshop).
Sau khi nghe xong báo cáo các Ủy viên Hội đồng cho rằng cụm đề tài đã thực hiện đầy đủ khối lượng và chất lượng theo đề cương, đề tài tham khảo các nguồn tài liệu chính thống liên quan đến nội dung của đề tài, kết quả nghiên cứu đạt được đều có chất lượng tốt đáp ứng mục tiêu của đề tài và đáp ứng yêu cầu khoa học, phù hợp với thực tiễn. Hội đồng đồng ý với kết quả của đề tài, tuy nhiên cũng cần chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung cũng như thể thức, bố cục của báo cáo.
Kết luận tại cuộc họp Hội đồng, ông Tống Ngọc Thanh – Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đánh giá rất cao nỗ lực của tập thể tác giả vì đã hoàn thành đề tài đúng thời hạn. Tuy nhiên tập thể tác giả, tổ thực hiện cụm đề tài Viwat 1, Viwat 2, Viwat cần tiếp thu các ý kiến đóng góp của Hội đồng, chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện các báo cáo.
Một số hình ảnh tại Hội đồng: