Họp bàn giao giai đoạn 2 Tiểu dự án 2 “Nâng cấp, xây dựng mạng quan trắc nước dưới đất Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu”

Tại Hà Nội, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia và Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng – Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức họp về bàn giao công trình đưa vào sử dụng giai đoạn 2 của Tiểu dự án 2: “Nâng cấp, xây dựng mạng quan trắc nước dưới đất Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu” thuộc Hợp phần I, Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”. Tham dự buổi họp có ông Tống Ngọc Thanh – Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, ông Nguyễn Đức Phú – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng; đại diện Liên danh nhà thầu An Phước – Hymetco – Phong Phú; cùng lãnh đạo phòng, ban và cán bộ của các đơn vị liên quan.

Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục Dự án tại Quyết định số 736/QĐ-TTg ngày 29/4/2016. Dự án bao gồm 5 Hợp phần, trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường được Thủ tướng Chính phủ giao làm Cơ quan chủ quản đối với các Tiểu dự án 1, 2, 3, 4 thuộc Hợp phần I và một phần chi phí hỗ trợ quản lý và thực hiện Dự án thuộc Hợp phần V.

Đến nay, Tiểu dự án 2 – giai đoạn 2: “Nâng cấp, xây dựng mạng quan trắc nước dưới đất ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu” đã hoàn thành đầu tư. Tiểu dự án 2 có mục tiêu đầu tư xây dựng mới và nâng cấp mạng quan trắc nước dưới đất hiện đại, đồng bộ bảo đảm cung cấp thông tin về số lượng, chất lượng nước và các tác động tới nguồn nước đầy đủ, kịp thời phục vụ quản lý tài nguyên nước đáp ứng các yêu cầu về nước dưới đất cho phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 trong điều kiện biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL. Đồng thời, góp phần kiểm soát được hiện trạng khai thác, sử dụng các nguồn nước dưới đất vùng ĐBSCL trên cơ sở thông tin, dữ liệu chính xác; tạo lập công cụ thông tin cho quản lý, lập kế hoạch, quy hoạch về tài nguyên nước dưới đất.

Giai đoạn 2 của dự án gồm 3 gói thầu. Cụ thể, gói thầu cung cấp lắp đặt thiết bị truyền và giám sát lỗ khoan do Liên danh nhà thầu An Phước – Hymetco – Phong Phú thực hiện; gói thầu xây dựng lỗ khoan do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia thực hiện; gói thầu Xây dựng tường bao quanh khu vực lỗ khoan do Công ty TNHH MTV Cơ khí Đông Nam thực hiện.

Ông Nguyễn Đức Phú, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng phát biểu tại cuộc họp.

Theo ông Nguyễn Đức Phú, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng cho biết, với sự nỗ lực của Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng, sự nỗ lực của các nhà thầu, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng, đến nay giai đoạn 2 Tiểu dự án 2 đã hoàn thành. Kết quả là đã đầu tư xây dựng mới và nâng cấp được hệ thống mạng quan trắc nước dưới đất hiện đại, đồng bộ bảo đảm cung cấp thông tin về số lượng, chất lượng nước trên địa bàn 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, gồm xây dựng và nâng cấp 9 điểm với 31 công trình quan trắc; xây dựng mới tường rào tại 8 điểm; lắp đặt thiết bị quan trắc tự động cho 155 công trình quan trắc. Ban Quản lý dự án đã hoàn thành lắp đặt thiết bị và công tác nghiệm thu chạy thử từ 01/01/2022 đến 31/03/2022. Theo kế hoạch sẽ bàn giao tài sản cho Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia trong tháng 4/2022.

Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia là đơn vị thực hiện gói thầu xây dựng lỗ khoan. Đến nay Trung tâm đã hoàn thành gói thầu với 09 điểm quan trắc: Q022, Q206, Q214, Q603, Q615, Q619, Q620, Q623, Q633 gồm 31 công trình quan trắc biến mạng quan trắc tại Đồng bằng sông Cửu Long thành mạng quan trắc hiện đại, có khả năng tích hợp, phân tích, hỗ trợ ra quyết định trong quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

Tổng Giám đốc Tống Ngọc Thanh phát biểu tại buổi họp.

Phát biểu tại buổi họp, Tổng Giám đốc Tống Ngọc Thanh cho rằng, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia là đơn vị có nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực quan trắc tài nguyên nước cùng với các kinh nghiệm vận hành từ giai đoạn 1 của tiểu dự án, sự tin tưởng giao nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm sẽ nỗ lực hoàn thành tốt giai đoạn 2. Hệ thống mạng quan trắc khi đi vào hoạt động, các thông số, chỉ tiêu thu thập được sẽ giúp các cơ quan quản lý Nhà nước có được thông tin về số lượng, chất lượng nước; các tác động của Biến đổi khí hậu tới nguồn nước đầy đủ, kịp thời. Từ đó, giúp chúng ta kiểm soát được hiện trạng khai thác, sử dụng, các nguồn nước dưới đất vùng Đồng bằng sông Cửu Long để kịp thời phục vụ quản lý tài nguyên nước, đáp ứng các yêu cầu về nước dưới đất cho phát triển kinh tế – xã hội.

Toàn cảnh cuộc họp.